Bất động sản sinh thái – Xu hướng tiên phong tại đô thị vệ tinh
(KDPT) – Khoảng một năm trở lại đây, ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản TP.HCM mở rộng hoạt động tại các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An… Đây không phải hiện tượng mới nhưng giới chuyên gia dự đoán làn sóng ngược dòng thị trường lần này sẽ diễn ra mạnh và kéo dài trong vòng một thập kỷ.
Nguyên nhân nhiều doanh nghiệp rời khỏi thị trường sôi động bắt nguồn từ việc biến động nguồn cung do TP.HCM hạn chế cấp phép dự án, quỹ đất sạch thu hẹp khiến khu vực trung tâm rơi vào tình trạng quá tải. Kịch bản này tạo ra cơ hội lớn cho các khu vực liền kề TP.HCM và được đầu tư đồng bộ về hạ tầng, giao thông nhằm giảm áp lực dân số cho thành phố.
Đặc biệt khu vực vệ tinh có quỹ đất rộng, thiên nhiên trù phú sẽ thuận lợi để doanh nghiệp phát triển những dự án quy mô, chuẩn mực giúp doanh nghiệp đáp ứng được các đòi hỏi ngày càng cao về cảnh quan và không gian sống xanh của nhà đầu tư.
Biên Hoà – Tâm điểm đầu tư
Trong số những điểm đến mới, Biên Hòa đang là địa chỉ thu hút nhiều tên tuổi uy tín của thị trường nhờ thỏa mãn 3 yếu tố thịnh vượng “nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ”.
So với các vùng lân cận, nơi đây có lợi thế về xuất phát điểm khi là trung tâm hành chính của tỉnh và liền kề nhiều dự án trọng điểm quốc gia như sân bay quốc tế Long Thành, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, cao tốc Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Biên hòa – Vũng Tàu…
Mới đây ngày 6/11, UBND tỉnh Đồng Nai đã làm việc với các sở, ngành và địa phương liên quan về công tác nghiên cứu, duyệt quy hoạch dự án xây dựng tuyến đường liên vùng 4 để giải quyết nhu cầu giao thông từ TP. HCM về Đồng Nai và phục vụ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.
Cũng theo đại diện UBND tỉnh, tuyến đường liên vùng 4 – quốc lộ 51 được xây dựng không chỉ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, mà còn thúc đẩy các dự án bất động sản, đô thị quanh vùng. Với tính chất kết nối quan trọng của tuyến giao thông này, tỉnh cũng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nhanh chóng rà soát lại hướng đi của tuyến, tránh ảnh hưởng đến các chung cư và khu công nghiệp gần đó. Bên cạnh đó, tỉnh xem xét mở rộng tuyến này theo hướng Biên Hòa – Vũng Tàu để quy hoạch kết nối liên vùng.
Theo báo cáo của Sở Giao thông – vận tải, đường liên vùng 4 sẽ kết nối từ đường Vành đai 3 (đoạn qua quận 9, TP.HCM) đến quốc lộ 51 (huyện Long Thành), thông ra ngã tư Dầu Giây – Long Thành, quốc lộ 1 và đường liên tỉnh 769. Dự kiến, chiều dài toàn tuyến đường này là 45 km, chiều rộng mặt đường là 40 m. Trong đó, đoạn từ đường vành đai 3 đến quốc lộ 51 có chiều dài 13 km.
Ngoài lợi thế hạ tầng mạnh mẽ, Biên Hòa còn nằm ở khu vực hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai. Bên cạnh tiềm lực giao thông bằng đường thủy, nơi đây cũng sở hữu lợi thế để phát triển các loại hình bất động sản gắn liền với thiên nhiên.
Theo quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, Biên Hòa sẽ trở thành đô thị vệ tinh độc lập và là một phần của tiểu vùng kinh tế Tây Nam Đồng Nai. Thành phố đóng vai trò như đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm tiếp vận ở phía Đông của TP.HCM.
Novaland tiên phong phát triển bất động sản sinh thái thông minh tại Biên Hoà
Đón đầu xu hướng phát triển của khu vực này, Tập đoàn Novaland mới đây đã công bố dự án đô thị sinh thái thông minh Aqua City với địa thế ba mặt giáp hệ thống sông Đồng Nai, sông Buông, sông Trong. Dự án nằm trên trục đường lớn Hương Lộ 2, dự kiến sau khi hoàn thành và kết nối vào cao tốc Long Thành – Dầu Giây, quãng đường di chuyển bằng ô tô đến trung tâm TP.HCM khoảng 15 phút.
Đại diện tập đoàn cho biết, việc tham gia thị trường bất động sản này phù hợp với định hướng dài hạn là tận dụng lợi thế hiện hữu về vị trí, hạ tầng để gia tăng giá trị cho khách hàng.
Chủ đầu tư cũng tiên phong ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại khi tích hợp nhiều công nghệ thông minh từ hệ thống chiếu sáng, camera nhận diện người lạ, sử dụng năng lượng mặt trời… Công nghệ thông minh đó không chỉ đem đến sự tiện nghi, đẳng cấp mà còn bảo vệ môi trường, không gian sống xanh.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, không ít nhà đầu tư đang chấp nhận đi xa hơn trong bối cảnh cơ hội sở hữu bất động sản để ở hoặc đầu tư tại TP.HCM đang hẹp dần với dòng vốn nhỏ. Sau thời gian dài bám trụ thị trường, nhà đầu tư có nhu cầu thay đổi khẩu vị với yêu cầu khác ngoài sản phẩm truyền thống như đất nền, nhà phố, căn hộ…
Do đó, các dự án đô thị sinh thái thông minh tích hợp tiện ích đa dạng như Aqua City hứa hẹn trở thành thỏi nam châm hai chức năng: Hút vốn và giãn dân khỏi khu vực trung tâm. Dư địa tăng trưởng về giá cho những sản phẩm này tại các đô thị vệ tinh hiện hứa hẹn rất lớn.
“Dòng tiền sẽ tập trung vào những dự án có quỹ đất đẹp và chủ đầu tư uy tín. Những dự án có lợi thế về vị trí, sự uy tín của các chủ đầu tư tiếp tục có tiềm năng tăng trưởng trong những năm tới”, báo cáo ngành bất động sản Công ty Chứng khoán Sacombank viết.
Theo: baodautu.vn