Chuyển đổi số mang lại những giá trị to lớn
Đó là nhận định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 29/7.
Ngành Thông tin và Truyền thông có nhiều bứt phá mạnh mẽ
2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Thực hiện chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động", toàn ngành đã chỉ đạo, quán triệt đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trực thuộc bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, chủ động, tích cực giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền.
Kết quả, 6 tháng qua, doanh thu toàn ngành ước đạt 2.067.389 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 50% kế hoạch năm 2024. Nộp ngân sách ước đạt 59.847 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 61% kế hoạch năm 2024. Đóng góp vào GDP của ngành ước đạt 476.933 tỷ đồng, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 49% kế hoạch năm 2024. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2024 ước trên 1,53 triệu người, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 33.790 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 52,1% kế hoạch năm 2024. Nộp ngân sách lĩnh vực bưu chính ước đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 41,7% kế hoạch năm 2024. Doanh thu dịch vụ viễn thông quý 1/2024 đạt 33.536,37 tỷ đồng, tăng 2,27% so với cùng kỳ năm 2023 (32.792,65 tỷ đồng). Tổng doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 2.579 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 37,1% kế hoạch năm 2024...
Riêng lĩnh vực báo chí, 6 tháng đầu năm doanh thu ước đạt 21.292 tỷ đồng, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2023 và đạt 48% kế hoạch năm 2024. Số lao động hoạt động trong lĩnh vực báo chí (không bao gồm số lao động phát thanh truyền hình 16.600 người) ước khoảng 24.500 người, không có biến động nhiều so với cùng kỳ năm 2023 và ước đạt 100% kế hoạch năm 2024.
Chuyển đổi số: Dấu ấn của người đứng đầu là yếu tố then chốt
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã có những chia sẻ sâu sắc về chuyển đổi số, cho rằng trong chuyển đổi số, cần chú trọng thí điểm rồi tiến hành phổ cập. Thí điểm nên có trọng tâm, tập trung vào chỗ có thể tạo ra sự đột phá, chú ý cách làm, các hỗ trợ và đánh giá chính sách.
Sau khi thí điểm thành công thì nhanh chóng phổ cập rộng rãi ra toàn quốc. Giai đoạn này cần đề ra mục tiêu, tiêu chuẩn về chất lượng… và chỉ quản lý theo mục tiêu, đồng thời đây cũng là giai đoạn đánh giá cán bộ về năng lực triển khai.
“Giá trị của chuyển đổi số tăng theo cấp số nhân, chỉ khi phổ cập thì mới quyết định được thành công của chuyển đổi số và giá trị do chuyển đổi số mang lại”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý vai trò quan trọng của người đứng đầu trong thành công của chuyển đổi số khi thay đổi chiếm 70% và công nghệ chiếm 30%. Chuyển đổi số muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu. Người đứng đầu phải là người muốn thay đổi, chỉ có người đứng đầu mới có đủ uy tín, thẩm quyền và quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện, chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ những cái cũ.
“Người đứng đầu không chỉ là chỉ đạo mà phải trực tiếp làm, trực tiếp dùng các công cụ số. Chuyển đổi số là trải nghiệm, nếu người đứng đầu không dùng các công nghệ số thì rất khó chỉ đạo công tác chuyển đổi số”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời dẫn quan điểm của Trung Quốc về chuyển đổi số: “Người đứng đầu phải thực sự muốn làm, người đứng đầu phải làm trực tiếp và người đứng đầu phải thạo sử dụng”.
Công nghệ số chỉ là công cụ hỗ trợ sự chuyển đổi, chuyển đổi số là sự số hóa toàn diện, nếu người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, trực tiếp làm, trực tiếp dùng và trực tiếp tự mình chuyển đổi thì khó có thể chuyển đổi số thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ở Việt Nam, qua 4 năm chuyển đổi số đã thu được một số thành công bước đầu rất đáng ghi nhận, nhưng để quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia sẽ là người đứng đầu các cấp.
“Sự vào cuộc và sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu sẽ làm tăng mức độ thành công chuyển đổi số từ 1,6 đến 1,8 lần. Nhưng mức độ thành công sẽ tăng lên 3,1 lần nếu chuyển đổi số có kế hoạch rõ ràng, mục tiêu cụ thể và người đứng đầu trực tiếp làm”. Bộ trưởng nhấn mạnh./.
- Tập đoàn VNPT: Hành trình tiên phong về công nghệ và chuyển đổi số
- Thủ tướng: Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội