ISSN-2815-5823

Sắp diễn ra toạ đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ”

(KDPT) - Được sự chỉ đạo của Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) sẽ phối hợp tổ chức tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" vào ngày 29/11 tại Hà Nội.

Việt Nam được xếp vào nhóm 25 quốc gia ưu tiên trong Sáng kiến phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020, với cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện. Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg, phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, đánh dấu bước đi quan trọng trong hành trình mở rộng cơ hội tài chính cho mọi người.

Sắp diễn ra toạ đàm “Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ” - ảnh 1

Chiến lược tài chính toàn diện hướng đến mục tiêu tối đa hóa cơ hội cho người dân tiếp cận và sử dụng an toàn các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp, chi phí hợp lý, bền vững, và có trách nhiệm, do các tổ chức hợp pháp cung cấp. Trong đó, tài chính vi mô đóng vai trò quan trọng, giúp những người có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ vượt qua rào cản tài chính, tiếp cận nguồn vốn cần thiết để cải thiện đời sống và phát triển kinh doanh.

Được sự chỉ đạo của Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển Kinh tế, Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển cùng Trung tâm Phát triển doanh nghiệp nông thôn Việt (VietED) sẽ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" vào sáng ngày 29/11/2024, tại Hội trường Diên Hồng, tầng 18, Eurowindow Office Building (số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội). Đơn vị phối hợp của toạ đàm là Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD).

Tọa đàm "Tài chính vi mô: Cơ hội vươn lên cho người nghèo và doanh nghiệp siêu nhỏ" nhằm tạo ra một diễn đàn mở để các bên cùng chia sẻ, thảo luận về các chính sách thiết yếu nhằm thúc đẩy thị trường tài chính vi mô phát triển mạnh mẽ, phù hợp với Chiến lược phát triển tài chính toàn diện Quốc gia và những điều chỉnh mới trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi, tháng 1/2024). Đồng thời, buổi tọa đàm cũng tập trung làm rõ những thách thức trong quản lý và vận hành của các chương trình, tổ chức tài chính vi mô hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp cải thiện dựa trên nền tảng pháp lý của các nghị định, quyết định và thông tư hiện hành.

Thành phần mời tham dự tọa đàm bao gồm:

  • Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV): Đại diện từ các Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng III và Viện Chiến lược Ngân hàng.
  • Khách mời và diễn giả: Các chuyên gia hàng đầu như GS.TS Đào Văn Hùng - nguyên Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư; PGS.TS Lê Văn Luyện - nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, Thành viên Hội đồng Học viện Ngân hàng nhiệm kỳ 2020-2025; TS. Phạm Minh Tú - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; TS. Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; ông Nguyễn Thanh Tùng - Điều phối viên chương trình Quốc gia của tổ chức IFAD Việt Nam; ThS., Luật sư Vũ Quốc Bình - Phó Chủ tịch HĐQL Quỹ VietED - Chương trình TCVM VietED; bà Trần Thuý Linh - Giám đốc Chương trình TCVM VisionFund Việt Nam, trực thuộc tổ chức World Vision International…
  • Đại diện các tổ chức tài chính vi mô: Ông Hoàng Văn Thành - Bí Thư Đảng ủy Bộ phận Tổ chức TCVM CEP, Chủ tịch Hội đồng thành viên tổ chức TCVM CEP; bà Phạm Thị Thùy Linh - Tổng giám đốc tổ chức Tài chính vi mô TNHH MTV Tình Thương (TYM), đại diện M7-MFI, Thanh Hóa-MFI cùng đại diện từ 69 chương trình tài chính vi mô, bao gồm các quỹ xã hội được IFAD hỗ trợ.
  • Các bộ ban ngành và tổ chức chính trị xã hội: Bao gồm các đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và các cơ quan liên quan khác.

Buổi tọa đàm hứa hẹn sẽ là diễn đàn thiết thực để các bên chia sẻ kinh nghiệm, kiến nghị về khung pháp lý nhằm phát triển thị trường tài chính vi mô bền vững, tạo cơ hội giúp đỡ người nghèo và các doanh nghiệp siêu nhỏ trong quá trình vươn lên phát triển kinh tế./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 26/11/2024