ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ ba, 10h25 31/10/2023

Việt Nam tạo bước tiến công nghệ mới khi phát triển thành công chip 5G

(KDPT) - Chip 5G DFE được Viettel công bố tại Triển lãm Quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023), diễn ra tại Hà Nội từ ngày 28/10 - 1/11. Đây được xem là bước ngoặc mới trong lĩnh vực công nghệ của Việt Nam, điều này kì vọng sẽ giúp chúng ta làm chủ hệ sinh thái 5G và tạo nên sức ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực bán dẫn.

Bước tiến công nghệ mới

Chính phủ Việt Nam đã đưa mạng 5G thử nghiệm thương mại từ tháng 12/2020. Theo tính toán đến năm 2025, 5G đóng góp vào sự tăng trưởng GDP Việt Nam từ 7,3 đến 7,4% bởi công nghệ này có thể nâng cao năng suất lao động, hiệu suất làm việc của doanh nghiệp.

Tháng 4/2019, Hàn Quốc là quốc gia triển khai mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới. Đến nay trên toàn cầu đã có 243 mạng 5G thương mại và 514 nhà khai thác di động đầu tư vào mạng 5G. Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông. Trong đó Viettel là nhà mạng có nhiều thử nghiệm nhất.

Theo đó, 5G không chỉ về tốc độ mà sẽ mở ra những ứng dụng hoàn mới, tạo ra một cuộc cách mạng lớn trong các năm tiếp theo. Với xu hướng thời đại công nghệ, việc phủ sóng mạng 5G chỉ còn là điều tất yếu. Với mạng 5G sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu từ người dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống mang nét hiện đại, chuẩn mực.

Tại khu vực trình diễn của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (Hà Nội), Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel đã công bố việc phát triển thành công Chip 5G. Đây là dòng Chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn về thiết kế. Theo đại diện Viettel, Chip 5G là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G.

Việt Nam phát triển thành công dòng chip 5G

Dòng Chip này đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (Khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác. Chip 5G DFE có mức độ phức tạp cao, với năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây và được các đối tác uy tín như Synopsys đánh giá cao.

Tạo đà phát triển trong lĩnh vực bán dẫn

Việt Nam hiện được đánh giá có hệ sinh thái bán dẫn phát triển nhanh, tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt - Mỹ, hai bên ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời "ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam".

Sau một thời gian phát triển nóng, ngành chip chững lại do khủng hoảng kinh tế năm 2008. Sau khi hồi phục vào giai đoạn 2013-2014, Việt Nam có thêm sự tham gia của một số doanh nghiệp Việt như Viettel và FPT.

Việt Nam hiện có hơn 5,5 nghìn kỹ sư thiết kế chip, theo thống kê của Cộng đồng Vi mạch Việt Nam. Còn theo Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Việt Nam có 1.072 công bố quốc tế liên quan đến ngành bán dẫn, 635 công bố liên quan đến vi mạch tính đến hết 2022. Rõ ràng, tiềm năng của Việt Nam còn khá lớn và cần được khai phá.

Thị trường thế giới hiện chưa cung cấp dòng sản phẩm Chip 5G thương mại. Việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại Chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai.

Trước khi phát triển thành công Chip 5G, Viettel cũng đã bắt tay với Qualcomm để nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open RAN.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá "Người Việt Nam rất phù hợp thiết kế chip", và sẽ coi đây là thế mạnh trọng tâm. Hạ tầng quan trọng cần đầu tư cho phát triển công nghiệp bán dẫn là hệ thống các phòng thí nghiệm hàng đầu.

Theo nhà phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research, Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước châu Á khác như Singapore và Malaysia, dù một số doanh nghiệp trong nước như Viettel, FPT đã tiến hành R&D và phát triển chipset của riêng họ.

"Đầu tư nhất quán vào giáo dục, hỗ trợ ngành công nghiệp, hợp tác quốc tế và tích lũy sở hữu trí tuệ rất quan trọng để vượt qua thách thức này", Ivan Lam nói. "Với nỗ lực của chính quyền Việt Nam, sự tham gia của các doanh nghiệp địa phương và sự hợp tác của các hãng chip toàn cầu, ngành bán dẫn Việt Nam có tiềm năng phát triển trong dài hạn". Vị chuyên gia này kết luận.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024