Cần có phương án tối ưu khi đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Đồ uống có đường liệu có phải nguyên nhân chính gây nên các bệnh béo phì?
Chính phủ đang xây dựng dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trong đó đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế, theo hướng: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 12828:2019) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”, đồng thời, đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới. Lý giải cho đề xuất này, cơ quan soạn thảo lập luận rằng việc gia tăng sử dụng nước giải khát (NGK) có đường khiến cho tình trạng các bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân béo phì ở Việt Nam gia tăng mạnh trọng vài thập kỷ qua. Do đó, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ góp phần giảm tỷ lệ tiêu thụ NGK có đường, từ đó giảm tỷ lệ thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến chuyên gia, nhà khoa học thì sử dụng NGK có đường không phải là nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng thừa cân béo phì ở Việt Nam. Theo đó, ngoài chế độ dinh dưỡng không phù hợp thì thói quen ít vận động, tập thể dục, sử dụng màn hình điện tử thường xuyên hay thiếu ngủ cũng là những nguyên nhân gây ra những bệnh nêu trên. Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng việc tiêu thụ nhiều các thực phẩm có chứa chất béo hay hàm lượng muối cao cũng có thể gây ra các bệnh như thừa cân, béo phì hay tim mạch.
Theo Hiệp hội Bia-Rượu-Nước Giải khát Việt Nam (VBA) đã nghiên cứu về thói quen ăn, uống của học sinh ở độ tuổi từ 6-15 được tiến hành bởi Viện Dinh dưỡng quốc gia vào năm 2018 đã cho thấy không có mối liên hệ biện chứng giữa việc tiêu thụ nước giải khát và tỷ lệ thừa cân, béo phì, cụ thể học sinh khu vực nông thôn tuy tiêu thụ nhiều đồ uống có đường hơn nhưng lại có tỷ lệ thừa cân béo phì thấp hơn so với học sinh ở khu vực thành thị do chế độ ăn ở trẻ em khu vực nông thôn ít chất béo, chất đạm hơn, đồng thời trẻ em nông thôn cũng vận động nhiều hơn trẻ em thành thị.
Theo khảo sát của Nielsen Việt Nam về thành phần dinh dưỡng của thực phầm, lượng calo trung bình cung cấp từ nước giải khát có đường (44 kcal/100ml) thấp hơn nhiều so với các thực phẩm phổ biến khác, đặc biệt là các thực phẩm có chứa đường khác như sữa, bánh, kẹo. Ngoài ra, theo báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN (2021), đường chỉ cung cấp chưa tới 3,6% tổng lượng calo trung bình mà người Việt Nam tiêu thụ, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là từ ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (11,5%), rau và hoa quả (6,9%).
Việc áp thuế TTĐB đối với NGK có đường có thể dẫn tới giảm lượng tiêu thụ đối với mặt hàng này do người tiêu dùng chuyển sang sử dụng sản phẩm đồ uống có đường khác không bị chịu thuế như: các loại nước uống đường phố, trà sữa và các đồ uống tự pha chế chưa được kiểm chứng về chất lượng hay hàm lượng đường, và các thực phẩm khác như sữa, bánh kẹo, kem…
Đáng chú ý, mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới và có chiều hướng giảm đáng kể từ 50,7 lít/người/năm năm 2018 xuống còn khoảng 34 lít/người/năm vào năm 2020. Mức tiêu thụ này chỉ bằng 1/5 mức tiêu thụ trung bình của các nước châu Âu, thấp hơn nhiều nước trong khu vực châu Á và châu Mỹ. Trong khi đó, nhiều quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn nhiều so với Việt Nam cũng không áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên sản phẩm này.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho hay: Số liệu trên quy mô toàn cầu về tỷ lệ người thừa cân béo phì tại thời điểm năm 2016 và 2024 của Liên đoàn Bệnh béo phì Thế giới (WOF) cho thấy, việc đánh thuế đường chưa chắc giúp tỷ lệ người mắc bệnh thừa cân béo phì giảm xuống.
Cụ thể, vẫn có trên 20 quốc gia với tỉ lệ người thừa cân béo phì tăng trong giai đoạn 2016-2024 dù đã đánh thuế đường nhiều năm.
Ví dụ, Mỹ đánh thuế đường từ năm 2016, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng từ 42,1% lên 42,7%, cao thứ 5 thế giới; Brunei đánh thuế đường từ năm 2017, tỷ lệ thừa cân béo phì tăng từ 14,1% lên 23,2%, đứng thứ 24 thế giới…
Trong khi đó, cùng giai đoạn, có 65 quốc gia dù chưa bao giờ đánh thuế đường, nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì lại giảm. Chẳng hạn, Trung Quốc giảm từ 6,2% (2016) còn 6,1% (2024); Indonesia giảm từ 6,9% còn 6,1%...
Đáng chú ý, Nhật Bản không đánh thuế đường nhưng tỷ lệ người thừa cân béo phì luôn giữ ổn định trong 9 năm qua, ở mức 4,3% và nằm trong nhóm thấp nhất thế giới.
Cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng
Theo cơ quan soạn thảo, nếu đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường sẽ tăng thu ngân sách khoảng 2.400 tỉ đồng/năm. Tuy vậy, bài toán chi phí và lợi ích cần được cân nhắc thêm.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên tắc của việc đánh thuế là cần đảm bảo cân bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người nộp thuế. Nguyên tắc quan trọng này đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng không được để cho người nộp thuế lâm vào tình trạng khốn cùng.
"Thực hiện nguyên tắc này, Nhà nước sẽ không tạo ra những cú sốc tăng thuế cho doanh nghiệp, xã hội, cho người lao động. Nếu tổng số thuế phải trả quá lớn, đời sống người dân lao động không được đảm bảo; nền kinh tế sẽ bị trì trệ một cách gián tiếp; nguy cơ trốn thuế rất tiềm tàng", PGS.TS Long cảnh báo.
Với tỷ lệ tăng quá cao và tiến độ tăng thuế liên tục hàng năm trong các phương án do Bộ Tài chính đề xuất hiện nay, chắc chắn sẽ dẫn đến sự sụt giảm về sản lượng nặng nề, hậu quả là Chính phủ sẽ thất thu thuế.
Do đó cần xem xét cân nhắc kỹ việc tăng thuế trong bối cảnh kinh tế hiện tại của Việt Nam tránh gây “sốc” cho doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước.
Áp lực chi phí sản xuất, chi phí hoạt động tăng, trong khi nhu cầu tiêu dùng đang trên đà giảm, các doanh nghiệp ngành sản xuất đồ uống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn đã suy yếu nay lại phải chịu nhiều tổn thất hơn so với các ngành khác. Do vậy, các chuyên gia, doanh nghiệp và hiệp hội kiến nghị việc ban hành hay sửa đổi, bổ sung các chính sách hiện hành cần phải đánh giá tác động toàn diện, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách, đề từ đó cân nhắc việc quy định cũng như thời điểm áp dụng chính sách cho phù hợp./.
- Tác hại của đồ uống có đường và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng
- Giảm tiêu thụ và đẩy lùi tác hại của đồ uống có đường đối với sức khỏe