ISSN-2815-5823

Chính phủ thảo luận về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao

(KDPT) - Chính phủ thảo luận về 5 nội dung quan trọng gồm 2 đề nghị xây dựng luật (Luật Tình trạng khẩn cấp, Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi)); 2 dự án luật (Luật Điện lực (sửa đổi), Luật Việc làm (sửa đổi)); Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

 Ngày 24/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2024 - phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 6 trong năm 2024.

Phiên họp Chính phủ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và 4 dự án, đề nghị xây dựng luật. Ảnh: Nhật Bắc
Phiên họp Chính phủ về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao và 4 dự án, đề nghị xây dựng luật. Ảnh: Nhật Bắc

Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đột phá về thể chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính phủ rất coi trọng công tác này và từ đầu nhiệm kỳ tới nay, Chính phủ đã tổ chức 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; cho ý kiến, xem xét, thông qua đối với hơn 100 đề nghị xây dựng luật, dự án luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua hơn 60 luật, nghị quyết. Chính phủ ban hành hơn 380 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành gần 90 quyết định quy phạm.

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng thể chế; thường xuyên rà soát, xem xét các vướng mắc, vấn đề phát sinh trên thực tiễn, những vấn đề mới, những vấn đề cần phải có các quy định pháp luật để góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Đồng thời, đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng thể chế; bảo đảm các điều kiện về tư liệu, tài liệu, các trang thiết bị cần thiết khác; bố trí những cán bộ đủ trình độ, năng lực, có trách nhiệm cao, đam mê, cảm xúc với công việc; khuyến khích đổi mới sáng tạo, sáng kiến và ưu tiên chế độ chính sách phù hợp với những cán bộ tham gia xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đã qua 6 tháng đầu năm 2024 và 3 năm của nhiệm kỳ này, các bộ, ngành cần xem xét những cán bộ nào từ đầu nhiệm kỳ đến nay có thành tích xuất sắc trong xây dựng thể chế thì đề xuất khen thưởng đột xuất; Bộ Nội vụ quan tâm và hướng dẫn công tác này.

Bên cạnh đó, phải rà soát lại những ai chưa làm tốt phải kiểm điểm, nhắc nhở; ai vi phạm phải xử lý; bảo đảm công bằng, minh bạch, khách quan, bình đẳng.

Cũng tại phiên họp này, Chính phủ thảo luận Đề án về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Bộ Chính trị đã có Kết luận 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là việc lớn, quan trọng, phải lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trước khi trình cấp có thẩm quyền để triển khai.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ. Bảo đảm tiến độ, chất lượng của phiên họp với tinh thần "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm", từ đó dễ kiểm tra, giám sát, đôn đốc, thi đua khen thưởng.

Bộ Chính trị đã có Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 9/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, trong đó yêu cầu nghiên cứu, triển khai hiệu quả Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông-Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.

Mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024