Thanh tra Chính phủ nêu loạt vi phạm tại các dự án của Trung Thủy, Vinalines, ô tô Hòa Bình… khi "bắt tay" doanh nghiệp nhà nước xây nhà ở thương mại
Thanh tra Chính (TTCP) vừa công khai kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở (giai đoạn 2011-2021) tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Tại kết luận thanh tra mới ban hành, sau khi nêu bật những kết quả đạt được, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều tồn tại và vi phạm trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở do các doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT quản lý tại Hà Nội và TP.HCM.
Đầu tiên là cơ sở nhà đất số 108-112B-114 đường Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, TPHCM của Sasco.
Đối với dự án này, việc Bộ GTVT và UBND TP.HCM để cho doanh nghiệp xây dựng Khu thương mại căn hộ cao cấp Sasco khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa thực hiện đúng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
UBND TP.HCM chậm xác định tiền sử dụng đất, trong khi đó Công ty chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước nhưng đã chuyển nhượng căn hộ, sản phẩm của dự án cho khách hàng là chưa đúng quy định.
“Như vậy, dự án xây dựng khu thương mại căn hộ cao cấp chưa hoàn thành thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và xác định giá đất, chưa nộp tiền sử dụng đất đã hợp tác liên doanh và đầu tư xây dựng, bán căn hộ cho người dân và người dân đã vào ở là chưa chấp hành đúng trình tự đầu tư theo quy định”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Đối với cơ sở đất 428 Nguyễn Tất Thành, quận 4, Thanh tra Chính phủ kết luận, Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty Trung Thủy Lancaster thực hiện dự án Căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ chưa đảm bảo đúng trình tự, ký hợp đồng hợp tác trước thời điểm Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam có đầy đủ các quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013.
Dự án đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán và được ghi nhận tại Biên bản ngày 11/9/2017, trong đó có truy thu tăng giá trị quyền sử dụng đất do UBND TP.HCM xác định là hơn 233 triệu đồng và Tòa án Nhân dân TP.HCM có Bản án số 519/2018/KDTM-PT ngày 23/5/2018 (do Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận khởi kiện) buộc Công ty Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam có nghĩa vụ ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hoàn tất các thủ tục chuyển nhượng khu đất cho Công ty TNHH Lancaster Tân Thuận. Hiện dự án đang dừng triển khai thực hiện nhiều năm gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Ngay cạnh lô đất trên, thửa đất số 430 Nguyễn Tất Thành, quận 4 được UBND TP.HCM giao cho Cảng Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 4 với diện tích hơn 4.600 m2. Sau đó thửa đất cũng được thoả thuận chuyển nhượng cho Công ty Trung Thuỷ Lancaster với giá trị 150 tỷ đồng, cao hơn giá trị do đơn vị thẩm định giá lập theo giá môi trường là 18,7 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng dự án chưa được công ty MTV Dịch vụ công ích tổ chức đấu giá theo quy định. Hiện dự án cũng dừng triển khai nhiều năm gây lãng phí nguồn lực của xã hội.
Đối với cơ sở nhà đất tại số 1 bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc Công ty CP Đại lý hàng hải Việt Nam thực hiện góp vốn ban đầu cũng chưa đúng, chưa lập phương án cụ thể trình Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam phê duyệt.
Tại Hà Nội, khu đất 16-18 Phan Chu Trinh, của Công ty Cơ khí Ngô Gia Tự, đã bị doanh nghiệp sử dụng để hợp tác, liên doanh đầu tư với Ngân hàng Thương mại CP quốc tế Việt Nam (VIB) thành lập pháp nhân mới là không đúng quy định về quyền và nghĩa vụ của người thuê đất trả tiền hàng năm...
Đối với cơ sở nhà đất 11.276m2 tại cụm 9, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội có văn bản chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Đầu tư và Xây dựng Nhà ở giao thông vận tải được lập phương án sử dụng đất. Việc này bị đánh giá làm không đúng về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
Cơ sở đất tại số 53 thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, do Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 quản lý, sử dụng, cũng bị doanh nghiệp chuyển nhượng tài sản không qua đấu giá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa có ý kiến của cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, theo kết luận thanh tra, cơ sở nhà đất tại 53 thị trấn Đông Anh được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 là doanh nghiệp nhà nước được cho thuê đất trả tiền hàng năm cho mục đích sử dụng là cơ sở sản xuất kinh doanh nhưng Bộ GTVT lại có các văn bản chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang xây nhà ở khi sắp xếp lại các cơ sở nhà đất khi không có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính là không đúng quy định.
Đồng thời, chấp thuận cho Công ty TNHH MTV Ô tô 1/5 sử dụng cơ sở nhà đất góp vốn hợp tác đầu tư với Công ty CP Bất động sản Vinalines để thành lập pháp nhân mới thực hiện dự án Khu thương mại dịch vụ và nhà ở 1/5 là không đúng quyền và nghĩa vụ của người thuê đất trả tiền hàng năm theo quy định tại Điều 175 Luật Đất đai năm 2013.
Đối với cơ sở đất tại km 9+500 Nguyễn Trãi (nay là 53 Triều Khúc), quận Thanh Xuân, được Nhà nước giao cho Công ty TNHH Liên doanh Ô tô Hòa Bình liên doanh với nước ngoài xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô với thời gian sử dụng 30 năm. Tuy nhiên, trên khu đất này, Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc UBND TP.Hà Nội cho doanh nghiệp chuyển đổi mục đích một phần diện tích thành đất ở, dịch vụ, thương mại văn phòng là không đúng quy định.
Một cơ sở khác tại 44 Triều Khúc, quận Thanh Xuân, của Công ty CP Cơ khí ô tô Hòa Bình cũng được UBND TP.Hà Nội cho phép doanh nghiệp chuyển đổi mục đích sử dụng không đúng với phương án tại thời điểm thực hiện cổ phần hóa.
Tương tự, cơ sở đất 23.742m2 tại 199 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, của Nhà máy cơ khí công trình, khu đất từng được quy hoạch là đất an ninh do Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an) quản lý nhưng chưa hoàn thiện thủ tục về đất đai…
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm sai phạm tại các lô đất, cơ sở nhà đất nêu trên thuộc về Bộ GTVT, UBND TP.Hà Nội, UBND TP.HCM, Tổng cục Hậu cần kỹ thuật (Bộ Công an), Tổng Công ty Cienco và các doanh nghiệp liên quan.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân lãnh đạo Bộ; kiến nghị UBND TP. Hà Nội, TP.HCM, cùng một số địa phương xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm./.
- 400 doanh nghiệp quốc tế tham gia triển lãm ngũ kim và dụng cụ cầm tay lần thứ 9
- Chiến lược phân phối và tiếp thị hiệu quả trong ngành Dược phẩm và Chăm sóc sức khỏe Việt Nam
- Tập đoàn Posco muốn làm dự án điện khí LNG 2,15 tỷ USD tại Nghệ An