ISSN-2815-5823
THÚY KHANG
Thứ sáu, 09h58 28/03/2025

Đề xuất giải pháp thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững

(KDPT) - Ngày 27/3, tại Hà Nội, Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức hội thảo “Một số bất cập trong việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp”.

Nền kinh tế nông nghiệp đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật đang thể hiện rõ 1 số vướng mắc, bất cập, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là với ngành phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chăn nuôi và thuốc thú y.

TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại hội thảo.
TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đánh giá, môi trường và điều kiện kinh doanh hàng hóa của Việt Nam thuộc top khá, rất thoáng ở tầm vĩ mô (chủ trương, nghị quyết, các FTA) nhưng còn nhiều hạn chế ở các quy định cụ thể, thể chế pháp luật và chính sách chưa thực sự phù hợp. Sản phẩm hàng hóa của Việt Nam nhiều hơn về quy mô nhưng chưa thực sự mạnh về giá thành và mức độ chế biến sâu.

Quy định công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa như hiện nay đang rất hình thức, làm phát sinh chi phí, gây tăng giá thành sản phẩm. Những bất cập trong 2 luật “gốc” là Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật không chỉ gây bất lợi cho nhiều ngành sản xuất liên quan đến nông nghiệp mà còn khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Quy định về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa đang tạo gánh nặng không cần thiết cho doanh nghiệp và người dân, làm mất thời cơ kinh doanh và là căn nguyên phát sinh tiêu cực.

“Quy định này yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải có dấu hợp quy và công bố hợp quy, trong khi thực tế các nước khác không áp dụng yêu cầu này, nghĩa là hàng hóa nhập vào Việt Nam phải sản xuất cá biệt. Điều này khiến doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thêm chi phí và thời gian kiểm định, làm giảm cơ hội kinh doanh và tăng giá thành sản phẩm. Ngay cả với những mặt hàng buộc phải lấy mẫu kiểm tra chất lượng trước thông quan thì thông thường cũng chỉ áp dụng theo phương thức xác suất để lấy mẫu không vượt quá 5% số lô hàng nhập khẩu”, ông Dương bày tỏ.

Cùng quan điểm, theo bà Nguyễn Thị Hương - Phó Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, hiện nay, doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y đang xuất khẩu sản phẩm sang hơn 40 nước trên thế giới nhưng không có nước nào cần đến chứng nhận công bố hợp quy từ Việt Nam. Vì vậy, việc bỏ quy định công bố hợp quy là cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh bình đẳng với các đối thủ quốc tế.

Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Cũng tại hội thảo, ông Trần Đại Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho rằng, việc bắt buộc khảo nghiệm phân bón đang làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, gây khó khăn cho nông dân và làm chậm quá trình đưa sản phẩm mới ra thị trường.

“Quy chuẩn quốc gia được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học trong hệ thống nghiên cứu quốc gia, đã đảm bảo các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, an toàn sản phẩm và các yếu tố khác đối với cây trồng. Do đó, sản phẩm phân bón đáp ứng các yêu cầu của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là đã đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn cao nhất, đủ điều kiện lưu hành”, ông Nghĩa nhấn mạnh./. 



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 02/04/2025