Cần cách tiếp cận mới, phù hợp cho thị trường năng lượng cạnh tranh
Thị trường năng lượng: Cơ hội cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư
Thị trường năng lượng cạnh tranh không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực quốc gia mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, phát triển. Việc minh bạch hóa các chính sách và quy định, cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Nhà nước, sẽ là chìa khóa để xây dựng một thị trường năng lượng hiệu quả, bền vững.
Tại Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” vừa diễn ra, PGS.TS Vũ Trọng Lâm - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, phát triển năng lượng luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng và Nhà nước đặc biệt chú trọng. Ông cho biết, những thành tựu trong ngành năng lượng thời gian qua đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc thúc đẩy năng lượng tái tạo, một lĩnh vực mang lại đột phá lớn trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường.
Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về năng lượng tái tạo, khẳng định vai trò của mình trong công cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Ngành năng lượng cũng đang chuyển mình theo cơ chế thị trường cạnh tranh, tạo môi trường minh bạch và bình đẳng, thu hút đa dạng nguồn đầu tư. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn đã ứng dụng công nghệ tiên tiến, góp phần giảm áp lực về an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, trong gần 5 năm qua, ngành năng lượng Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể.
Thứ nhất, năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển, tạo đột phá trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo tồn tài nguyên năng lượng, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu trong sản xuất điện. Điều này không chỉ đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về năng lượng tái tạo mà còn khẳng định vai trò của chúng ta trong công cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu.
Thứ hai, ngành năng lượng đang từng bước chuyển đổi sang hoạt động theo cơ chế thị trường cạnh tranh có sự điều tiết của Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử, thu hút và đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.
Thứ ba, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng đã được đẩy mạnh, giúp Việt Nam thu hút nhiều nguồn vốn và công nghệ hiện đại từ các đối tác quốc tế. Các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến đã mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần giảm áp lực về an ninh năng lượng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Những khó khăn, thách thức đan xen
Tuy nhiên, theo PGS.TS Vũ Trọng Lâm, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, thị trường năng lượng của Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Kết cấu hạ tầng ngành năng lượng chưa theo kịp tốc độ phát triển, đặc biệt là hạ tầng truyền tải điện. Các dự án năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải chưa được nâng cấp đồng bộ, dẫn đến tình trạng quá tải ở một số khu vực, gây ra sự lãng phí lớn. Dù có tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lượng hóa thạch, đặc biệt là nhiệt điện than. Điều này không chỉ làm gia tăng phát thải khí nhà kính mà còn tạo ra áp lực lớn đối với môi trường.
Đặc biệt, thị trường năng lượng cạnh tranh phát triển chưa đồng bộ, thiếu liên thông giữa các phân ngành, giữa phát điện với truyền tải điện; chính sách giá năng lượng còn bất cập, chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, chưa tách bạch với chính sách an sinh xã hội. Một số dự án năng lượng do doanh nghiệp nhà nước đầu tư còn thua lỗ; một số dự án năng lượng đầu tư ra nước ngoài tiềm ẩn nhiều khả năng mất vốn.
Bên cạnh đó, khung pháp lý cho thị trường năng lượng vẫn chưa thực sự đồng bộ. Việc triển khai các chính sách khuyến khích đầu tư còn chậm, nhiều nhà đầu tư e ngại về tính ổn định, khung pháp lý, môi trường kinh doanh năng lượng cạnh tranh.
Thực tiễn cho thấy, nhận thức rõ được khó khăn và thách thức cũng là một cơ hội, để từ đó đưa ra định hướng chiến lược phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh như: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành than, khí và điện lực; bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định…
PGS.TS Vũ Trọng Lâm khẳng định, việc phát triển thị trường năng lượng không chỉ là câu chuyện của ngành năng lượng, mà còn là nền tảng quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế độc lập, tự chủ trong kỷ nguyên mới. Diễn đàn kỳ vọng sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học và thực tiễn, góp phần định hướng chiến lược phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường trong dài hạn.
