BIDV: Ngân hàng TMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống
Giới thiệu chung về BIDV
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam với bề dày lịch sử hơn 65 năm hình thành và phát triển. BIDV có mạng lưới rộng khắp cả nước với hơn 2.200 chi nhánh, phòng giao dịch và hơn 17.000 điểm giao dịch tự động, có mặt tại 63 tỉnh thành phố trong nước và 6 nước và vùng lãnh thổ khác.
Trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, BIDV thuộc nhóm Big 4, và cũng là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất khi đạt 2,26 triệu tỷ đồng trong năm 2023.
Là một ngân hàng thương mại cổ phần, BIDV có vốn góp của nhiều cổ đông, trong đó cổ đông lớn nhất là Nhà nước với tỷ lệ sở hữu hơn 50%. Bởi vậy, đây không phải là Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn bởi còn có đơn vị ngoài Nhà nước sở hữu. Tuy vậy, ngân hàng BIDV vẫn thuộc sự quản lý của Nhà nước, và Nhà nước có quyền chi phối hoạt động của ngân hàng này.
Tính đến hết năm 2021, BIDV còn giữ ngôi vương về số lượng nhân sự khi có tổng cộng hơn 27.000 nhân viên làm việc tại khắp các chi nhánh và phòng giao dịch.
Về sứ mệnh và tầm nhìn, BIDV hướng đến trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam, cung cấp các giải pháp tài chính sáng tạo và toàn diện, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng, được khách hàng tin tưởng và lựa chọn cũng như có vị thế trên trường quốc tế.
Về giá trị cốt lõi, BIDV luôn đề cao các yếu tố chuyên nghiệp, tin cậy, đổi mới, hiệu quả và trách nhiệm của mình với cộng đồng và môi trường.
Các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV
BIDV hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính với mạng lưới gần 1.100 chi nhánh và phòng giao dịch.
- Ngân hàng: BIDV có kinh nghiệm hàng đầu cung cấp đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại và tiện ích.
- Bảo hiểm: BIDV cung cấp các sản phẩm Bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ được thiết kế phù hợp trong tổng thể các sản phẩm trọn gói của BIDV tới khách hàng.
- Chứng khoán: Ngân hàng cũng cung cấp đa dạng các dịch vụ môi giới, đầu tư và tư vấn đầu tư cùng khả năng phát triển nhanh chóng hệ thống các đại lý nhận lệnh trên toàn quốc.
- Đầu tư tài chính: Góp vốn thành lập doanh nghiệp để đầu tư các dự án, trong đó nổi bật là vai trò chủ trì điều phối các dự án trọng điểm của đất nước như: Công ty Cổ phần cho thuê Hàng không (VALC) Công ty phát triển đường cao tốc (BEDC), Đầu tư sân bay Quốc tế Long Thành…
Lịch sử hình thành và phát triển của BIDV
Giai đoạn 1957 - 1981: Giai đoạn hình thành và phát triển ban đầu
Năm 1957, tiền thân của BIDV là Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam ra đời với nhiệm vụ cấp phát vốn ngân sách nhà nước dành cho đầu tư xây dựng cơ bản theo nhiệm vụ của Nhà nước giao. Sau đó 3 năm, ngân hàng bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực huy động vốn từ dân cư rồi mở rộng sang lĩnh vực thanh toán quốc tế.
Đến năm 1975, Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư Xây dựng Việt Nam.
Giai đoạn 1981 - 1990: Giai đoạn đổi mới và phát triển
Năm 1981, tiếp tục đổi tên thành Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Sau đó 5 năm, BIDV bắt đầu thực hiện đổi mới hoạt động theo cơ chế thị trường khi Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra chủ trương đổi mới kinh tế xã hội
Từ năm 1988 đến 1990, BIDV được phép mở chi nhánh tại các tỉnh thành cũng như huy động vốn ngoại tệ.
Giai đoạn 1991 - 2000: Giai đoạn phát triển mạnh mẽ
Năm 1991, ngân hàng được phép mở chi nhánh ở nước ngoài rồi thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm sau đó ít năm. Năm 1995, ngân hàng bắt đầu hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại và rồi được cấp phép thành lập công ty chứng khoán.
Giai đoạn 2001 - nay: Giai đoạn hội nhập quốc tế, ứng phó khủng hoảng tài chính và phát triển bền vững
BIDV tham gia vào Hiệp hội Ngân hàng Châu Á (ABA) năm 2001, sau đó niêm yết cổ phiếu tại HOSE năm 2007. Năm 2013, BIDV vinh dự được xếp hạng là ngân hàng có hệ thống quản lý rủi ro tốt nhất hệ thống. Bước sang năm 2018, ngân hàng bắt đầu triển khai chiến lược chuyển đổi số, hướng tới trở thành ngân hàng số hàng đầu.
Năm 2023, BIDV vẫn khẳng định được vị thế là một trong những ngân hàng lớn nhất cả nước.
Ứng dụng chuyển đổi số của BIDV
Kể từ năm 2022, BIDV đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong chuyển đổi số, nhất là khi giới thiệu các sản phẩm số được thiết kế riêng cho khách hàng khác nhau như BIDV SmartBanking thế hệ mới, BIDV Private Banking, BIDV iBank, BIDV SMart Kids…
Về phía khách hàng là doanh nghiệp, ngân hàng này cũng đã cho ra nhiều tiện ích và sản phẩm giúp đáp ứng nhu cầu lớn về số hóa của doanh nghiệp như tài khoản định danh, quản lý dòng tiền, kết nối ERP trên Openbank, triển khai tư vấn tự động sản phẩm kinh doanh tiền tệ và vốn...
Hướng đến trở thành ngân hàng số có nền tảng tốt nhất Việt Nam năm 2030, BIDV đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trên hành trình ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.
Thành tựu và giải thưởng
Trải qua nhiều thập niên xây dựng và phát triển, BIDV đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng nhiều giải thưởng cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động các hạng, Danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới...
Về hoạt động chuyên ngành, ngân hàng BIDV cũng nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng nổi bật trong nước và quốc tế trong các lĩnh vực đáng chú ý như kinh doanh vốn và tiền tệ, phát triển thương hiệu, CNTT, thanh toán quốc tế, sử dụng lao động, an sinh xã hội…
Một số xếp hạng của BIDV:
- Top 10 Thương hiệu giá trị nhất Việt Nam do Forbes bình chọn.
- Ngân hàng thương mại có uy tín cao nhất Việt Nam được Tạp chí The Asian Banker bình chọn trong nhiều năm liền.
- Ngân hàng có dịch vụ khách hàng tốt nhất Việt Nam bình chọn bởi Tạp chí The Asian Banker.
- Giải thưởng Sao Vàng Đất Việt
- Giải thưởng Rồng Vàng
- Giải Đơn vị Chuyển đổi số xuất sắc 2023 bởi Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO).
Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, BIDV đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, trở thành một trong những ngân hàng lớn nhất và uy tín nhất Việt Nam. BIDV luôn cam kết mang đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, an toàn và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của cộng đồng và đất nước./.
- Đạt Phương tiếp tục vay tín dụng ngân hàng BIDV hơn 1.500 tỷ đồng trong vòng hai năm
- Ngân hàng BIDV tiếp tục ‘siết nợ’ đại gia khoáng sản Ngọc Linh, tổng dư nợ hơn 2.500 tỷ đồng
- BIDV vẫn ‘miệt mài’ đấu giá tài sản của Tập đoàn Khải Vy để thu hồi nợ