ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 07h03 15/08/2024

Cần nghiên cứu lộ trình phù hợp trong việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt rượu bia

(KDPT) - Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia cần nghiên cứu lộ trình, giãn tiến độ trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Tăng thuế khiến ngành đồ uống gặp khó khăn

Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kì họp thứ 9 (tháng 5/2025). Trong đó, có một số nội dung thay đổi quan trọng như đề xuất tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo quan điểm của các Hiệp hội doanh nghiệp như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước Giải khát Việt Nam (VBA) cùng nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp cho rằng đề xuất tăng thuế cần nghiên cứu thực tế, lộ trình khả thi, cân nhắc sức chịu đựng của doanh nghiệp, ngành hàng với lợi ích của sắc thuế, đồng thời đảm bảo sự hài hòa với các quy định thông lệ của các nước trên thế giới.

Tại Hội thảo "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" ngày 14/8, bà Chu Thị Vân Anh - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) đã phác họa bức tranh kinh doanh của ngành đồ uống hiện nay.

Bà Vân Anh cho biết, hiện nay ngành đồ uống đang gặp nhiều khó khăn, xung đột trên thế giới khiến cho giá nguyên liệu tăng cao, biện pháp xử phạt vi phạm nồng độ cồn, lối sống, hành vi tiêu dùng thay đổi làm cho doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm từ 1 đến 2 con số.

Lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm (năm 2021 giảm 12%, năm 2022 giảm 6%, năm 2023 ước giảm 10-12% so với năm trước). Thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm giai đoạn 2020-2023. Năm 2024, hàng tồn kho tiếp tục tăng (riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ); giá cổ phiếu tiếp tục giảm...

Đánh giá về dự thảo luật thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB) hiện nay, bà Vân Anh cho biết, đây là đề xuất mức tăng cao nhất trong lịch sử, doanh nghiệp chưa thể đánh giá hết tác động. Báo cáo đánh giá tác động của cơ quan soạn thảo chưa đầy đủ, toàn diện, thiếu về mặt định lượng tác động đối với đối tượng trực tiếp, gián tiếp, tính hiệu quả đối với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, ngân sách, an sinh xã hội, lao động...

Người tiêu dùng chịu ảnh hưởng

Đáng nói nguy cơ người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các sản phẩm trôi nổi, rẻ tiền hơn, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả. Khi tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm bất hợp pháp, hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường còn nhiều ý kiến trái chiều về bằng chứng khoa học chứng minh nước giải khát có đường với bệnh thừa cân, béo phì.

Đề xuất cho dự thảo luật thuế, bà Vân Anh đồng thuận với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng cũng như tăng thuế TTĐB nhưng cần nghiên cứu lộ trình, giãn tiến độ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

"Đối với rượu, bia kiến nghị tăng có lộ trình và giãn tiến độ. Năm đầu tăng 5%, lộ trình giãn 2 năm tăng 5% để các doanh nghiệp có điều kiện xây dựng phương án, chuyển đổi sản xuất kinh doanh, không bị xáo trộn quá lớn cũng như đảm bảo hài hòa các mục tiêu và phù hợp bối cảnh cụ thể. Đối với mặt hàng nước giải khát có đường xem xét chưa nên bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB", bà Vân Anh nói.

Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó tổng giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam cho rằng cần cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB thấp hơn so với dự thảo hiện tại. Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý đối với các mặt hàng rượu, bia, có lộ trình dài hơn và tiến tới thuế suất tối đa là 80%, nhằm giảm bớt áp lực tài chính của các doanh nghiệp trong ngành và để doanh nghiệp có thời gian thích nghi. Việc tăng thuế TTĐB cao, liên tục có thể không mang lại hiệu quả cao như mục tiêu đề ra.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam nhận định: "Tăng thuế có thể làm tăng giá bán, hạn chế sản xuất rượu bia, tuy nhiên chưa hẳn đã đạt được mục tiêu giảm tiêu dùng mặt hàng rượu bia, do thực tế việc tăng thuế cao có thể dẫn đến hàng nhập lậu tăng, người tiêu dùng có thu nhập phân khúc cao chuyển sang uống rượu, bia nhập lậu, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Vì vậy, nên tăng thuế 5% năm đầu tiên, nhưng các năm sau cần giãn ra, hai hoặc ba năm mới tăng một lần 5% để chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể chuyển đổi dần dần".

Bà Cúc đề xuất cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn về lộ trình và mức tăng thuế suất đảm bảo hợp lý để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm của người lao động. Bà Cúc cho rằng chính sách thuế sửa đổi sẽ tác động đến cả một chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu đến sản xuất, thương mại và khu vực dịch vụ ăn uống, du lịch.../.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 18/09/2024