Bài học kinh nghiệm của thế giới

Giai đoạn sau Chiến tranh Thế giới thứ II đến thập kỷ 90 của TK XX thế giới xuất hiện nhiều mô hình công nghiệp hoá như: mô hình công nghiệp hoá theo cơ chế kế hoạch tập trung, CNH theo hướng thay thế xuất nhập khẩu, CNH hướng về xuất khẩu và CNH hỗn hợp. Sự đối đầu giữa mô hình CNH tập trung và mô hình CNH theo hướng thay thế xuất nhập khẩu.

Từ thập kỷ 90 đến nay tất cả các quốc gia cùng bước vào thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, một nền công nghiệp mới có tính toàn cầu đang hình thành rõ rệt và thay thế các mô hình CNH cũ.

Đi đôi với quá trình phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá trên toàn thế giới vấn đề môi trường và sử dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch luôn là thách thức hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Môi trường toàn cầu ngày càng trở nên tồi tệ kéo theo đó nhiều hậu quả đã và đang xảy ra: suy giảm đa dạng sinh học, hiện tượng sa mạc hoá ngày càng nhiều dẫn đến thu hẹp diện tích đất đai màu mỡ, khí hậu biến đổi tần suất thiên tai xảy ra thường xuyên và khốc liệt. Tuy nhiên khi nhận thức rõ được ảnh hưởng của các vấn đề môi trường, các quốc gia trên toàn thế giới bắt tay nghiên cứu và đưa ra các biện pháp giảm thiểu, ứng phó các vấn đề ô nhiễm môi trường gây nên biến đổi khí hậu, lồng ghép định hướng, chiến lược về bảo vệ môi trường đi đôi với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Phát triển kinh tế bền vững đang là chiến lược hàng đầu được các quốc gia quan tâm và hướng tới. Năm 1989, khái niệm hệ sinh thái công nghiệp lần đầu tiên đưa ra bởi Robert và Nicholas Gallopoulos đăng tải công khai trên tạp chí Scientific American. Theo đó, mô hình sinh thái công nghiệp tại các quốc gia trên Thế giới bắt đầu ứng dụng. Điển hình tại Khu công nghiệp Kalundborg của Đan Mạch, nhà máy điện Asnes sử dụng nhiên liệu hóa thạch – than đá để chuyển hóa thành điện năng với công suất 1.500 MW, hiệu suất chỉ đạt được 40% còn 60% năng lượng được cấp cho nhà máy lọc dầu Statoil, nhà máy sản xuất dược phẩm Novo Nordisk, nông trại nuôi cá Asnaes và khu dân cư thành phố Kalundborg. Các chất thải từ nhà máy điện Asnaes như thạch cao được chuyển cho công ty làm ván trát tường Gyproc, tro và xỉ chuyển cho công ty sản xuất xi măng và vật liệu lát đường Aalborg. Như vậy, hệ sinh thái công nghiệp của KCN Kalundborg – Đan Mạch được hình thành dựa trên nguyên tắc cơ bản: sự phù hợp giữa các ngành nghề trong KCN, khoảng cách các nhà máy không quá xa và sự hợp tác cộng sinh trên tinh thần tự nguyện, bình đăng, tuân thủ pháp luật. Đây được coi là Khu công nghiệp điển hình đầu tiên trên thế giới ứng dụng những nghiên cứu vào việc phát triển hệ thống cộng sinh công nghiệp thông qua sự trao đổi năng lượng và nguyên vật liệu đầu vào – chất thải đầu ra tái giữa các công ty.

Sau thành công của Khu công nghiệp Kalundborg – Đan Mạch, các nước trên toàn thế giới như Áo, Hoa Kỳ, Italia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, .... bắt đầu nghiên cứu, xây dựng và phát triển thành công khu công nghiệp sinh thái. Việc phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn chặt giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường được đánh giá là hướng đi mới, hiệu quả. Từ năm 2014 tại Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) hợp tác thực hiện dự án “Triển khai sáng kiến khu công nghiệp sinh thái hướng tới mô hình khu công nghiệp bền vững tại Việt Nam” với tổng vốn đầu tư hơn 5 triệu USD. Dự án thực hiện triển khai thí điểm tại Ninh Bình, Cần Thơ, Đà Nẵng. Các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch do dự án tư vấn cho các doanh nghiệp triển khai đã giúp tiết kiệm được hơn 22.000 Mwh điện; 600.000 m3 nước sạch hơn 140 TJ nhiên liệu hóa thạch và gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải; giảm được 32 Kt khí CO2 hàng năm.

Chuyển biến ở Việt Nam

Các khu công nghiệp ở Việt Nam đã và đang có những chuyển biến tích cực, hướng tới phát triển bền vững. Chắc chắn trong tương lai khu công nghiệp sinh thái hay khu công nghiệp xanh sẽ là xu hướng tất yếu và góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 mang tính chiến lược về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đặc biệt nhấn mạnh trong việc phát triển kinh tế xã hội với bảo vệ bền vững môi trường, chủ động giám sát, tăng vường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặt ra các mục tiêu cụ thể về kinh tế đến từ năm 2021 -2025 là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân trên 6,5%/năm; tỉ lệ đô thị hóa khoảng 45%; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Về môi trường mục tiêu cần đạt được đến năm 2025, tỉ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư thành thị là 95 - 100%, nông thôn là 93 - 95%; tỉ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; tỉ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 92%; tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100%; giữ tỉ lệ che phủ rừng ổn định 42%. Như vậy, đối với các mục tiêu cần đạt được trong những năm tới cần chú trọng phát triển kinh tế xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường.

