Thị trường chứng khoán ghi nhận những diễn biến bất ngờ
Thị trường chứng khoán ghi nhận diễn biến bất ngờ
Thị trường chứng khoán tuần 29/7 - 2/8 ghi nhận diễn biến rung lắc khi 3 phiên cuối tháng 7 tiếp tục phục hồi lên vùng giá 1.255 điểm, sau đó bất ngờ chịu áp lực bán đột biến trong phiên giao dịch đầu tháng 8/2024 và giảm hơn 24 điểm. Lực cầu giá thấp đã trở lại vào chiều cuối tuần, giúp VN-Index đảo chiều tăng gần 10 điểm với sự dẫn dắt của các mã bluechip và nhóm chứng khoán.
Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 5,51 điểm (0,44%) dừng tại mốc 1.236,6 điểm. Thanh khoản cải thiện hơn so với tuần giao dịch trước đó khi khối lượng khớp lệnh tăng 8,95% tại HOSE.
Khối ngoại tuần này đã quay trở lại bán ròng trên HOSE với giá trị bán ròng là 400,5 tỷ đồng, lực bán tập trung tại mã VIC (-994,9 tỷ), VHM (-120 tỷ), CTG (-145,5 tỷ) và PDR (-119,5 tỷ)... Ở chiều ngược lại, họ mua ròng VNM (+990,3 tỷ), MWG (+259,6 tỷ)...
Kết thúc phiên ngày 2/8, cổ phiếu VNM của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đạt 71.500 đồng/CP, tăng 8% sau 1 tháng. Riêng phiên 31/7, dòng tiền đổ vào cổ phiếu đầu ngành sữa rất mạnh đẩy khối lượng giao dịch tăng đột biến lên trên 21 triệu đơn vị, gấp gần 6 lần bình quân phiên trong 10 phiên gần nhất.
Sự tăng trưởng trong thời gian gần đây của VNM được hỗ trợ bởi thông tin kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, trong quý II/2024 Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.656 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này đã vượt đỉnh 16.194 tỷ đồng của quý III/2021 để trở thành quý có doanh thu cao nhất.
Chứng kiến nhiều mã giảm điểm tại một số ngành
Ghi nhận trong tuần này, một số ngành chứng kiến nhiều mã giảm điểm như ngành viễn thông với VGI (-11,69%), ABC (-4,48%), MFS (-6,67%), TTN (-6,59%)... nhóm ngành chứng khoán tuy có phiên cuối tuần phục hồi nhưng tổng kết tuần trong sắc đỏ với SSI (-2,65%), VCI (-3,66%), HCM (-3,35%), VND (-3,17%), MBS (-4,52%) ... Đa số cổ phiếu ngành hóa chất và phân bón cũng có một tuần giao dịch giảm điểm, cụ thể là DGC (-5,39%), DPM (-0,85%), DDV (-3,31%)...
Nhóm cổ phiếu thép diễn biến kém tích cực với thông tin EU điều tra chống bán phá giá, cụ thể cổ phiếu NKG (-6,64%), HSG (-7,34%), TLH (-14,23%), SMC (-18,28%)...
SHS cho rằng trong 2 phiên giao dịch gần đây có rất nhiều mã chịu áp lực bán mạnh khá đột biến và sau đó phục hồi tốt trở lại, nhất là các mã cơ bản tốt, có kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng tốt, cho thấy những biến động mạnh trong 2 phiên này có nhiều tính chất rũ bỏ ngắn hạn đối với các vị thế đầu cơ, đòn bẩy cao... và mở ra nhiều vị thế tích lũy cổ phiếu chất lượng tốt.
Theo nhóm phân tích này, thị trường sẽ phụ thuộc lớn vào triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp vốn hóa lớn, tăng trưởng GDP nên nhà đầu tư ngắn, trung hạn nên duy trì tỉ trọng hợp lý và xem xét cơ cấu giảm tỉ trọng các mã có kết quả kinh doanh quý II/2024 không như kỳ vọng để cơ cấu sang các doanh nghiệp đầu ngành, cơ bản tốt./.
- Thị trường chứng khoán có lo ngại hiệu ứng "tháng Ngâu"?
- Thị trường chứng khoán cơ sở phục hồi, thị trường phái sinh và chứng quyền khởi sắc trở lại