Việt Nam cần tận dụng những ưu thế về công nghệ trong tiến trình phát triển hệ sinh thái AI
Việt Nam xếp thứ 44 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024
Thống kê từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết, Việt Nam hiện đang xếp hạng thứ 44 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2024. Đây là một trong những minh chứng cho nỗ lực thúc đẩy Việt Nam định hướng phát triển nền kinh tế dẫn dắt bởi đổi mới sáng tạo.
Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển công nghệ số để thúc đẩy Việt Nam bứt phá, vươn tầm thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 với mục tiêu: "Đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đưa trí tuệ nhân tạo trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực và trên thế giới". Mục tiêu đến năm 2030, công nghệ số, bao gồm AI, có thể đạt 74 tỷ USD, đóng góp 27% vào GDP của Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, khoảng 3 năm gần đây, chưa có chính phủ của các quốc gia châu Á nào có sự vào cuộc, đầu tư lớn như Chính phủ Việt Nam trong ngành khoa học công nghệ (KHCN). Trí tuệ nhân tạo là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã có những chính sách, những hướng mở cho các tổ chức, doanh nghiệp phát triển KHCN. Nhiều chính sách thuận lợi cho việc đào tạo, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, điều này giúp Việt Nam xếp hạng cao trong hệ sinh thái về startup AI.
Ngoài nền tảng về KHCN, văn hóa, giáo dục, y tế, quân sự, chính trị, Việt Nam còn là nước có tiềm năng về năng lượng và bán dẫn. Ngành năng lượng và điện sạch ở Việt Nam đã và đang phát triển rất nhanh, có khả năng kêu gọi nhiều đối tác trên thế giới để đầu tư cho lĩnh vực năng lượng và điện sạch.
Những tiềm lực này cho thấy, Việt Nam đang có ưu thế, lợi thế, vị thế, có quyền lựa chọn các đối tác hợp tác trong các lĩnh vực, với các mối quan hệ song phương cùng phát triển.
Cần tận dụng uu thế dân số trẻ, hiểu biết về Internet
Tại Hội thảo "Đổi mới sáng tạo trong Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội bứt phá cho Việt Nam?", ông Đỗ Tiến Thịnh - Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) cho rằng: Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, có tiềm năng về AI, dân số trong độ tuổi từ 15-35 tiếp cận và sử dụng Internet, có hiểu biết về KHCN.
Tất cả các ngành thực phẩm, nông nghiệp, công nghiệp, khám chữa bệnh từ xa, cảnh báo thiên tai, giáo dục, ANQP…, đều cần có công nghệ tiên tiến. Vấn đề đặt ra, Chính phủ Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam đón nhận AI như thế nào và chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực công nghệ số nào để đem lại hiệu quả cao?
Bởi, phát triển nhân tạo đặt ra thách thức cho không ít ngành nghề. Cụ thể, AI sẽ làm cho một số ngành biến mất, một số ngành đi xuống, một loạt công ty quảng cáo tại Việt Nam bị mất vị thế, vì nhiều cá nhân, tổ chức đã biết dùng AI để tạo ra những sản phẩm quảng bá cho thương hiệu của họ.
Với mục tiêu trở thành đất nước công nghệ số, chúng ta cần xây dựng nền trí tuệ nhân tạo siêu máy tính. Đây là vấn đề lớn, mang tầm chiến lược và chúng ta cần lựa chọn những đối tác hợp tác đủ mạnh. Ông Đỗ Tiến Thịnh nhìn nhận.
Quá trình hợp tác sẽ góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, đưa AI vào hệ thống giáo dục, đào tạo, tạo ra những nhân tố thành thục về công nghệ, nắm bắt được xu thế trí tuệ nhân tạo toàn cầu, nhân rộng trí tuệ nhân tạo trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, sản xuất, giáo dục, y tế, quân đội, chính trị, để Việt Nam không xa rời trí tuệ thế giới, bắt kịp xu thế phát triền toàn cầu, khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh.
Chia sẻ về vai trò của Chính phủ, trong phát triển trí tuệ nhân tạo, bà Asma Mhalla - nhà chính trị, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo người Pháp, đưa ra những nhận định xác đáng. Theo đó, trí tuệ nhân tạo là cái mới, những cái mới luôn rủi ro và cần đầu tư rất lớn.
“Các công ty, tổ chức tại các nước đã đưa trí tuệ nhân tạo vào sử dụng và đều phải đầu tư rất nhiều. Tuy nhiên, trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, chúng ta chỉ có thể thu hút được nhân tài thông qua các chương trình đào tạo, chứ không phải vung ra nhiều tiền để tìm kiếm họ”, bà Asma Mhalla nhấn mạnh.
Cũng theo bà Asma, thị trường đầu ra của AI rất rộng, chiếm lĩnh cả lĩnh vực dân dụng và quân sự, chúng ta có thể gọi AI là công cụ lưỡng dụng, là công cụ chủ trương cho sức mạnh toàn cầu. Vì thế chúng ta muốn vươn tầm quốc tế thì phải phát triển trí tuệ nhân tạo. Pháp đủ tiềm lực về kinh tế cũng như kinh nghiệm, kiến thức để hợp tác với Việt Nam, thúc đẩy Việt Nam đạt mục tiêu là đất nước công nghệ số trong tương lai./.
- Ra đời trí tuệ nhân tạo có thể đọc thấu ý nghĩ con người
- Dạy con trong thời đại mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang phổ biến toàn cầu