PGS.TS Vũ Trọng Lâm cho rằng, để giải quyết những thách thức trên, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, bao gồm xây dựng khung pháp lý đồng bộ, khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, nâng cấp hạ tầng truyền tải điện, và tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ tiên tiến. Diễn đàn không chỉ là nơi các đại biểu thảo luận mà còn đề xuất các giải pháp cụ thể, giúp ngành năng lượng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.
Yếu tố cốt lõi của thị trường cạnh tranh đó là "giá"
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, việc chuyển đổi sang kinh tế thị trường cần tập trung vào cơ chế cạnh tranh, mà yếu tố cốt lõi là giá. Trong nền kinh tế thị trường, giá được xác định dựa trên nguyên tắc cạnh tranh, từ đó quyết định hoạt động của cả hệ thống kinh tế. Với hai trụ cột an ninh lương thực và an ninh năng lượng, hai mặt hàng chiến lược là gạo và điện được xem là trung tâm điều hành chính sách.
Ông Thiên chỉ ra rằng, trong quá khứ, chính sách an ninh lương thực tập trung vào tăng sản lượng và giữ giá lúa thấp, nhằm đảm bảo nguồn cung. Tương tự, với an ninh năng lượng, chính sách điện lực được giao cho các doanh nghiệp nhà nước, trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giữ vai trò chủ đạo. Nhà nước đặt mục tiêu giữ giá điện thấp, dẫn đến hệ quả lâu dài là thiếu hụt nguồn cung, gây áp lực lớn lên nền kinh tế.
Bên cạnh đó, lĩnh vực năng lượng vẫn đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Giá điện thấp đã hạn chế thu hút đầu tư vào ngành, đặc biệt trong các dự án công nghệ cao tiêu thụ năng lượng lớn. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài với công nghệ lạc hậu tận dụng lợi thế giá năng lượng rẻ để đầu tư, kéo theo việc khai thác tài nguyên quá mức và phát thải khí nhà kính tăng cao.
Thống kê cho thấy mức tiêu thụ điện năng trên đầu người của Việt Nam chỉ bằng 33,5% mức trung bình thế giới, trong khi lượng phát thải CO₂ từ hoạt động năng lượng lại tăng gấp đôi trong giai đoạn 2010-2020. Hiệu quả sử dụng năng lượng của nền kinh tế thấp, khiến Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ điện/GDP cao nhất.
Ông Thiên nhấn mạnh, giá điện thấp không thực sự mang lại lợi ích lớn cho người dân nghèo mà chủ yếu ưu đãi các doanh nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả là ngân sách nhà nước chịu áp lực lớn trong việc duy trì nguồn cung và hỗ trợ hạ tầng, đồng thời tạo ra những bất cập về cơ cấu đầu tư và phân bổ nguồn lực.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho hay, để phát triển bền vững ngành năng lượng, Việt Nam cần tập trung khai thác các nguồn lực tiềm năng như thủy triều, hải lưu nóng và đặc biệt là năng lượng hạt nhân. PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, việc khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như chỉ đạo của Thủ tướng và Tổng Bí thư là bước chuẩn bị chiến lược cho tương lai, đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và thúc đẩy đổi mới cấu trúc phát triển kinh tế.
Vai trò của báo chí cũng rất quan trọng
TS. Nguyễn Công Dũng - Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh phát huy vai trò báo chí trong tuyên định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các cơ quan báo chí cần tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các Bộ, ngành, cơ quan để chủ động xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Ngoài ra, cần thúc đẩy thông tin, truyền thông trên nền tảng số.
Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần coi trọng và tăng đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ tuyên truyền về thị trường năng lượng cạnh tranh phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, chủ động đấu tranh, bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về an ninh mạng, an toàn thông tin.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, từ Diễn đàn “Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xu thế hội nhập quốc tế đồng bộ, minh bạch, cạnh tranh và đa dạng. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
- Giải pháp giảm áp lực hệ thống điện khi năng lượng tái tạo tăng cao
- Thủ tướng: Tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo