ISSN-2815-5823

Những giao dịch ngân hàng trực tuyến nào không yêu cầu xác thực sinh trắc học từ ngày 1/7?

(KDPT) - Sẽ không cần xác thực sinh trắc học với nhiều loại giao dịch cơ bản, phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đa số người dân như thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… với tổng giá trị giao dịch trong ngày dưới 100 triệu đồng.

Theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 1/7, nhiều loại giao dịch trực tuyến của khách hàng cá nhân sẽ phải áp dụng biện pháp xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt (Facepay).

Theo quy định, các loại giao dịch trực tuyến trên 10 triệu đồng/giao dịch hoặc giá trị từ 10 triệu đồng trở xuống nhưng tổng giá trị giao dịch trong ngày đạt trên 20 triệu đồng bắt buộc phải xác thực bằng sinh trắc học gồm: Chuyển tiền trong ngân hàng khác chủ tài khoản, chuyển tiền liên ngân hàng trong nước, nạp ví điện tử.

Ngoài ra, tất cả giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài; giao dịch thanh toán hóa đơn tiện ích có tổng giá trị giao dịch trên 100 triệu đồng/ngày; kích hoạt lần đầu dịch vụ ngân hàng số hoặc đổi thiết bị sử dụng cũng bắt buộc phải xác thực sinh trắc học.

Như vậy, không phải tất cả các giao dịch trực tuyến đều thuộc diện bắt buộc phải xác thực bằng thông tin sinh trắc học.

Cụ thể, nhiều loại giao dịch cơ bản phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày của đại đa số người dân, chẳng hạn như chuyển tiền trong nước, nạp ví điện tử có giá trị tối đa 10 triệu đồng hoặc tổng giá trị giao dịch trong ngày không vượt quá 20 triệu đồng, thanh toán tiền điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí… với tổng giá trị giao dịch trong ngày không vượt quá 100 triệu đồng.

Đối với các giao dịch này, khách hàng vẫn có thể thực hiện trên ứng dụng ngân hàng như trước thời điểm ngày 1/7.

Xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến từ ngày 1/7/2024. (Ảnh minh họa)
Xác thực bằng sinh trắc học đối với một số loại giao dịch trực tuyến từ ngày 1/7/2024. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, các ngân hàng khuyến nghị rằng ngay cả khi không thường xuyên thực hiện giao dịch, khách hàng vẫn nên đăng ký xác thực sinh trắc học bằng thông tin khuôn mặt.

Xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt (Facepay) là một lớp bảo mật bổ sung ngoài các phương thức xác thực hiện tại như OTP qua tin nhắn (SMS OTP) hoặc Smart OTP (khi thực hiện các giao dịch có giá trị theo quy định, khách hàng phải xác thực sinh trắc học thành công trước khi tiếp tục xác thực bằng SMS OTP hoặc Smart OTP).

Việc áp dụng Facepay giúp tăng cường bảo vệ khách hàng trước các hành vi gian lận, lừa đảo, đánh cắp thông tin bảo mật và chiếm đoạt tài sản trên mạng.

Với Facepay, kể cả khi kẻ gian lấy cắp thông tin của khách hàng, việc thực hiện hành vi tẩu tán tài sản (chuyển tiền giá trị lớn) cũng gặp nhiều khó khăn. Đây là một bước tiến mạnh mẽ và quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước nhằm tăng cường đảm bảo an toàn và bảo mật trong thanh toán trực tuyến.

Để sử dụng xác thực khuôn mặt khi giao dịch, khách hàng cần đăng ký dữ liệu sinh trắc học với ngân hàng. Theo hướng dẫn từ các ngân hàng, người dùng có thể tự đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên smartphone qua ba bước: chụp ảnh mặt trước và sau của CCCD gắn chip; quét NFC (chuẩn kết nối không dây tầm ngắn) trên CCCD gắn chip; quét gương mặt và xác thực OTP.

Đa số khách hàng cho biết quá trình này đơn giản và nhanh chóng. Tuy nhiên, trên các diễn đàn công nghệ, nhiều người phản ánh gặp khó khăn trong việc đăng ký dữ liệu sinh trắc học trên các ứng dụng ngân hàng, chủ yếu là ở khâu quét NFC trên CCCD.

Trong trường hợp khách hàng có CCCD gắn chip nhưng điện thoại không hỗ trợ NFC hoặc gặp sự cố khi quét NFC, họ có thể đến trực tiếp quầy giao dịch ngân hàng để được hỗ trợ. Khách hàng chỉ cần cập nhật thông tin sinh trắc học một lần tại ngân hàng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/11/2024