ISSN-2815-5823
CHI NHẬT
Thứ ba, 12h00 01/08/2023

Chế phẩm sinh học giúp xử lý ô nhiễm đất

(KDPT) - Các nhà khoa học thuộc Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học nhằm xử lý các loại ô nhiễm môi trường như dầu, nitơ trong nuôi trồng thủy sản…
Chế phẩm vi sinh tạo màng sinh học trên chất mang than sinh học xử lý triệt để đất và nước nhiễm dầu.

PGS.TS Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho biết, nhóm tác giả ở Viện Công nghệ sinh học đã tập trung nghiên cứu và ứng dụng các vi sinh vật tạo màng sinh học nhằm xử lý các loại ô nhiễm môi trường như dầu, nitơ trong nuôi trồng thủy sản…

Nhóm tác giả đã có được các chủng vi sinh vật tạo màng sinh học có khả năng phân hủy, chuyển hóa và sử dụng các thành phần hydrocarbon có trong dầu mỏ như benzen, naphtalen, phenol, toluen, xylen... làm nguồn carbon và năng lượng cho quá trình sinh trưởng.

Đồng thời, nhóm tác giả đã nghiên cứu các chất mang như mút xốp, xơ dừa, sỏi nhẹ, giấy… để giúp các vi sinh vật duy trì lâu dài hơn trong các hệ thống xử lý và tăng cường hiệu quả xử lý. Sau đó, nhóm tác giả tiếp tục phát triển sản phẩm bằng cách sử dụng than sinh học (biochar) từ trấu - vốn rất sẵn và có giá thành rất rẻ ở Việt Nam - làm chất mang.

Chất mang gắn vi sinh vật tạo màng sinh học đã làm cho hiệu quả của các quá trình xử lý tăng lên rõ rệt. Nguyên do là than sinh học có nguồn gốc từ trấu có cấu trúc bề mặt với nhiều lỗ rỗng và có độ xốp cao, hấp phụ dầu tốt hơn. Điều này giúp cho các vi sinh vật tạo màng sinh học mà nó mang dễ dàng tiếp cận và sử dụng những thành phần được hấp phụ để sinh trưởng.

Theo PGS.TS Phí Quyết Tiến, chế phẩm của nhóm khác các sản phẩm hóa học và sinh học đang có trên thị trường ở chỗ có sự kết hợp của cả 3 phương pháp vật lý (cơ chế hấp phụ), hóa học (sự chuyển hóa các chất) và sinh học (sử dụng vi sinh và giá thể sinh học, không gây ô nhiễm môi trường). Chế phẩm này có thể sử dụng cả ở môi trường đất và nước vì vậy nó có tính ứng dụng khá cao.

Có thể giải thích được là nhờ các vi sinh vật tạo màng sinh học có trong các chất mang là những chủng có khả năng phân hủy và chuyển hóa các thành phần của dầu rất tốt. Đồng thời, các chất mang có khả năng hấp phụ các thành phần của dầu, nhờ đó vi sinh vật dễ dàng tiếp cận hơn và sử dụng chúng như nguồn carbon, năng lượng cho quá trình sinh trưởng.

Điểm đột phá của công nghệ này là các nhà khoa học đã tìm ra nguồn vi sinh vật phù hợp và giải pháp cố định nguồn vi sinh vật đó để áp dụng vào xử lý nước thải một cách hiệu quả với giá thành rẻ, không tạo ra nguồn ô nhiễm thứ cấp. Chế phẩm đã được thử nghiệm tại một số khu vực bị ô nhiễm dầu ở một số kho xăng dầu ở Hà Nội, Thanh Hóa...



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine