ISSN-2815-5823

Cần chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

(KDPT) - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị việc điều chỉnh chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét một cách thận trọng và toàn diện.

Cần có lộ trình phù hợp điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu

Góp ý vào thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với rượu bia, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) thống nhất quan điểm tăng thuế TTĐB theo lộ trình trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 nhằm đạt mục tiêu hoàn thiện luật thuế TTĐB theo QĐ số 508/QĐ-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 “…xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030…”

VTCA cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu bia lần này với mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia và hạn chế lạm dụng rượu, bia; tính toán các phương án nhằm đảm bảo hài hòa các yếu tố: Sức khỏe cộng đồng, an sinh xã hội, điều tiết thu ngân sách nhà nước, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)
Cần chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)

Còn theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có công văn góp ý Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) gửi Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội.

VCCI cho rằng trong bối cảnh kinh tế đầy thách thức hiện nay, việc điều chỉnh chính sách thuế, trong đó có thuế tiêu thụ đặc biệt cần được xem xét một cách thận trọng và toàn diện.

VCCI dẫn số liệu của Cục Thống kê: “Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường trong năm 2024 tăng 14,7% so với năm 2023, đạt mức kỷ lục 197.900 doanh nghiệp. Dự báo năm 2025, kinh tế toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực đang đối diện với tình trạng sức mua suy giảm liên tục và chi phí đầu vào gia tăng”. 

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các chính sách thuế, bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt, được cân nhắc kỹ lưỡng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị trường. Việc thiết kế chính sách thuế cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo hướng hài hòa và bền vững. 

Giãn thời gian áp dụng từ năm 2028, với mức tăng 5% mỗi hai năm

VCCI cũng kiến nghị Quốc hội cân nhắc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng quy định mang tính khung, ổn định lâu dài. Trong đó chỉ đưa ra nguyên tắc điều chỉnh thuế suất tối đa hoặc thu hẹp hay mở rộng đối tượng chịu thuế; đồng thời giao Chính phủ chủ động xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế suất dựa trên tình hình thực tế.

Riêng với ngành đồ uống có cồn, VCCI cho rằng ngoài Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ngành này hiện đang chịu nhiều áp lực từ các quy định pháp luật như Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Quảng cáo, cũng như các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), thuế nhập khẩu, chi phí tem thuế và các yêu cầu về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững. Đặc biệt, trong khi nhiều mặt hàng khác được giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8%, thì rượu bia không được hưởng chính sách này, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp. 

“Nếu thuế tiêu thụ đặc biệt tiếp tục tăng đột ngột, doanh nghiệp sẽ càng gặp khó khăn hơn, có thể dẫn đến giảm sản xuất, mất việc làm và gia tăng tiêu thụ sản phẩm không chính thức. Do đó, để đảm bảo sự thích ứng của doanh nghiệp và duy trì nguồn thu ngân sách, cần có lộ trình tăng thuế hợp lý, giãn thời gian áp dụng từ năm 2028, với mức tăng 5% mỗi hai năm”, VCCI bày tỏ quan điểm.

Theo đó, VCCI đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn như sau.

Đối với bia: 01/01/2028 – 31/12/2029: 70%; 01/01/2030 – 31/12/2031: 75%; Từ 01/01/2032 trở đi: 80%.

Đối với rượu từ 20 độ trở lên: 01/01/2028 – 31/12/2029: 70%; 01/01/2030 – 31/12/2031: 75%; Từ 01/01/2032 trở đi: 80%.

Đối với rượu dưới 20 độ: 01/01/2028 – 31/12/2029: 40%; 01/01/2030 – 31/12/2031: 45%; Từ 01/01/2032 trở đi: 50%.

Cũng theo VCCI, cách tiếp cận này giúp doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động sản xuất, hạn chế tác động tiêu cực đến thị trường và việc làm, đồng thời đảm bảo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước.

Đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp

Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) Nguyễn Văn Việt cho biết, ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, ngoài đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước còn phục vụ cho xuất khẩu, các sản phẩm của ngành có sức cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế hội nhập.

Ngành hiện có hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố trên 51 tỉnh, thành phố, tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp lớn cho ngân sách với khoảng hơn 60 nghìn tỷ đồng/năm, trong đó thuế TTĐB chiếm trên 40 nghìn tỷ đồng.

Bày tỏ ủng hộ và nhất quán quan điểm về sự cần thiết của việc điều chỉnh tăng thuế và sửa đổi Luật thuế TTĐB để bảo đảm nguồn lực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ sức khỏe của nhân dân, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng, song VBA cũng cho rằng, ngành đồ uống vốn đã chịu nhiều ràng buộc từ các quy định quản lý chuyên ngành, nếu tiếp tục tăng thuế mạnh trong bối cảnh ngành vừa mới có dấu hiệu hồi phục sẽ gây cản trở, mất đi động lực đẩy mạnh tiêu dùng để đạt của mục tiêu tăng trưởng.

Một vấn đề khác được VBA đề cập là tình trạng rượu lậu, rượu không rõ nguồn gốc hiện chiếm tới 63% lượng tiêu thụ trong nước. Việc tăng mạnh thuế TTĐB có thể vô tình khiến thị trường rượu bia chính thống bị thu hẹp, tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển mạnh hơn, gây thất thu ngân sách và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe người tiêu dùng.

Việc tăng thuế vô tình sẽ tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển mạnh hơn. (Ảnh minh họa)
Việc tăng thuế vô tình sẽ tạo cơ hội cho hàng giả, hàng kém chất lượng phát triển mạnh hơn. (Ảnh minh họa)

Theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.

"Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng", PGS.TS Long cảnh báo.

Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.

Không thể phủ nhận đóng góp của các doanh nghiệp ngành bia rượu cho nguồn thu của một số địa phương và tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Theo quan sát, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, nhiều đơn vị phản ánh tình hình kinh doanh hiện rất khó khăn, nếu tiếp tục kéo dài có thể sẽ dẫn đến cắt giảm nhân sự, đóng cửa nhà máy. Do vậy cần xác định việc tăng thuế có ảnh hưởng tới nguồn thu và phát triển kinh tế của địa phương một cách thận trọng, chính xác./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/03/2025