Căng thẳng cuộc đua gom đất của các nhà đầu tư
Thị trường bất động sản nóng khi các ông lớn "bắt đáy"
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã rục rịch thực hiện các chiến lược đầu tư mạnh mẽ. Nhu cầu sở hữu quỹ đất sạch để phát triển dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản ngày càng tăng cao. Các doanh nghiệp liên tục tìm kiếm cơ hội mua bán, sáp nhập các công ty sở hữu quỹ đất tiềm năng hoặc tham gia đấu giá các khu đất lớn.
Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) được giới chuyên gia dự đoán sẽ sôi động trong năm 2024 khi các doanh nghiệp nhắm đến mục tiêu mở rộng thị phần, đa dạng hóa danh mục đầu tư, hoặc tiếp cận nguồn lực và công nghệ mới. Không chỉ tập trung vào lĩnh vực truyền thống, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực mới tiềm năng như năng lượng tái tạo, công nghệ cao, hay bán lẻ trực tuyến.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô là một ví dụ điển hình cho xu hướng đầu tư mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam. Vừa qua, công ty này đã đề xuất tỉnh Ninh Thuận cho phép khảo sát, lập quy hoạch 2 cụm công nghiệp với tổng diện tích 100 ha có vị trí gần khu công nghiệp Cà Ná. Đây là một dự án lớn với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 2.000 tỷ đồng. Ngoài việc lấn sân sang lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, Tập đoàn Hà Đô còn có nhiều kế hoạch đầu tư tham vọng khác trong năm nay như tập trung tích lũy quỹ đất tại các tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh để phát triển các dự án khu đô thị. Thực hiện nhiều thương vụ M&A quan trọng, tiềm năng như như năng lượng tái tạo, công nghệ cao, hay bán lẻ trực tuyến…
Các dự án quanh Khu công nghiệp Cà Ná được nhiều nhà đầu tư quan tâm. (Ảnh: T.L) |
Sự kiện Kim Oanh Group thâu tóm thành công dự án Một Thế Giới (còn gọi là dự án Hòa Lân) cũng là một sự kiện đáng chú ý trong thị trường bất động sản Việt Nam trong quý I năm 2024. Dự án Một Thế Giới có quy mô 50 ha, tọa lạc tại TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đây là một vị trí chiến lược, có kết nối giao thông thuận tiện và tiềm năng phát triển lớn. Dự án được quy hoạch thành khu đô thị hiện đại với đầy đủ tiện ích như nhà ở, thương mại, giáo dục, y tế, giải trí... Sau khi thâu tóm dự án Một Thế Giới, Kim Oanh Group sẽ sở hữu quỹ đất vàng rộng lớn tại Bình Dương. Đây là cơ sở để doanh nghiệp này phát triển các dự án quy mô lớn, tầm cỡ quốc tế. Kim Oanh Group cho biết sẽ kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài cùng hợp tác triển khai dự án Một Thế Giới. Đây là một chiến lược hợp lý giúp doanh nghiệp này huy động nguồn vốn lớn và tiếp cận công nghệ tiên tiến để phát triển dự án.
Không kém cạnh, Tập đoàn Đất Xanh cũng đang có những động thái mạnh mẽ trong việc tìm kiếm quỹ đất và phát triển dự án trong giai đoạn 2024-2025. Với mục tiêu đáp ứng nhu cầu phát triển dự án trong giai đoạn 2024-2025 thì những khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông thuận tiện, dân cư đông đúc là phương án hợp lý. M&A các quỹ đất dự án hiện hữu tập trung tại khu vực có mức độ đô thị hóa cao để tận dụng lợi thế về hạ tầng, tiện ích và nhu cầu nhà ở tại khu vực đô thị, tập trung vào phát triển sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của thị trường.
Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng "bắt đáy" để gom đất. (Ảnh: C.T) |
Mặc dù đang trong quá trình tái cấu trúc nợ, Tập đoàn Novaland cũng có những động thái cho thấy tham vọng lớn trong việc đầu tư vào các dự án mới. Novoland đã đề xuất đầu tư tổ hợp du lịch - nghỉ dưỡng rộng gần 437 ha tại khu vực Mũi Yến, tỉnh Bình Thuận để phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, đáp ứng nhu cầu du lịch ngày càng tăng cao của du khách trong và ngoài nước. “Ông lớn” này đang tích cực làm việc với tỉnh Lâm Đồng để triển khai dự án khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao nguyên Lâm Viên khi nhìn thấy tiềm năng du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bất động sản nhà ở tại đây.
Cuộc đua còn nhiều thách thức
Tại sự kiện "Tổng quan thị trường bất động sản TP.HCM trong năm 2023" do CBRE Việt Nam tổ chức, ông Phạm Đình Huy - Giám đốc Đầu tư Tập đoàn Nam Long đánh giá: Nguyên nhân nhiều nhà đầu tư không mua được đất ưng ý chủ yếu do chủ đất "ngáo giá" đã thu hút nhiều sự chú ý. Thực tế, tình trạng "ngáo giá" quỹ đất đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, đặc biệt là những doanh nghiệp tập trung vào phân khúc nhà ở giá vừa phải. Giá bán nhà ở phải phù hợp với khả năng chi trả của đại đa số người dân, nên các doanh nghiệp không thể đáp ứng mức giá "trên trời" của chủ đất.
Phân khúc nhà ở, phục vụ nhu cầu người dân vẫn được quan tâm. (Ảnh: C.T) |
Khi các chủ đất "giữ giá" quỹ đất dựa trên giá đất kế bên mà không tính đến các yếu tố khác như chi phí xây dựng, marketing và phân khúc thị trường đang gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.
Như ông Huy chia sẻ, người sở hữu đất thường đơn giản việc tính giá đất bằng cách lấy diện tích đất nhân với giá đất để thành tiền mặc kệ chi phí phát triển dự án khiến các nhà đầu tư hết sức đau đầu. Đây là lý do khiến thị trường bất động sản 2023 tất yếu đã rơi vào cảnh "muốn không thể bán, mua cũng không có để mua".
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, bất động sản được xem là kênh trú ẩn an toàn và có tiềm năng sinh lời cao trong dài hạn. Nền kinh tế Việt Nam đang dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, càng tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào sự phát triển của thị trường bất động sản trong tương lai. Việc các nhà đầu tư lớn gom mua đất có thể khiến cho giá đất tăng cao, đặc biệt là tại các khu vực có vị trí đẹp, tiềm năng phát triển lớn, thị trường biến động mạnh hơn, ảnh hưởng không ít đến các nhà đầu tư nhỏ lẻ./.