ISSN-2815-5823
Phương Anh
Thứ hai, 14h47 26/08/2024

Các chỉ số cổ phiếu cơ bản mà các nhà đầu tư nên nắm rõ

(KDPT) - Đâu là các chỉ số cơ bản trong đánh giá cổ phiếu? Nhà đầu tư nên chú ý các chỉ số cổ phiếu nào để có thể đầu tư hiệu quả?

Chỉ số cổ phiếu là gì?

Chỉ số cổ phiếu là chỉ số phiếu thống kê, đo lường sự biến động của một số danh mục cổ phiếu nhất định. Dựa vào chỉ số này, các nhà đầu tư có thể đưa ra đánh giá về tiềm năng, đồng thời định giá cổ phiếu trong tương lai, khả năng sinh lời của cổ phiếu trong thực tế như thế nào.

Chỉ số cổ phiếu là chỉ số phiếu thống kê, đo lường sự biến động của một số danh mục cổ phiếu nhất định.
Chỉ số cổ phiếu là chỉ số phiếu thống kê, đo lường sự biến động của một số danh mục cổ phiếu nhất định.

Các chỉ số cơ bản trong đánh giá cổ phiếu

- Chỉ số EPS (Lợi nhuận trên một cổ phiếu): EPS (Earning Per Share) được hiểu là lợi nhuận mà nhà đầu tư có thể thu được trên một cổ phiếu. Đây là chỉ số cho thấy khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp, thể hiện qua thu nhập mà công ty phân bổ trên mỗi cổ phiếu đang lưu hành. Chỉ số EPS càng cao đồng nghĩa với tiềm năng sinh lời của công ty càng lớn.

- Chỉ số P/E (Hệ số giá trên thu nhập): Chỉ số P/E (Price to Earning ratio) dùng để đánh giá mối quan hệ của giữa giá của cổ phiếu trên thị trường (Price) và lãi thu được trên mỗi một cổ phiếu (EPS). Cụ thể, chỉ số này biểu hiện, để có được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu thì bạn cần bỏ ra số tiền là bao nhiêu. Do đó, nếu chỉ số P/E thấp thì đồng nghĩa là giá cổ phiếu này rẻ và ngược lại.

- Chỉ số P/B (Giá thị trường/Giá trị sổ sách): Chỉ số P/B (Price to Book ratio) được dùng để so sánh giá trị hiện tại của cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường đối với giá trị theo sổ sách của cổ phiếu đó. Hiểu một cách đơn giản là chỉ số này cho chúng ta biết giá của cổ phiếu này đang thấp hay cao hơn so với giá trên sổ sách tại doanh nghiệp đó. Chỉ số này sẽ giúp nhà đầu tư tìm ra được những cổ phiếu đang có định giá thấp và bị thị trường bỏ qua.

- Chỉ số DRP (Tỷ lệ chi trả cổ tức): Tỷ lệ chi trả cổ tức (Dividend payout ratio) thể hiện mức chi trả cổ tức cho các cổ đông khi so với mức mà một công ty kiếm được. Số tiền không được trả cho các cổ đông sẽ được công ty giữ lại để tái đầu tư tăng trưởng, trả nợ hoặc tiến hành thêm vào lợi nhuận giữ lại. Khi xem xét giá trị của cổ phiếu, chỉ số DPR rất được coi trọng. Mức độ phát triển của công ty sẽ tỷ lệ thuận với chỉ số này.

- Chỉ số ROE & Chỉ số ROA (Tỷ số lợi nhuận ròng):

ROE (Return on Equity): Là chỉ số thể hiện tỷ số lợi nhuận ròng dựa trên vốn chủ sở hữu. Chỉ số ROE dùng để đánh giá khả năng sinh lời từ mỗi đồng vốn chủ sở hữu. Và nó thường được nhà đầu tư sử dụng để so sánh giữa các cổ phiếu trong cùng ngành và quyết định lựa chọn công ty nào.

Chỉ số ROA (Return on Total Assets): thể hiện tỷ suất sinh lời trên tài sản. Chỉ số này thể hiện khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản hiện có của doanh nghiệp. Tài sản của doanh nghiệp được hình thành dựa trên 2 yếu tố cơ bản là vốn vay và vốn chủ sở hữu. Nếu chỉ số ROA đang ở mức cao thì đồng nghĩa là công ty đó đang có lợi nhuận cao với lượng đầu tư ít.

- Chỉ số Beta/Hệ Số Beta: Chỉ số Beta (Beta coefficient) đo lường mức độ biến động, rủi ro hệ thống của một cổ phiếu hay cũng có thể là một danh mục đầu tư trên thị trường chứng khoán. Chỉ số Beta được tính dựa trên hệ phương sai giữa tỷ suất sinh lời cổ phiếu e và tỷ suất sinh lời của thị trường chia cho phương sai của tỷ suất sinh lời thị trường.

Vai trò của các chỉ số trong phân tích chứng khoán

Các chỉ số cổ phiếu trong chứng khoán giúp nhà đầu tư:

- Đánh giá được hiệu quả sử dụng nguồn vốn của bản thân, so sánh kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp từ đó đưa ra quyết định nên tiếp tục đầu tư hay loại bỏ những cổ phiếu không còn phù hợp với mục tiêu.

- Dự báo được những biến động trên thị trường chứng khoán, để từ đó đưa ra quyết định thay đổi danh mục đầu tư kịp thời, hiệu quả.

- Xây dựng nên mô hình danh mục đầu tư tối ưu, kiểm soát được các chỉ số hoạt động của danh mục trong suốt quá trình đầu tư, nhằm thu về lợi nhuận cao nhất.

- So sánh được khả năng sinh lời và mức độ hoàn vốn của nhà đầu tư trên thị trường.

- Đo lường được mức độ rủi ro có thể xảy ra với tài sản. Dựa vào các chỉ số đó, nhà đầu tư có thể ước lượng được những biến động lên xuống của thị trường từ đó hạn chế được rủi ro ở mức độ thấp nhất.

Kết luận

Nắm vững các chỉ số cơ bản trong đầu tư cổ phiếu là điều cần thiết để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định đúng đắn. Mỗi chỉ số đều cung cấp một cái nhìn khác nhau về tình hình tài chính của công ty. Nhà đầu tư cần kết hợp nhiều chỉ số khác nhau để có cái nhìn tổng quát và chính xác nhất về cổ phiếu mình đang quan tâm.

Việc phân tích các chỉ số sẽ giúp nhà đầu tư có thể đánh giá được giá trị cổ phiếu và tiềm năng sinh lời trong tương lai. Trên thị trường chứng khoán, việc lựa chọn cổ phiếu phù hợp không chỉ dựa vào cảm tính mà còn cần có sự phân tích kỹ lưỡng dựa trên các chỉ số tài chính vững chắc./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine