Cẩn thận những hành vi lừa đảo mua sắm trực tuyến vào dịp cuối năm
Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo khi mua sắm online dịp cuối năm
Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã đưa ra thông tin cảnh báo về tình trạng lừa đảo khi mua sắm trực tuyến dịp cuối năm.
Theo Cục An toàn thông tin, lợi dụng thời điểm cuối năm có nhiều dịp lễ như Giáng sinh, năm mới cùng với hàng loạt các sự kiện sale lớn cuối năm, các đối tượng lừa đảo đã tung ra những chiêu trò khiến nhiều người dân sập bẫy.
Theo đó, các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử. Cùng với đó, các phiên livestream với nhiều mã giảm giá hấp dẫn nhằm phục vụ người tiêu dùng, đã vô tình trở thành môi trường cho các đối tượng lừa đảo trực tuyến khi các đối tượng có thể nắm được thông tin cá nhân mua hàng của người mua hàng từ phần bình luận.
Trước thực trạng trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên cẩn trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến. Người dân cần xác minh danh tính của đối tượng, tìm hiểu độ uy tín của người bán và chất lượng sản phẩm trước khi mua hàng, không chuyển tiền đặt cọc trước để tránh bị chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ căn cước công dân, thông tin tài khoản ngân hàng; không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận nhận được mà không tốn sức lao động.
Đặc biệt, người dân không chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính. Không nên truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng.
Ngoài ra, Cục An toàn thông tin yêu cầu người dân cần nêu cao cảnh giác, chủ động bảo mật thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như thẻ CCCD, thông tin tài khoản ngân hàng. Đồng thời, người dân cần cẩn trọng và xác minh kỹ các thông tin tiếp nhận từ mạng xã hội và các cuộc gọi không rõ danh tính.
Giả mạo website doanh nghiệp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thời gian gần đây, các thương hiệu của tập đoàn Vingroup như VinFast, Xanh SM, Vinhomes đã đồng loạt cảnh báo người dân về tình trạng giả mạo doanh nghiệp để lừa đảo, đồng thời đề nghị các khách hàng của doanh nghiệp mình cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, thủ đoạn thường được các nhóm đối tượng lừa đảo sử dụng là giả mạo là người lao động hoặc người nắm giữ các chức vụ quản lý cấp cao hoặc cổ đông hoặc đại lý của VinFast, Vinhomes, Xanh SM kêu gọi góp vốn đầu tư vào quỹ đầu tư, quỹ huy động vốn, quỹ phúc lợi của Vinhomes hoặc tập đoàn Vingroup.
Các nhóm đối tượng còn lừa đảo người dân về khả năng giới thiệu tuyển dụng vào 3 công ty trên, giới thiệu mua sản phẩm, yêu cầu nộp một số tiền ban đầu thông qua các trang web giả mạo hoặc theo hình thức khác.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước các thông tin giả mạo được lan truyền trên mạng xã hội. Khi nhận được những lời giới thiệu từ đối tượng lạ, người dân cần chủ động xác minh danh tính của đối tượng, tổ chức trên các trang chính thống.
Người dân cũng không nên tin tưởng vào những lời mời chào đầu tư với lợi nhuận cao; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc mật khẩu trên các website không rõ nguồn gốc.
Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần kịp thời báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định./.
- Thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng vì tin vào những chiêu trò lừa đảo trực tuyến
- Người dùng ngày càng lo ngại về việc trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tạo ra thông tin sai lệch và lừa đảo