Trong những năm vừa qua, Việt Nam được xếp là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam nằm ở vị trí chuyển giao của nhiều luồng sinh vật: phía Đông mang các đặc điểm địa sinh học của dãy Hymalaya; phía Nam có các kiểu hệ sinh thái tương tự với các hệ sinh thái biển đảo và đất liền của khu vực Đông Nam Á; dãy Trường Sơn là vùng chuyển tiếp giữa kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bên cạnh các dãy núi, Việt Nam còn có 16 hệ thống sông chính, trong đó có hơn 10 hệ thống sông mà lưu vực có diện tích trên 10.000km2 như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai... Bên cạnh hệ sinh thái rừng thì Việt Nam còn có nhiều kiểu hệ sinh thái khác như trảng cỏ, đất ngập nước nội địa, đồi cát, bãi bồi ven biển, cửa sông, bãi cỏ biển, rạn san hô và vùng biển sâu. Song song đó còn có các hệ sinh thái nhân tạo như đập nước, đất nông nghiệp, đô thị.

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Một thống kê chưa đầy đủ vào năm 2011 cho thấy, Việt Nam là nơi trú ngụ của 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn (312 loài thú, 840 loài chim, 167 loài ếch nhái, 317 loài bò sát, trên 7.700 loài côn trùng, và nhiều loài động vật không xương sống khác). Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11.000 loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 5 loài rùa biển).

Đa dạng sinh học không chỉ thể hiện ở các giống loài trong tự nhiên mà còn thể hiện sự đa dạng sinh học trong nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp,... Một số mô hình về đa dạng sinh học trong canh tác nông nghiệp: trồng xem kẽ cây ngô đậu bí hay nuôi cá, tôm trong ruộng lúa,.... phương pháp này được gọi là đa canh có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng năng suất cũng như đa dạng sản phẩm khi thu hoạch. Tương tự, đa dạng sinh học trong công nghiệp đã hình thành tuy nhiên chưa được phổ biến và nhân rộng mô hình tại Việt Nam. Sinh thái học công nghiệp được hiểu là sự tuần hoàn giữa đầu vào và đầu ra của các hoạt động sản xuất công nghiệp của con người, hạn chế, giảm thiểu phát sinh chất thải và ô nhiễm môi trường.

Điển hình Nam Cầu Kiền

Qua quá trình tìm hiểu và khảo sát thực tế, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được biết đến là hình mẫu tiêu biểu, tiên phong trong việc ứng dụng da dạng sinh học trong công nghiệp. Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã đặt mục tiêu chiến lược hàng đầu đó là nhân rộng mô hình Kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững và trở thành xu thế của ngành công nghiệp tại Việt Nam.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền được đánh giá đáp ứng đủ các tiêu chí của Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Tiêu chí 1 “Chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trongkhu công nghiệp phải thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải” Khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiêu chuẩn quốc tế như ISO 14001:2015, ISO 9001, ISO 14000, 3S, 5S,.... áp dụng chương trình giám sát môi trường liên tục; áp dụng bộ tiêu chuẩn sinh thái cho Nam Cầu Kiền; phân nhóm ngành nghề để quản lý. Tiêu chí 2 “Chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phải nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối” tại đây xây dựng quy trình công nghệ sản xuất cho từng ngành; thiết lập thành công các chuỗi cộng sinh công nghiệp tuần hoàn ngành thép, ngành nhựa, ngành điện – điện tử. Tiêu chí 3 “Chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống quản lý và xử lý chất thải trong sản xuất với công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam” khu công nghiệp thành công thiết lập hệ thống xử lý nước thải tuần hoàn trong nhà máy xử lý nước thải tập chung cho toàn bộ nhà máy tại khu công nghiệp với công suất 2.000 m3/ngày đêm. Nước thải sau khi xử lý được sử dụng một phần để tưới cây, rửa đưởng, tạo cảnh quan và đặc biệt hơn nữa nước thải sau xử lý được sử dụng nuôi cá koi, nuôi tôm.

Tiêu chí 4: “Chủ đầu tư khu công nghiệp sinh thái và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp phải đảm bảo năng lực tự xử lý các nguồn thải trong các doanh nghiệp năng lượng. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp môi trường gắn với ngành năng lượng.” Xây dựng thành công chuỗi cộng sinh tuần hoàn xử lý chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại với công nghệ tiên tiến đap sứng khả năng thu gom, vận chuyển và xử lý cho hầu hết các Nhà đầu tư trong khu công nghiệp giúp tối ưu chi phí, thời gian.

Thành lập Câu lạc bộ Eco Nam Cầu Kiền quy tụ lãnh đạo doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – kiến tạo sức mạnh từ cộng đồng Nhà đầu tư, cùng nhau phát triển và chung tay bảo vệ môi trường Khu công nghiệp.

Ứng dụng hiệu quả kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp mang lại hiệu quả mạnh mẽ về kinh tế, xã hội – môi trường. Kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu, kinh tế tuần hoàn sẽ đem phụ phẩm, chất thải trở lại nền kinh tế, tiếp tục sử dụng, tuần hoàn khép kín, thay vì thải ra môi trường. Vì thế, để thực sự tạo được một nền tảng cho kinh tế tuần hoàn thì phải nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp, của tất cả các thành phần kinh tế. Đây cũng là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.