ISSN-2815-5823
SẦN NGỌC ANH
Thứ sáu, 21h08 30/06/2023

Chẩn đoán viêm ruột thừa cấp bằng trí tuệ nhân tạo

(KDPT) - Vừa qua, nhóm nhà khoa học tại TP.HCM đã thành công khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán tình trạng bệnh viêm ruột thừa cấp, với độ chính xác lên đến gần 90%.

Nghiên cứu giúp sớm phát hiện và ngăn ngừa biến chứng

Để thực hiện nghiên cứu, nhóm thu thập dữ liệu từ hơn 3.000 bệnh nhân từng điều trị viêm ruột thừa tại bệnh viện Nhân dân Gia Định trong giai đoạn 2016 - 2021 gồm dữ liệu siêu âm và xét nghiệm máu để huấn luyện mô hình máy học.

Với kết quả siêu âm, nhóm xây dựng các dữ liệu về vị trí, khả năng thâm nhiễm xung quanh, hình ảnh dịch ổ bụng, đường kính... của ruột thừa. Với xét nghiệm máu, nhóm xây dựng dữ liệu các tổng số lượng bạch cầu, bạch cầu đa nhân trung tính và bạch cầu lymphô.

Đồng thời, nhóm các nhà khoa học TPHCM cũng đã hoàn thiện, xây dựng quy trình và các công cụ hỗ trợ sử dụng kỹ thuật máy học hỗ trợ chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng.

Theo đó, giao diện của bộ công cụ cho phép bác sĩ và kỹ thuật viên y tế chủ động nhập vào 10 chỉ số chẩn đoán gồm giới, tuổi, hình ảnh siêu âm ổ bụng (đường kính ruột thừa - mm, vị trí ruột thừa, dịch ổ bụng và tình trạng thâm nhiễm xung quanh ruột thừa) và các xét nghiệm sinh hóa máu (tổng số lượng bạch cầu hạt, số lượng bạch cầu trung tính, số lượng bạch cầu lympho và CRP).

Đây là một trong những nghiên cứu đánh giá trị trí tuệ nhân tạo (AI) trong chẩn đoán viêm ruột thừa có biến chứng tại TPHCM trong vòng 5 năm. Từ đó cung cấp một bức tranh toàn diện về tình hình viêm ruột thừa nói chung và mảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ bác sĩ dự đoán khả năng có biến chứng.

Mô hình máy học chẩn đoán chính xác

PGS Thái Thanh Trúc và TS.BS Mai Phan Tường Anh là đồng chủ nhiệm thực hiện nghiên cứu này. PGS BS Mai Phan Tường Anh cho biết: “Việc thu thập dữ liệu của bệnh nhân để huấn luyện mô hình được nhóm thực hiện thủ công thông qua các bệnh án điện tử, bệnh án giấy, biên bản phẫu thuật... Nhiều dữ liệu được ghi lại bằng nhiều thuật ngữ chuyên môn khác nhau, không thống nhất. Nhóm đã sàng lọc, chuẩn hóa để thống nhất các thuật ngữ. Sau đó dữ liệu được đưa vào các mô hình máy học để huấn luyện với nhiều tình huống đa dạng về loại mô hình, tham số, dữ liệu để từ đó đúc kết được mô hình tối ưu có độ chính xác cao nhất”.

PGS.TS Thái Thanh Trúc - Chủ nhiệm thực hiện nghiên cứu với website chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa cấp

PGS.TS Thái Thanh Trúc cho biết, tính ứng dụng của nhiệm vụ chính là đã phác thảo tình hình chung của bệnh viêm ruột thừa biến chứng tại TPHCM, đồng thời xây dựng mô hình máy học chẩn đoán.

Bên cạnh đó, nhóm triển khai nhiệm vụ khoa học - công nghệ cũng đã hoàn thiện trang điện tử trực tuyến www.viemruotthua.com để người dùng (bác sĩ) có thể thao tác và nhập các chỉ số để đưa ra tiên đoán về tình trạng viêm ruột thừa biến chứng trên bệnh nhân.

Theo nhóm nghiên cứu, công cụ ứng dụng trên website không lưu trữ bất kỳ thông tin nào của người sử dụng. Sắp tới, nhóm dự định sẽ bổ sung thêm dữ liệu từ bệnh nhân 6 tháng một lần để máy tự học liên tục giúp mô hình trí tuệ nhân tạo có độ chính xác cao hơn.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine