“Choáng ngợp” trước loạt chiến dịch truyền thông thực chiến của sinh viên trong thử thách 35 giờ
Diễn ra trong 2 ngày 10 - 11/5, InternPitch Camp do Công ty Le Bros phối hợp cùng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) và các đối tác giáo dục tại Hà Nội tổ chức, dành cho sinh viên năm cuối và mới ra trường có nhu cầu thực tập trong ngành marketing - truyền thông.

Điểm đáng chú ý của chương trình là mô hình “hackathon” diễn ra trong 35 giờ liên tiếp, sinh viên được chia để tạo thành một “agency giả lập”, học thêm kiến thức từ chuyên gia, sau đó áp dụng để xây dựng và thuyết trình chiến dịch truyền thông tích hợp (IMC) dựa trên đề bài từ doanh nghiệp. 3 doanh nghiệp ra đề gồm Tập đoàn GELEX, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom).
Căng não trước giờ G
Ngay sau khi nhận đề bài, các “agency” bắt đầu bước vào “cuộc đua” với áp lực thời gian rất lớn. Mỗi nhóm chỉ có chưa đầy 20 tiếng để biến một bản brief thô thành kế hoạch IMC hoàn chỉnh, đáp ứng cả yêu cầu thương hiệu lẫn thực tiễn.
“Đây không hẳn là một cuộc thi, mà mục đích là để thực tập sinh làm quen với môi trường làm việc thực tế và cạnh tranh quyết liệt, chuẩn bị cho họ tâm thế và kinh nghiệm để bước vào cuộc sống chuyên nghiệp, khởi đầu sự nghiệp mới”, Bà Đỗ Thị Hải Đăng - Tổng Giám đốc Le Bros, đại diện BTC nhấn mạnh.
Không còn là những buổi làm bài tập nhóm thông thường, sinh viên được “đặt vào guồng” như một agency thật sự. Các bạn sinh viên chủ động phân công nhau, đảm nhận các vai trò từ market research tìm hiểu thị trường và “đào” insight, planner lên ý tưởng sáng tạo và xác định chiến lược, creative lên ý tưởng và visual, media xem xét các kênh triển khai, trong khi account đóng vai trò quản lý tiến độ và kết nối nhóm với mentor.

Trong khắp các khu vực của khuôn viên diễn ra InternPitch Camp 2025, bảng trắng và những tờ giấy note kín đặc các từ khóa, chiến lược truyền thông và phác thảo ý tưởng. Các sinh viên thảo luận sôi nổi để chọn được một big idea hay và một key message đủ “bắt”, đúng với định vị thương hiệu, và tranh luận hăng say để thống nhất được một kế hoạch IMC chỉn chu. Nhiều nhóm phải làm việc xuyên đêm. Có nhóm thức trắng đêm chỉ để hoàn chỉnh bản đề xuất và chuẩn bị phần pitching.
Dưới sự hướng dẫn của các mentor, sinh viên không chỉ học cách làm mà còn học cách phản biện, bảo vệ ý tưởng và đảm bảo tiến độ. Chính trong áp lực, tư duy chuyên nghiệp và tinh thần đồng đội đã giúp các sinh viên “lột xác” từng giờ.
“Vừa học vừa làm liên tục trong hơn 30 tiếng, nhiều lúc các đội cũng thấy đuối, nhưng đến cuối cùng cả team vẫn ngồi lại, cùng động viên và hỗ trợ nhau để cho ra được một bản kế hoạch mà cả nhóm đều tự hào” - nhóm Sấu Xanh chia sẻ.
Những màn tranh luận sôi nổi
Chiều 11/5, không khí tại BUV trở nên sôi động và căng thẳng khi các nhóm sinh viên bước vào vòng pitching. Trong thời lượng 20 phút, mỗi nhóm lần lượt trình bày kế hoạch với cấu trúc bài bản. Các nhóm đều chuẩn bị rất kỹ lưỡng kể cả mockup nội dung, demo visual và kịch bản TVC.

Ban giám khảo đưa ra nhiều câu hỏi sâu về tính khả thi, mức độ phù hợp với thương hiệu, và khả năng đo lường hiệu quả truyền thông. Các nhóm đều thể hiện sự tự tin, tư duy phản biện tốt và kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt.
Với đề bài nâng cao nhận thức về phát triển bền vững (ESG) cho Gelex, 5 nhóm “đấu thầu” đều thể hiện những ý tưởng được các chuyên gia nhận xét rất có tính thực tiễn. Trong đó Cóc Cóc Team được đánh giá cao với ý tưởng “Đầu tư vì một tương lai xanh” - thể hiện rõ được cam kết của thương hiệu hướng tới ESG. Nhóm xác định được công chúng mục tiêu rõ ràng và bao phủ, đồng thời tận dụng tốt chiến lược sử dụng Leader Talk (tọa đàm chuyên gia) làm hoạt động chính, xây dựng được hình ảnh thương hiệu qua nhân vật đại diện, dễ lan tỏa và có sức ảnh hưởng trong ngành, đánh mạnh vào yêu cầu của doanh nghiệp.
Truyền cảm hứng với những điểm chạm về văn hóa truyền thống cũng là đánh giá đối với các ý tưởng được pitching cho đề bài của VPBank về yêu cầu kế hoạch cho hoạt động ra mắt sản phẩm hướng đến lối sống xanh của GenZ. Trong đó, nhóm Sấu Xanh gây ấn tượng với big idea “Một màu xanh sắc” gắn với hình ảnh Cô Đôi Thượng Ngàn. Kết hợp cùng chiến lược truyền thông với những key hook bắt kịp thói quen tiếp cận thông tin của giới trẻ, kế hoạch của nhóm đã định vị màu xanh như một bản sắc của GenZ, từ đó phát triển thành thói quen tài chính cụ thể phù hợp với sản phẩm của ngân hàng. Một điểm nhấn khác trong cách tiếp cận của các nhóm khi xây dựng chiến dịch là sử dụng Gamification (ứng dụng game vào marketing) để làm công cụ kêu gọi hành động, một phương án rất “số hóa”, sáng tạo và hiệu quả.

Các ban giám khảo của Viettel Telecom cũng đã phải mất khá lâu để quyết định 1 “agency trúng thầu” trong 5 bản kế hoạch đều được đánh giá xuất sắc. Nhóm Metafour đã đưa ra một ý tưởng khơi gợi cảm xúc từ hành trình 2G đến 5G, lồng ghép yếu tố hoài niệm và chuyển đổi, tạo nên câu chuyện thương hiệu dễ tiếp cận với đại chúng. Trong khi đó, Cận Bros đề xuất một hướng đi mạnh mẽ hơn với các sự kiện công nghệ trực tiếp đánh mạnh vào trải nghiệm của người dùng. Cuối cùng, Cận Bros dành chiến thắng khi thể hiện rõ tinh thần làm việc nhóm trong phần trả lời câu hỏi.
Có thể nói, InternPitch Camp 2025 là một sân chơi học thuật mang tính thực tiễn cao, nơi sinh viên được làm việc trong môi trường mô phỏng agency truyền thông chuyên nghiệp. Với trải nghiệm cường độ cao, sinh viên được rèn luyện tư duy chiến lược, làm việc nhóm và phản ứng linh hoạt. Đó cũng là những kỹ năng cốt lõi cần có khi bước vào thị trường lao động ngành truyền thông - marketing hiện nay./.
- Gala chung kết Cuộc thi Sinh viên kinh doanh số 2024
- “Đồng tiền thông thái”: Chuỗi sự kiện giáo dục tài chính bổ ích cho sinh viên