Cảnh báo các chiêu trò lừa đảo hỗ trợ cài đặt sinh trắc học
Câu chuyện sinh trắc học chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt"
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, câu chuyện xác thực sinh trắc học chưa hạ nhiệt. Nhiều người dân phải xếp hàng từ sớm để có thể thực hiện việc cài đặt. Việc quá đông người dân đi cài đặt gây ra tình trạng quá tải tại các điểm ngân hàng, "nghẽn mạng", gây mệt mỏi cho người dân cũng như nhân viên ngân hàng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, bất kể ứng dụng gì thời gian đầu chạy đều có thể xảy ra lỗi hoặc chưa được...mượt. Và lỗi nhiều khâu không chỉ nằm ở phía ngân hàng. Ông Tuấn khuyến cáo, với những người không có nhu cầu chuyển tiền trên 10 triệu đồng/lần hay 20 triệu đồng/ngày, chưa nên cài đặt ngay. Việc nhiều người dân cùng vào cài đặt một lúc sẽ rất dễ dẫn đến quá tải, xảy ra lỗi phần mềm.
Người dân hiện đang hiểu là tất cả các giao dịch chuyển khoản đều phải thực hiện sinh trắc học nên ồ ạt đi làm cùng một lúc. Tuy nhiên ở đây cần hiểu rõ là không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học.
Cụ thể có thể kể đến như nhiều loại giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đa số người dân như chuyển tiền trong nước, nạp ví điện tử có giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày từ 20 triệu đồng trở xuống, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… các giao dịch này, khách hàng vẫn thực hiện trên ứng dụng ngân hàng như trước thời điểm ngày 1/7/2024. Ông Tuấn cho biết.
Cảnh báo tình trạng lừa đảo hỗ trợ cài đặt sinh trắc học của các đối tượng xấu
Lợi dụng tình trạng khách hàng gặp khó khăn khi xác thực sinh trắc học, các đối tượng lừa đảo giả danh nhân viên ngân hàng, gọi điện đề xuất hỗ trợ.
Theo ghi nhận của một số người dân, gần đây có nhiều đầu số lạ, tự xưng là nhân viên ngân hàng gọi đến yêu cầu cung cấp CCCD, mã pin để hỗ trợ xác thực sinh trắc học. Điểm quan trọng đó là thời gian chỉ mất vài phút, đánh trúng tâm lý muốn nhanh, gọn, tiết kiệm thời gian của người dân. Thậm chí, nhiều đầu số lạ liên tục nói cần phải hoàn thiện trước 3/7 nếu không sẽ bị khóa tài khoản, không thể giao dịch.
Cụ thể, các đối tượng liên hệ khách hàng bằng các hình thức như, gọi điện, nhắn tin, kết bạn qua các mạng xã hội (Zalo, Facebook…) để hướng dẫn thu thập thông tin sinh trắc học. Tiếp đó, bọn chúng yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, hình ảnh căn cước công dân, hình ảnh khuôn mặt khách hàng để được hỗ trợ. Đối tượng có thể yêu cầu cuộc gọi video để thu thập thêm giọng nói, cử chỉ.
Đối tượng còn đề nghị người dân truy cập vào đường link lạ để tải và cài đặt ứng dụng hỗ trợ thu thập sinh trắc học trên điện thoại. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, bọn chúng chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu.
Ngân hàng Agribank mới đây đã đưa ra cảnh báo về việc các nhóm lừa đảo đã giả danh nhân viên ngân hàng liên hệ với nhiều khách hàng gặp khó khi làm xác thực sinh trắc học. Sau khi lấy được thông tin của nạn nhân, các đối tượng tiến hành chiếm đoạt tiền trong các tài khoản ngân hàng và sử dụng thông tin của khách hàng vào các mục đích xấu khác.
Ngân hàng Agribank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng số,... cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Agribank cũng nhấn mạnh "ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học".
Khuyến cáo người dân phải đề cao tỉnh táo, cảnh giác
Ghi nhận những thông tin phản ánh trên, Công an TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp OTP, mật khẩu ngân hàng...cho bất kì ai kể cả nhân viên ngân hàng. Ngân hàng không liên hệ trực tiếp với khách hàng để hướng dẫn thu thập sinh trắc học. Do vậy, người dân tuyệt đối cảnh giác và không truy cập các đường link lạ qua Facebook, Zalo, SMS hoặc email gửi đến điện thoại của bạn để tránh nguy cơ bị lừa đảo, đánh cắp thông tin.
Để xác thực khuôn mặt khi giao dịch, trước đó khách hàng cần đăng ký dữ liệu sinh trắc học với ngân hàng. Theo hướng dẫn của các ngân hàng, người dùng có thể chủ động thực hiện đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên smartphone theo ba bước: Chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; Quét NFC (Chuẩn kết nối không dây Near-Field Communication) trên CCCD gắn chip; Quét gương mặt và xác thực OTP.
Đa số cho biết quá trình này diễn ra đơn giản, nhanh chóng. Tuy nhiên, trên các hội nhóm công nghệ, nhiều người phản ánh tình trạng gặp khó khăn trong việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên các ứng dụng (app) ngân hàng, phần lớn ở khâu quét NFC trên CCCD.
Trường hợp khách hàng gặp lỗi khi thao tác sinh trắc, hoặc người lớn tuổi khó thao tác có thể đến trực tiếp các quầy giao dịch tại các ngân hàng để nhờ nhân viên ngân hàng hỗ trợ thao tác, quá trình thao tác tại quầy cũng chỉ khoảng 30 giây.
Thượng tá Cao Việt Hùng, Phó Trưởng phòng 4 - A05 Bộ Công an khuyến cáo người dân: Nâng cao ý thức cảnh giác, kỹ năng để có thể tự bảo vệ bản than. Thận trọng, tìm hiểu, kiểm tra kỹ thông tin trước khi giao dịch. Không vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc; Không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking, tải các ứng dụng/link/email theo yêu cầu của người lạ; Tuyệt đối không thực hiện các hành vi mua bán, trao đổi, cho thuê, mượn tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân; Cài đặt bảo mật 2 lớp. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân, gia đình, bạn bè… trên mạng./.
- HDBank triển khai xác thực sinh trắc học để tăng cường an toàn giao dịch cho khách hàng
- Những giao dịch ngân hàng trực tuyến nào không yêu cầu xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7?