ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 07h17 17/10/2024

Nhiều người mất việc khi Tiktok kiểm duyệt nội dung bằng trí tuệ nhân tạo (AI)

(KDPT) - Hàng trăm nhân viên TikTok trên toàn cầu đã bị sa thải khi công ty đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào kiểm duyệt nội dung.

Bước đi của Tiktok

TikTok, hay còn biết tới là Douyin (Đấu Âm) tại Trung Quốc, là một nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc. Thời gian gần đây, mạng xã hội này đang cắt giảm hàng trăm việc làm trên toàn cầu, với trọng tâm là bộ phận kiểm duyệt nội dung. Động thái này diễn ra trong bối cảnh TikTok đang chuyển hướng sang sử dụng AI để kiểm duyệt nội dung hiệu quả hơn.

Thông tin này được công ty xác nhận vào hôm 11/10 khi họ chuyển hướng tập trung vào việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để kiểm duyệt nội dung. 

Theo các nguồn tin từ Reuters, hơn 700 việc làm tại Malaysia đã bị cắt giảm, nhưng sau đó TikTok đã làm rõ rằng con số này dưới 500 nhân viên. Phần lớn những nhân viên bị sa thải đều làm việc trong lĩnh vực kiểm duyệt nội dung của công ty. Các nhân viên này đã được thông báo về quyết định sa thải qua email vào cuối ngày 9/10.

Đại diện TikTok cho biết việc cắt giảm nhân sự là một phần trong nỗ lực cải thiện hoạt động kiểm duyệt nội dung trên toàn cầu. Công ty dự kiến đầu tư 2 tỷ USD vào an toàn và tin cậy cho nền tảng trong năm nay, đồng thời nâng cao hiệu quả kiểm duyệt tự động. Hiện tại, 80% nội dung vi phạm quy định đã được AI xử lý.

Đợt sa thải này diễn ra trong bối cảnh các công ty công nghệ đang phải đối mặt với áp lực pháp lý ngày càng tăng tại Malaysia. Chính phủ nước này yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải xin giấy phép hoạt động trước tháng 1/2025 để kiểm soát nội dung và chống tội phạm mạng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là vòng sa thải mới nhất của TikTok trong năm 2024. Vào tháng 1, 60 nhân viên kinh doanh và quảng cáo đã bị mất việc làm. Vào tháng 4, TikTok cắt giảm hơn 250 nhân sự tại Ireland và vào tháng 5, có khoảng 1.000 nhân sự bộ phận vận hành và tiếp thị cũng gặp tình cảnh tương tự.

Một nguồn tin từ công ty tiết lộ rằng TikTok dự định sẽ cắt giảm thêm nhân sự vào tháng tới trong nỗ lực hợp nhất các hoạt động khu vực.

Hiện tại, 80% nội dung vi phạm quy định của TikTok đã được phát hiện và xóa bỏ tự động nhờ các công nghệ AI. Công ty cho biết sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả trong việc giám sát nội dung, nhằm đảm bảo một môi trường an toàn và lành mạnh cho người dùng.

TikTok hiện có hơn 110.000 nhân viên làm việc tại hơn 200 thành phố trên toàn thế giới. Việc chuyển đổi mô hình kiểm duyệt nội dung sang AI không chỉ giúp TikTok đối phó với áp lực từ các chính phủ mà còn hướng tới nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong dài hạn.

Dù cắt giảm nhân sự, TikTok vẫn cam kết tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào việc cải thiện hoạt động kiểm duyệt và bảo vệ người dùng trên toàn cầu.

Nhân viên kiểm duyệt Tiktok: Áp lực, khó khăn và thu nhập thấp

Vai trò của nhân viên kiểm duyệt chính là đảm bảo sự an toàn cũng như phù hợp đến từ những video được đăng tải trên Tiktok, cụ thể là: Xem xét kỹ lưỡng các video cũng như loại bỏ các video vi phạm những Tiêu chuẩn Cộng đồng hoặc có sự gây hại đến người dùng.

Công việc của những người kiểm duyệt TikTok cũng không hề dễ dàng. Trong một báo cáo vào năm 2022, những nhân viên này chỉ nhận được mức lương khoảng 1,8 USD/giờ, hoặc 10 USD/ngày, nhưng lại thường xuyên xem xét các video có nội dung nhạy cảm như bạo lực, tự tử hay ấu dâm. Nhiều người trong số họ sống tại các quốc gia đang phát triển như Mexico, Malaysia và Colombia.

Chia sẻ của Imani làm nội dung Tiktok ở Morocco, cho biết. "Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được mình sẽ nhìn thấy cảnh như vậy ngoài đời. Nhưng đó không phải là một bộ phim, cũng không phải là một trò đùa mà là sự thật". Cô chia sẻ như vậy khi xem một video hành hạ động vật.

Cô Imani làm việc cho bộ phận kiểm duyệt nội dung của TikTok khu vực Trung Đông và Bắc Phi, thông qua bên thứ ba là Majorel - một công ty gia công phần mềm ở Luxembour. Cô nằm trong nhóm chuyên xem xét các video được đánh giá là "khủng khiếp" nhất trên TikTok, trong đó có vấn đề tự tử và lạm dụng trẻ em.

Năm 2020, Imani được nhận vào Majorel dù chỉ được trả lương hai USD mỗi giờ. Tuy nhiên, cô đã nghĩ mình may mắn bởi khi đó rất khó kiếm việc, cũng như được phép làm từ xa. Nhưng cô không ngờ công việc đã gây tổn hại đến tâm lý như thế nào.

Các nhân viên kiểm duyệt cho biết, các biện pháp hỗ trợ tâm lý cho họ chỉ mang tính hình thức, trong khi họ phải chịu áp lực lớn từ việc giám sát chặt chẽ. Nếu không hoàn thành số lượng video tối thiểu mỗi tháng, họ có thể mất tới một phần tư tiền lương của mình. Theo một nhân viên, họ phải xem xét tới 900 video mỗi ngày. Đối với những ai xem được 700 video cũng bị coi là "trốn tránh công việc".

Do đó, việc kiểm duyệt nội dung bằng trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ giảm bớt những áp lực của nhiều người đang làm công việc này./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/11/2024