ISSN-2815-5823
Ánh Dương
Thứ sáu, 11h09 03/05/2024

Thuốc Đông y trên mạng - "ma trận" thông tin đánh đố người tiêu dùng

(KDPT) - Việc tự ý mua và sử dụng các loại Đông dược không rõ nguồn gốc có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và kinh tế người tiêu dùng.

Việc tự ý mua và sử dụng các loại Đông dược xuất xứ không rõ nguồn gốc, thuốc rởm, thuốc kém chất lượng và chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành đã khiến không ít người bị ngộ độc, suy gan, suy thận, thậm chí tử vong... Điều này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nền y dược học cổ truyền.

Đặc biệt, với nhiều người mắc bệnh mạn tính như xương khớp, đái tháo đường, tăng huyết áp… thì việc sử dụng thuốc tân dược kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi. Họ thường cho rằng thuốc Đông y lành tính và mang tới hiệu quả cao. Vì vậy, dù chưa thăm khám, người bệnh đã vội "đặt cược" tính mạng, sức khỏe của mình cho những may, rủi, không thể lường trước hậu quả…

Tin vào lời quảng cáo trên Zalo, chị H.T.H (Hoa Lư, Ninh Bình) đã lặn lội vào tận An Giang bốc thuốc với mong muốn chữa khỏi bệnh ung thư máu cho chồng. "Có bệnh thì vái tứ phương" cứ ai mách gì chị đều đi hết, vào Nam, ra Bắc, lên các huyện Mường Lát, Quan Hóa... chỗ nào nghe giới thiệu, quảng cáo chị đều tìm đến. Có lúc kết hợp cả hai đến ba loại thuốc, chi phí lên đến vài trăm triệu đồng, nhưng kết quả không khả quan", chị H chia sẻ.

Tình trạng nhập lậu nguyên liệu thuốc bắc có chiều hướng gia tăng.
Tình trạng nhập lậu nguyên liệu thuốc bắc có chiều hướng gia tăng.

Ông T.V.Y, ở Thạch Thành (Thanh Hóa), mắc bệnh gout đã lâu, từng điều trị và uống thuốc Tây nhiều nhưng bệnh vẫn tái phát. Một lần vào mạng, ông Y thấy có một kênh YouTube giới thiệu một bài thuốc của bà lang, người dân tộc Dao, chữa được các bệnh về xương khớp, trong đó có bệnh gout. Ðang đau, nhức trong người, ông gọi ngay số điện thoại hiện trên màn hình, sau đó nghe họ giới thiệu là thuốc gia truyền, thuốc được hái từ những lá, cây rừng. Cam kết uống sẽ khỏi hoàn toàn, ông Y đặt mua về uống. Tuy nhiên, sau khi uống một liệu trình, ông Y tái khám tại Bệnh viện tỉnh Thanh Hóa, nhưng thấy bệnh vẫn không thuyên giảm, gan còn có dấu hiệu dần tổn thương nên đã dừng sử dụng thuốc. Ông Y cho biết, thấy quảng cáo rằng thuốc rất tốt, lại có hình ảnh những bệnh nhân sử dụng thuốc nói lời cảm ơn sau khi khỏi bệnh nên tôi cũng tin theo, ai ngờ "tiền mất, tật mang".

Bên cạnh đó, nhiều người có quan niệm rằng thuốc Nam, thuốc Đông y "gia truyền" có nguồn gốc từ cây cỏ tự nhiên nên không chữa được bệnh cũng không ảnh hưởng sức khỏe... Cũng chính vì nắm bắt được tâm lý của người bệnh cho nên nhà sản xuất, công ty, thậm chí có người tự xưng là lương y ở các phòng khám, bệnh viện lớn tung ra các "chiêu trò" quảng cáo trên mạng xã hội, tạo ra "ma trận" thông tin đánh đố người dùng, với tính năng chèn clip một cách tự động vào trong phim, trong những bản tin chính thống của các đài truyền hình, cơ quan báo chí để tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Quảng cáo thuốc Đông y trên mạng xã hội, tạo ra
Quảng cáo thuốc Đông y trên mạng xã hội, tạo ra "ma trận" thông tin đánh đố người dùng.

Chia sẻ với báo chí, Ths.Bs Vũ Văn Đại, Khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết, hàng nghìn năm trước khi tiếp cận với thuốc y học hiện đại, cha ông chúng ta đều dùng thuốc y học cổ truyền. Nhìn chung, đây là giải pháp mang đậm tính tự nhiên, gần gũi và thân thiện với cơ thể con người, nhiều loại vừa là thuốc vừa là thực phẩm. Có những vị thuốc có độc tính như phụ tử, ô đầu, mã tiền, ba đậu, thần sa, hùng hoàng... Tuy nhiên, với sự bào chế đúng cách, được các thầy thuốc chính danh chỉ định và sử dụng với liều lượng phù hợp thì hoàn toàn không có các tác dụng ngoại ý. Nhưng hiện nay, vì mục đích trục lợi hoặc do trình độ hạn chế nên các vị thuốc của Đông y đã bị người ta sử dụng bừa bãi, bào chế không đúng cách và cá biệt có nơi trộn thêm tân dược thuộc nhóm Non steroid hoặc Steroid nhằm đạt hiệu quả nhanh mạnh và từ đó dễ kiếm tiền từ người bệnh.

Thuốc Đông y với nhiều dạng bào chế như sắc uống, cao, đơn, hoàn, tán... nếu được bào chế chuẩn, sử dụng đúng cách, đúng liều theo quan điểm "biện chứng luận trị" đặc sắc của Đông y thì sẽ đạt được tính hiệu quả và tính an toàn. Nghĩa là tùy theo chứng trạng biểu hiện ở người bệnh thông qua tứ chẩn "Vọng, văn, vấn, thiết" mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường tràn lan các thuốc nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam được quảng bá như "thần dược chữa bách bệnh".

Đặc biệt, có loại tân dược nhưng lại mạo danh là thảo dược để bán ra thị trường. Đông y dùng thuốc theo nguyên tắc "biện chứng luận trị", vì thế không thể dùng một bài thuốc mà điều trị "bách bệnh" như lời đồn thổi trên mạng. Do đó, nếu tự ý sử dụng thuốc sẽ dẫn tới nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

Theo các chuyên gia y tế, thuốc Đông y, hay còn gọi là thuốc y học cổ truyền, ngày càng được nhiều người người sử dụng giúp bồi bổ sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật. Tuy nhiên cũng giống như thuốc Tây y, khi sử dụng không đúng cách dẫn đến "tiền mất tật mang", thậm chí nguy hiểm tới cả tính mạng của người sử dụng. Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc y học cổ truyền không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Do vậy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức khi quyết định sử dụng các loại sản phẩm này.

Nguyên liệu thuốc đông y nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ. (Ảnh: moit.gov.vn)
Nguyên liệu thuốc đông y nhập lậu bị cơ quan chức năng bắt giữ. (Ảnh: moit.gov.vn)

Nên sử dụng thuốc Đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng, vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc trong thuốc Đông y có trộn thành phần thuốc Tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi. Khi đi khám, nên tìm những cơ sở khám, chữa bệnh hợp pháp và người khám có chứng chỉ hành nghề. Ðặc biệt, không nên tìm mua thuốc Đông y qua mạng xã hội khi chưa được kiểm chứng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024