"Để cải thiện quản lý rác thải thủy tinh tại Việt Nam, các công cụ về pháp lý, thị trường, và hành vi nên được áp dụng, giúp bảo vệ môi trường một cách bền vững", ngày 15/1, tại Hà Nội, Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á đã tổ chức Hội thảo chuyên đề Hoạt động tái chế thủy tinh tại Việt Nam.

Việt Nam đến nay vẫn chưa triển khai một hệ thống toàn diện các thùng rác phân loại để người dân phân loại rác tại nguồn. Trong các loại rác, rác thủy tinh nếu được thu gom sẽ là nguyên liệu đầu vào rất cần cho các nhà sản xuất thủy tinh. Tuy nhiên, việc thu gom rác thủy tinh hiện không được quan tâm, thiếu hệ thống thu gom rác thải thủy tinh dẫn đến nhiều chai lọ bị vứt bỏ hoặc xử lý không đúng cách trong môi trường.

Ông Mai Thanh Dung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phát biểu tại hội thảo.

Theo dữ liệu khảo sát của Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, chỉ có 6% vựa phế liệu mua chai lọ thủy tinh đã qua sử dụng. Nhu cầu thấp này từ các vựa ve chai không tạo nhiều động lực cho người thu mua phế liệu, người nhặt ve chai, và người thu gom rác thực hiện thu gom và bán phế liệu thủy tinh (chỉ có 5% người thu mua phế liệu mua thủy tinh; 8% người thu gom rác và người nhặt phế liệu thu gom phế liệu thủy tinh).

Tại hội thảo, ông Mai Thanh Dung - Phó viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, hiện nay, thủy tinh đang là loại chất thải được tái chế ở tỷ lệ thấp nhất, rất hạn chế, trong khi đó, đây là loại rác thải vĩnh cửu. Do vậy, nếu không thực hiện biện pháp tái chế thì rác thải thủy tinh sẽ tồn tại vĩnh viễn với môi trường.

Chính vì vậy, theo ông Mai Thanh Dung: "Lợi ích môi trường là động lực quan trọng nhất thúc đẩy việc thu gom và tái chế rác thải thủy tinh. Điều này đòi hỏi công tác xử lý, tái chế cần phải được đầu tư, chú trọng hơn nữa, để gia tăng vòng đời sản phẩm lên tối đa, vừa đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng của con người, vừa không tạo thêm gánh nặng cho môi trường".

Còn ông Hồ Đức Thông - Viện Kinh tế Môi trường Đông Nam Á, thành viên nhóm nghiên cứu giải pháp tái chế thuỷ tinh ở Việt Nam cho hay, mặc dù, các doanh nghiệp sản xuất thuỷ tinh có nhu cầu lớn đối với vụn phế liệu thủy tinh để làm nguyên liệu đầu vào, nhưng cơ sở hạ tầng cho việc thu gom và tái chế thủy tinh vẫn chưa phát triển.

Ông Hồ Đức Thông đưa ra khuyến nghị, các doanh nghiệp cần một khoảng thời gian áp dụng được giãn ra để có sự chuẩn bị và thử nghiệm các mô hình thu gom cũng như tuân thủ quy định EPR. Ngoài ra, Chính phủ cần đưa ra quy định và xác định một ngưỡng yêu cầu tối thiểu về số lượng nguyên liệu đầu vào đến từ vật liệu tái chế.

Xây dựng các chính sách thúc đẩy thiết kế bao bì thân thiện với môi trường, ví dụ như thiết kế nhãn thân thiện với môi trường, làm cho chai dễ thu gom, ưu tiên sử dụng chai thủy tinh không màu.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Chính phủ cũng nên đặt tiêu chuẩn bao bì thân thiện với môi trường. Theo thời gian, khi điều chỉnh các quy định EPR, quan trọng là tích hợp các chỉ số bao bì thân thiện với môi trường này.

Đối với các nhà sản xuất bao bì thuỷ tinh, các nhà sản xuất sử dụng bao bì thủy tinh có thể xem xét việc thành lập hệ thống thu gom tập trung vào các điểm bán hàng chính của họ, ví dụ như các quán bar lớn, cửa hàng và nhà hàng lớn. Điều này đòi hỏi sự phối hợp hợp tác giữa các thành viên khác nhau trong hiệp hội.

Ở giai đoạn sau, để giảm chi phí thu gom rác thải thủy tinh, các nhà sản xuất nên dựa vào hệ sinh thái thu gom và tái chế chất thải rắn hiện tại bằng cách khuyến khích các công nhân thu gom chất thải và người mua phế liệu đã thu gom các loại vật liệu tái chế khác như nhôm, nhựa, giấy thu gom thêm rác thải thủy tinh.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng, nhà sản xuất nên xem xét tích hợp các dự án trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) và việc sử dụng quỹ môi trường để hỗ trợ người lao động trong ngành vốn là nhóm thiệt thòi trong xã hội. Điều này phục vụ nhiều mục đích, ví dụ, cải thiện việc tái chế chất thải thủy tinh và nâng cao uy tín trong cộng đồng./.