ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 14h51 10/08/2024

Nhiều ngành nghề sẽ giảm doanh thu khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống

(KDPT) - Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với sản phẩm đồ uống theo Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) sẽ kéo theo 24 ngành nghề liên quan bị giảm doanh thu.

Đó là nhận định của bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tại Hội thảo dự thảo Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và ngành đồ uống diễn ra ngày 8/8.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia

Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Luật TTĐB (sửa đổi) và dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào tháng 5/2025. Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với sản phẩm rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Theo đó, dự thảo đề xuất tăng thuế suất theo lộ trình tăng liên tục hàng năm đến năm 2030 đối với mặt hàng rượu, bia và bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Dự thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1, thuế TTĐB với mặt hàng bia, rượu trên 20 độ sẽ tăng từ năm 2026 lên 70%; 2027 là 75% và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến năm 2030 lên 90%. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng lên 40% vào năm 2026 và tăng liên tiếp mỗi năm 5% cho đến 60% vào năm 2030.

Phương án 2, thuế TTĐB với bia và rượu trên 20 độ sẽ tăng lên 80% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% lên đến 100% vào năm 2030. Đối với rượu dưới 20 độ sẽ tăng 50% vào năm 2026 và mỗi năm tăng 5% cho đến 70% vào năm 2030. Hiện Bộ Tài chính đang nghiêng về phương án 2.

Tăng thuế kéo theo nguồn thu giảm?

Đánh giá về tác động đối với doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã đưa ra những con số nghiên cứu rất cụ thể từ CIEM.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).

Cụ thể, nếu tính toán theo mức thuế suất 10% đối với mặt hàng rượu, bia và nước giải khát, năm đầu tiên, nguồn thu từ thuế TTĐB sẽ tăng. Nhưng bắt đầu từ năm thứ hai, nguồn thu bắt đầu giảm.

“Nếu lấy số liệu năm 2022, chúng tôi cũng tính toán rằng, nguồn thu từ việc tăng thuế này sẽ giảm 0,5% từ năm thứ hai (tức giảm 5,5 nghìn tỷ). Kéo theo doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát và 24 ngành nghề liên quan. Đồng nghĩa với việc, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 3,38 nghìn tỷ đồng”, bà Thảo nhận định.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo bà Thảo, nếu áp dụng 10% thuế đối với nước giải khát có đường, thì hệ số co giãn của người lao động trong lĩnh vực này giảm xuống 1,03%. Điều này có nghĩa, quy mô sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nước giải khát có đường sẽ bị giảm đáng kể.

“Một cách chi tiết hơn, đối với tác động toàn nền kinh tế, với việc áp dụng 10% thuế đối với nước giải khát có đường, sẽ tác động tới 24 ngành nghề. Nếu tính theo GDP năm 2022, GDP của nền kinh tế sẽ giảm 0,5% (khoảng 27,8 nghìn tỷ đồng).

Điều này cũng kéo theo doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát và 24 ngành nghề liên quan giảm khoảng 3,38 nghìn tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách Nhà nước. Chúng tôi ước tính giảm 3,2 nghìn tỷ đồng bắt đầu ngay sau khi áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường”, bà Thảo cho biết./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine