ISSN-2815-5823

Chiến lược đầu tư chứng khoán tháng 8: Thử thách lớn, cơ hội lớn

(KDPT) - Biến động thái quá do yếu tố tâm lý cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các nhóm cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ổn định, cũng như các nhóm cổ phiếu có bảng cân đối mạnh. SSI khuyến nghị chiến lược “tích lũy từng phần khi giá giảm sâu” cho giai đoạn hiện tại.

Kết quả kinh doanh quý 2/2024: Tăng trưởng lợi nhuận mở rộng các nhóm ngành

Tăng trưởng lợi nhuận thị trường tiếp tục mở rộng. Mùa kết quả kinh doanh quý 2/2024 gần như kết thúc với tăng trưởng tổng lợi nhuận trên sàn HOSE tiếp tục tăng trưởng 23,1% so với cùng kỳ (tăng trưởng ở quý 1/2024 là 4,8%) và tăng 17,5% so với quý trước (cao hơn tốc độ tăng trưởng 6,6% ở quý 1). So với cùng kỳ, đóng góp nhiều nhất cho tăng trưởng mạnh nhất đến từ các ngành như Bán lẻ (tăng 32,2x), Viễn thông (tăng 4,4x), Tài nguyên cơ bản (+326%), Du lịch và giải trí (+307%)…

Các ngành đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng trong quý là Bán lẻ, Tài nguyên cơ bản, Ngân hàng, Viễn thông, Ô tô, Hóa chất, Hàng cá nhân gia dụng và Công nghệ thông tin. Các ngành tiêu biểu chậm lại tăng trưởng là Dịch vụ Tài chính, Hàng & Dịch vụ công nghiệp. Riêng nhóm Bất động sản quay lại ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận dương (+19,5%) sau khi giảm 63,6% trong quý trước.

Nguồn: SSI Research
Nguồn: SSI Research

Mặc dù phân hóa trong từng ngành, sự tích cực như nhóm ngành có diễn biến mở rộng tăng trưởng so với quý 1 khá đồng đều là Ngân hàng, Hàng không, Hóa chất và Bán lẻ.

Sự phục hồi ở ngành Bán lẻ khá rõ nét với tốc độ tăng trưởng cải thiện nhiều so với quý trước ghi nhận ở PNJ, MWG, trong khi FRT duy trì tốt được tăng trưởng. Với ngành Thực phẩm tiêu dùng,sự cải thiện đáng kể ở các doanh nghiệp đầu ngành là SAB, MSN và VNM.

Nguồn: SSI Research
Nguồn: SSI Research

Nhìn chung, so với quý 1/2024, sự mở rộng tăng trưởng lợi nhuận là yếu tố hỗ trợ tốt cho thị trường chứng khoán ở 2 điểm: dòng tiền xoay vòng giữa các nhóm ngành và số lượng mã trụ cột dẫn dắt cho thị trường tăng lên, như diễn biến trong tháng 7.

Định giá hấp dẫn hơn khi thị trường điều chỉnh mạnh

Thị trường biến động mạnh hơn trong những phiên đầu tháng 8 khi xuất hiện các biến số rủi ro mới như: lo ngại kinh tế Mỹ suy thoái khi các dữ liệu về sản xuất và thị trường lao động được công bố suy yếu; Ngân hàng trung ương Nhật (BOJ) quyết định nâng lãi suất cơ bản từ 0,1% lên 0,25%, tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán nước này. Các tài sản rủi ro, trong đó có cổ phiếu bị bán mạnh ở hầu hết các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, một số chuyển biến về nền tảng cơ bản theo hướng tích cực có thể đã bị bỏ qua do yếu tố tâm lý chi phối như: rủi ro tỷ giá giảm dần khi đồng USD quay lại suy yếu; xu hướng phục hồi lợi nhuận theo quý vẫn tốt và định giá thị trường ở mức 11,27 lần trên P/E ước tính một năm sẽ về mức hấp dẫn hơn khi giá tiếp tục điều chỉnh.

Trong danh sách “SSI Coverage”, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều đang có định giá ước tính 1 năm thấp hơn so với bình quân 5 năm như nhóm Tiêu dùng, nhóm Tài chính, Nhóm công nghiệp, nhóm Bất động sản. Riêng nhóm Công nghệ thông tin có định giá mở rộng trong thời gian gần đây, nhưng vẫn được hỗ trợ tốt bởi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận bền vững và bảng cân đối lành mạnh.

Nếu tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì tích cực trong giai đoạn cuối năm sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng tiếp theo của doanh nghiệp niêm yết, là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán về dài hạn. Tuy nhiên, tín hiệu suy thoái ở các nền kinh tế lớn sẽ là yếu tố rủi ro cần được theo dõi sát bởi đây cũng sẽ là yếu tố rủi cho quá trình phục hồi của Việt Nam.

Tín hiệu kỹ thuật

Bước sang tháng 8, thị trường chứng khoán không giữ được sự cân bằng đã thiết lập trong tháng. Chỉ trong 3 phiên đầu tháng, chỉ số VN-Index đã mất 63,44 điểm, tương ứng mức giảm 5% chỉ trong 3 phiên và giảm 8,4% từ đỉnh ngắn hạn vào ngày 10/7. (VN-Index đạt mốc cao nhất 1.298 điểm). Chỉ số đóng cửa phiên ngày 5/8 tại mốc 1.188 điểm.

Nguồn: Tradingview, SSI Research
Nguồn: Tradingview, SSI Research

Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và ADX đang ở vùng trung tính yếu trên biểu đồ trung hạn. Tuy nhiên, sức mạnh kỹ thuật của ADX ở mức yếu, cho thấy nhịp giảm điểm điều chỉnh trong tháng 8 dù gây ra áp lực lớn nhưng nhanh chóng lấy lại cân bằng.

Theo đó, VN-Index có thể tạo sự cân bằng tại vùng hỗ trợ trung hạn 1.145-1.155 điểm và phục hồi. Dù vậy, đà phục hồi mạnh chưa được đánh giá cao, và vùng 1.260 điểm có thể là vùng cản trong quá trình phục hồi của VN-Index.

Chiến lược và danh mục khuyến nghị

Với các yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán bao gồm đà phục hồi tăng trưởng lợi nhuận và nền tảng định giá tốt, nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các ngành/cổ phiếu còn dư địa mở rộng định giá và có các yếu tố hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế trong nửa cuối năm. Trong đó, trọng tâm có thể là nhóm Hàng tiêu dùng (Thực phẩm, Bán lẻ), nhóm Hàng & Dịch vụ công nghiệp (các cổ phiếu Cảng vận tải biển). Biến động thái quá do yếu tố tâm lý cũng sẽ tạo cơ hội tốt cho các nhóm cổ phiếu có lịch sử chi trả cổ tức tiền mặt ổn định, cũng như các nhóm cổ phiếu có bảng cân đối mạnh.

Đi kèm là biến số rủi ro mới với biến động khó lường, SSI khuyến nghị chiến lược “tích lũy từng phần khi giá giảm sâu” cho giai đoạn hiện tại./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024