ISSN-2815-5823

BIDV, Vietcombank rục rịch kế hoạch bán vốn tỷ USD

(KDPT) - BIDV nhiều khả năng hoàn tất thương vụ bán vốn trong năm 2025. Còn Vietcombank được cho là đã lựa chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ, dự kiến hoàn tất thương vụ trong năm nay.

BIDV có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng từ bán vốn 

Trong báo cáo phân tích về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID), các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết nhà băng này đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần theo nghị quyết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình kinh tế không thuận lợi và các nhà đầu tư ngoại thu hẹp khẩu vị rủi ro, thương vụ tiếp tục được xúc tiến sang năm 2024.

Cuối năm 2019, BID cũng đã thành công trong việc phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank 15% vốn điều lệ với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng, tương đương với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu và định giá P/B là 1,9 lần.

BIDV, Vietcombank rục rịch kế hoạch bán vốn tỷ USD. (Ảnh minh hoạ: YT)
BIDV, Vietcombank rục rịch kế hoạch bán vốn tỷ USD. (Ảnh minh hoạ: YT)

Theo đánh giá của BVSC, giá phát hành trong thương vụ mới này có thể rơi vào mức P/B 2 lần cao hơn so với mức định giá trong thương vụ bán cho KEB Hana Bank vì 2 lý do.

Thứ nhất, ROE năm 2022-2023 của BIDV đã đạt trung bình 19%, cao hơn nhiều so với trung bình giai đoạn trước đó 14,5% và dự kiến ROE giai đoạn 2024-2028 cũng sẽ duy trì ở mức cao 19-20%. Thứ 2, nợ xấu của BIDV đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước đó và chi phí tín dụng cũng đã giảm mạnh giúp ngân hàng có dư địa tăng trưởng nhiều hơn.

Với mức P/B là 2 lần, giá phát hành sẽ tương đương 48.036 đồng/cổ phiếu (với giả định giá trị sổ sách giữa năm 2024 là 24.018 đồng/cổ phiếu). Nếu phát hành thành công, BIDV có thể thu về hơn 27 nghìn tỷ đồng, củng cố bộ đệm vốn cũng như hệ số CAR của ngân hàng, qua đó giúp ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Theo dự phóng của BVSC, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân CAGR của BIDV giai đoạn 2024-2028 có thể đạt 15,4% (cao hơn so với mức 11,9% của giai đoạn 2019-2023) và CAR của BIDV sẽ cải thiện lên mức 11,07% trong năm 2025 nếu hoàn thành thương vụ.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng việc hoàn tất thương vụ có thể kéo dài đến năm 2025 trước bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro, và chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Mức giá bán vốn của BIDV theo dự báo BVSC khá gần với mức dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcap trước đó. Theo Vietcap, giá bán kỳ vọng cho thương vụ bán vốn của BIDV là 49.000-50.000 đồng/cổ phiếu, khá tương đồng với thị giá của cổ phiếu BID trên thị trường chứng khoán.

Với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, Vietcap kỳ vọng hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu của BIDV có thể thành công.

Vietcombank rục rịch nâng vốn 

Ngoài thương vụ chào bán tỷ USD của BIDV, một thương vụ chào bán riêng lẻ lớn nữa cũng đang được xúc tiến là thương vụ bán vốn của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, HoSE: VCB). 

Trước đó, Bloomberg dẫn lời nguồn tin cho biết Vietcombank đã lựa chọn Citigroup để tư vấn triển khai thương vụ chào bán riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư chiến lược.

Citigroup hiện là ngân hàng đầu tư lớn thứ 3 của Mỹ theo quy mô tài sản. Đại diện Vietcombank đã xác nhận với hãng tin này về việc lựa chọn Citigroup làm đơn vị tư vấn cho thương vụ bán vốn nhưng từ chối bình luận về các chi tiết khác của thương vụ.

Cũng theo nguồn tin của Bloomberg, Vietcombank có thể tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài lớn và đợt bán vốn sẽ diễn ra trong nửa cuối năm nay. 

Nếu giao dịch thành công, Vietcombank dự kiến thu về được khoảng 1 tỷ USD (tương đương 24.450 tỷ đồng).

Theo đánh giá của Vietcap, giá bán kỳ vọng cho thương vụ của Vietcombank là 100.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn khoảng 4% so với thị giá hiện tại của cổ phiếu VCB.

Kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đã được ban lãnh đạo ngân hàng đề cập từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. 

Trước đó, vào tháng 1/2019, Vietcombank phát hành riêng lẻ hơn 94,4 triệu cổ phần (2,55% vốn) cho GIC Private Limited (GIC), một quỹ đầu tư quốc gia của Singapore và hơn 16,6 triệu cổ phiếu (0,4% vốn) cho Mizuho Bank (Nhật Bản). 

Hai thương vụ giúp Vietcombank thu về tổng cộng 6.200 tỷ đồng, tương ứng mức giá 55.800 đồng/cổ phiếu.

Tính đến ngày 31/12/2023, Vietcombank có 2 cổ đông lớn là Ngân hàng Nhà nước nắm giữ hơn 4,18 tỷ cổ phiếu, chiếm 74,8% vốn và Mizuho Bank nắm giữ gần 840 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15% vốn./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024