Cần tập trung thu hút vốn đầu tư vốn nước ngoài có trọng điểm và hiệu quả
Tác động lan tỏa
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam đã có hơn 30 năm (1987-2018) thu hút FDI. Tính đến tháng 11/2018, cả nước đã thu hút được trên 330 tỷ USD. Dòng vốn FDI đã đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy hội nhập kinh tế của Việt Nam.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng, khu vực FDI thời gian qua giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, từng bước đưa sản phẩm của Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, thực hiện chuyển giao công nghệ ở một số ngành, lĩnh vực. Bước đầu hình thành mối liên kết giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
FDI cũng có tác động lan tỏa đến các khu vực khác của nền kinh tế thông qua thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, tạo sức ép cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất của khu vực DN trong nước. Như vậy, FDI không chỉ là một nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, mà còn góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh phù hợp với kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế, nâng cao thế và lực của đất nước.
Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song các chuyên gia kinh tế cũng thừa nhận, khu vực FDI thời gian qua vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Liên kết của khu vực FDI đối với khu vực DN trong nước còn “lỏng lẻo”, dẫn đến hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao. Chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI sang khu vực DN trong nước đã có nhiều tiến bộ, song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Việt Nam vẫn chưa thu hút được nhiều tập đoàn lớn, đầu tư vào những lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn…
Gỡ nút thắt
Phát biểu tại hội nghị, ông Kim Han Yong – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Trên thực tế, thời gian qua các nhà đầu tư Hàn Quốc đã rất quan tâm, thực hiện nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, trở thành quốc gia dẫn đầu trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Ông Tetsu Funayama – Ủy viên Ban lãnh đạo, Trưởng ban Diễn đàn doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam cũng đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam, đó là lý do 66% DN Nhật Bản lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong thời gian tới.
Song bên cạnh những lợi thế về môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, thị trường tiêu thụ với hơn 90 triệu dân, và nguồn lao động giá rẻ… môi trường đầu tư Việt Nam vẫn tồn tại những “nút thắt” lớn. Trong đó, “nút thắt” được các nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm nhiều nhất là CNHT tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của các DN FDI. Điều này ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của Việt Nam, nhất là đối với các tập đoàn kinh tế lớn.
Để khắc phục tồn tại trên, ông Tetsu Funayama cho rằng, Việt Nam cần khắc phục “nút thắt” về CNHT. Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam cần đưa ra những chính sách cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho DN đầu tư vào lĩnh vực này.
TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, hạ tầng giao thông, đô thị và hạ tầng kinh tế số tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng, đó là lý do dẫn đến những hạn chế trong thu hút FDI.
Định hướng giai đoạn tới
Để tăng sức đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế-xã hội, thúc đẩy hội nhập kinh tế, quốc tế và nâng cao sức cạnh tranh của DN Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, thời gian tới, thu hút FDI sẽ tập trung ưu tiên vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo…
Đặc biệt, ưu tiên thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI để chủ động xúc tiến đầu tư, đảm bảo nguyên tắc đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển CNHT. Tập trung thu hút các tập đoàn đa quốc gia tham gia hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị, nhằm thúc đẩy khu vực DN trong nước, DN FDI và DN nhỏ và vừa liên kết với tập đoàn đa quốc gia trong cụm liên kết ngành.
Đây được đánh giá là chiến lược thu hút FDI hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều thay đổi. Song để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng được dòng vốn FDI thế hệ mới.
Đặc biệt, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, do bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều thay đổi, thời gian tới sẽ có sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút FDI. Theo đó, để thu hút được những dòng vốn FDI có chất lượng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm thu hút được những dự án FDI có chất lượng của những tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư.
Theo Báo Công Thương Điện Tử