Chuyển dịch xanh - Trách nhiệm của cả nhà sản xuất và người tiêu dùng
Tập đoàn TH xác định kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là định hướng nhất quán Kinh tế tuần hoàn - Lời giải cho phát triển bền vững |
Quy trình sản xuất xanh
Nguyên liệu để làm nên chiếc quần sooc cho bé từ 95-100% là từ nguồn tài chế của vải, nylon, chai nhựa, thủy tinh, lông vũ. Những dòng vải sợi có nguồn gốc sinh thái, hay nguyên liệu vải được tái chế đang góp phần vào việc giảm đi tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay. Đó chỉ là một phần trong nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành dệt may việc đảm bảo trách nhiệm với môi trường, bởi còn có rất nhiều việc các doanh nghiệp đang làm để thực hiện quá trình chuyển dịch xanh.
Gần đây, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động, thúc đẩy Chương trình sản xuất và tiêu dùng bền vững. (Ảnh minh họa) |
Ghi nhận tại một nhà máy dệt may, cùng với nguồn nguyên liệu đầu vào có nguồn gốc từ sản phẩm hữu cơ hoặc có thành phần tái chế từ 95-100%, quá trình chuyển đổi từ sản xuất dệt may truyền thống sang dệt may bền vững đã được doanh nghiệp triển khai ngay từ khi xây dựng nhà máy.
Việc chuyển dịch sang sẽ buộc doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn vào giai đoạn đầu. Việc xây dựng một nhà máy đáp ứng tiêu chuẩn xanh sẽ làm tăng chi phí hơn 25% so với nhà máy thông thường. Tuy nhiên trong ngắn hạn, doanh nghiệp không phải khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương, như đất hay là nguồn nước ngầm cho quá trình xây dựng; còn về dài hạn, sẽ giúp tăng tuổi thọ nhà máy, chu kỳ sử dụng các thiết bị và giúp doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí trong quá trình sản xuất, nhờ đó tăng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu.
Thúc đẩy phát triển bền vững
ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Hiện ESG không chỉ là cam kết, là trách nhiệm, mà hơn hết là hành động như thế nào. Các doanh nghiệp đã có những giải pháp đi liền hành động nhằm thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng và Việt Nam nói chung.
Vinamilk năm nay đã ra mắt 1 nhà máy và trang trại đầu tiên đạt chuẩn trung hòa carbon. Không chỉ tăng cường năng lực và quản trị, các giải pháp về yếu tố con người và xã hội, cũng được các doanh nghiệp rất quan tâm.
"Một dự án gần đây nhất là tái sinh rừng ngập mặn vườn quốc gia Cà Mau 25 ha, hướng tới trên 100.000 cây con mọc tại khu vực này. Tiếp theo là chương trình Quỹ sữa vươn cao Việt Nam, là năm thứ 16 công ty thực hiện và số lượng sữa cho trẻ em sử dụng là trên 42 triệu hộp", ông Lê Thành Liêm, Giám đốc Tài chính, Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết.
"Traphaco cùng bà con nông dân phát triển vùng trồng, với cam kết thu mua dược liệu sạch, chất lượng cao thông qua hợp đồng ký kết hàng năm, có vùng trồng atiso cho sản phẩm boganic ở Sa Pa, tạo ra sinh kế bền vững cho bà con dân tộc vùng cao", bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc, Traphaco, cho hay.
Có thể thấy, các doanh nghiệp đang biến các cam kết về ESG thành hành động cụ thể. Nhưng để làm được việc này cần đi liền với đổi mới và áp dụng công nghệ hiện đại, doanh nghiệp phải mua sắm máy móc, thiết bị mới theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng nguyên liệu sạch, rồi sẵn sàng bỏ các khoản đầu tư rất lớn để có các nguồn nguyên liệu sạch… Tài chính đang là 1 vấn đề rất lớn trong quá trình chuyển đổi.
Chuyển dịch xanh - trách nhiệm người tiêu dùng
Quá trình thực hành ESG là nỗ lực của các doanh nghiệp, Chính phủ, của các tổ chức quốc tế và cũng là xu hướng tất yếu của cả thế giới, bên cạnh đó còn là nỗ lực của chính mỗi chúng ta, những người tiêu dùng có trách nhiệm cần có hành động hướng đến tiêu dùng xanh.
"Nếu mình nghĩ đến việc phát triển và tiêu dùng bền vững thì những sản phẩm tái chế có thể sẽ dùng được lâu dài và mình có thể tái đi tái lại sử dụng được", chị Phạm Hoài Thương, TP. Hà Nội, chia sẻ.
"Hiện tại ở nhà em cũng tái chế khá là nhiều. Em và bà giữ lại rất nhiều vận dụng nhỏ như là hộp giấy, hộp nhựa và những hộp đựng đồ nữa", em Nguyễn Như Ngọc, TP. Hà Nội, cho biết.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm cả nước thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Ngay từ những hành động nhỏ như giữ lại vỏ hộp sữa sau mỗi lần sử dụng để tái chế, tạo thêm vòng đời mới cho sản phẩm, nhiều người tiêu dùng như chị Thương và Ngọc cũng sẽ đóng góp vào mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng xanh, hướng đến kinh tế tuần hoàn./.
BẢO TRUNG