ISSN-2815-5823
TƯ NGUYỄN
Thứ tư, 08h49 18/10/2023

Cân nhắc bổ sung chế độ hỗ trợ nuôi con để giảm tình trạng rút BHXH một lần

(KDPT) - Chiều 17/10, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.

Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga, dưới góc độ bình đẳng giới, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có tác động sâu sắc tới phụ nữ, đặc biệt là quy định bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi có nhiều điểm mới đáng chú ý. Dự thảo Luật đã mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc không trọn thời gian, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố…; các quy định trợ cấp hưu trí xã hội góp phần đảm bảo an toàn thu nhập cho người cao tuổi; các quy định về chế độ thai sản trong BHXH; các quy định liên quan đến BHXH một lần… Dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tới đây.

Cân nhắc bổ sung chế độ hỗ trợ nuôi con để giảm tình trạng rút BHXH một lần
Hội nghị phản biện xã hội Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Tại Hội nghị, các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học từ các tổ chức trong nước và quốc tế đã cùng thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Việc góp ý được thực hiện dưới góc độ bình đẳng giới; trên cơ sở đánh giá tính phù hợp với các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và hệ thống pháp luật hiện hành; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của các quy định liên quan đến bình đẳng giới trong Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Việc góp ý cũng nhằm để các quy định của luật có tính khả thi, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhận định Dự thảo Luật BHXH sửa đổi lần này có nhiều quy định sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW. Cụ thể là mở rộng đối tượng tham gia BHXH, giảm số năm tối thiểu tham gia BHXH để hưởng lương hưu, xây dựng BHXH đa tầng, bổ sung chính sách về trợ cấp hưu trí xã hội, chính sách trợ cấp thai sản cho người tham gia BHXH tự nguyện.

Bà Hà Thị Nga đặc biệt nhấn mạnh việc người lao động tham gia BHXH tự nguyện không được hưởng chế độ thai sản theo quy định hiện hành. Trong khi đó, Dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung chế độ thai sản trong BHXH tự nguyện; quy định một mức trợ cấp thai sản là 2 triệu đồng cho một con mới sinh đối với lao động nữ khi sinh con và lao động nam có vợ sinh con. “Đây là một chính sách nhân văn, đảm bảo quyền lao động chính đáng của lao động nữ và thu hẹp dần khoảng cách giữa BHXH bắt buộc và tự nguyện trong thụ hưởng bảo hiểm xã hội của lao động nữ” - bà Hà Thị Nga chia sẻ.

Cân nhắc bổ sung chế độ hỗ trợ nuôi con để giảm tình trạng rút BHXH một lần
Cần bổ sung chế độ hỗ trợ nuôi con để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần (Ảnh minh họa)

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong, cao cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu cụ thể tính tương thích của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi với các luật khác như Luật Việc làm, Luật Người cao tuổi; phù hợp với các công ước Quốc tế... Đặc biệt là việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đánh giá cụ thể từng chính sách, đảm bảo lồng ghép giới trong từng chính sách cụ thể; đánh giá sâu sắc hơn nữa các chính sách với đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù như bổ sung chế độ thai sản với BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ 2 triệu đồng theo nghị quyết 29 có còn đáp ứng yêu cầu? Đồng thời nghiên cứu kỹ, sâu sắc hơn nữa vấn đề phụ nữ rút BHXH một lần cao hơn nam giới, để có những quy định phù hợp...

Nhiều ý kiến khác cũng đề xuất những vấn đề quan trọng nhằm đảo bảo tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Có thể kể đến như: cần mở rộng chế độ thai sản để đảm bảo công bằng, thúc đẩy bình đẳng giới, tăng mức trợ cấp lên tối thiểu 3,6 triệu đồng/trẻ; mở rộng trợ cấp thai sản phổ quát cho mọi lao động nữ bất kể có tham gia bảo hiểm xã hội hay không.

Bên cạnh đó, cần cải thiện các chế độ ngắn hạn để thay thế thu nhập từ rút bảo hiểm xã hội một lần (dài hạn). Như vậy, vừa khuyến khích việc ở lại hệ thống, vừa đảm bảo nhu cầu ngắn hạn của người lao động. Mặt khác, cân nhắc bổ sung chế độ hỗ trợ nuôi con để giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024