Tọa đàm nhằm trao đổi các vấn đề khoa học, pháp lý về phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại nói chung và trong hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số nói riêng. TS. Nguyễn Đức Tài, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tạp chí, chủ trì Tọa đàm; Đồng chủ trì Tọa đàm có TS. Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch HĐKH phụ trách Phía Nam; TS. Đoàn Văn Tình, Uỷ viên HĐKH; PGS.TS Phạm Hữu Tiến, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Quản lý; TS. Khổng Quốc Minh, Cục Sở hữu Trí tuệ; TS. Nguyễn Ngọc Tú, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và đại diện các ban, ngành, hiệp hội và doanh nghiệp quan tâm.

TS. Nguyễn Đức Tài, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tạp chí Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại chủ trì Tọa đàm.
TS. Nguyễn Đức Tài, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Chống hàng giả, Chủ tịch Hội đồng khoa học Tạp chí Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại chủ trì Tọa đàm.

Theo ban tổ chức, tình hình thực tiễn phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại từ góc nhìn từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng hiện nay đã và đang thấy nhiều vấn đề bất cấp cho dù ở bất cứ đối tượng nào. Với những nội dung được trao đổi tại Tọa đàm nhằm đề xuất kiến nghị về chính sách tới các cơ quan quản lý nhà nước về phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại và giải pháp tăng cường phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong giao dịch thương mại điện tử.

Thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chi trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường, đồng thời đẩy mạnh Chuyển đổi Số. Tuy nhiên, vấn nạn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp trong hoạt động này, tác động nghiêm trọng đến uy tín thương hiệu của nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đồng thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi và suy giảm niềm tin của người tiêu dùng.

Theo thông tin của Bộ Công thương, trong khoảng 2 đến 3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên hoạt động thương mại điện tử sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Các hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này rất khó lường bởi lẽ chúng có tính ẩn danh cao, dễ giả mạo, dễ tẩy xóa, thay đổi che giấu nhân thân lý lịch, đồng thời thay đổi dấu vết, chứng cứ để che giấu hành vi phạm tội, đối phó với cơ quan chức năng…

TS. Nguyễn Đức Tài, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật chống hàng giả, Chủ tịch HĐKH Tạp chí kỹ thuật chống hàng giả và gian lận thương mại, cho biết theo thống kê của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020.

Với tăng trưởng đó, Việt Nam vào nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á.

Trong năm nay, 2022, dự báo tốc độ tăng trưởng của TMĐT Việt Nam ở mức cao nhất từ trước đến nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch COVID-19.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử. Bộ Công thương đã xây dựng, tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về hoạt động thương mại điện tử vào tháng 9 năm 2021, Nghị định này đã bổ sung một số quy định mới nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán hàng hóa, dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Có thể nói giải pháp quan trọng hàng đầu chính là siết chặt các hành vi buôn lậu hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử theo đúng quy định pháp luật, cùng với đó các cơ quan chức năng cần kiểm soát khu vực biên giới. Các sản phẩm cần phải có kiểm định rõ ràng, các doanh nghiệp kết hợp các các cơ quan về phòng chống hàng giả hàng nhái để truyền thông và đưa ra thị trường mặt hàng được kiểm định, chất lượng, uy tín, bảo vệ người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần tỉnh táo, lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc và chung tay phát hiện, trình báo đến cơ quan có thẩm quyền về các hành vi gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng nhái trong hoạt động thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, đại diện Cục Thương mại và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết sở dĩ hàng giả, hàng nhái trên môi trường TMĐT ngày càng “nở rộ” là do phương thức hoạt động, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi.

Đơn cử như các đối tượng đưa thông tin, hình ảnh hàng hoá lên mạng là hàng thật nhưng giao hàng thì lại là hàng giả, hàng nhái mà bản thân khách hàng có khi cũng khó phát hiện.

Hoặc một số đối tượng tạo các tài khoản ảo trên các sàn TMĐT, mạng xã hội để rao bán hàng giả, hàng nhái. Có một số mạng xã hội, các trang rao vặt còn phát hiện rao bán cả hàng cấm.

“Một số đối tượng buôn bán hàng cấm, đưa hình ảnh sản phẩm không rõ nên rất khó phát hiện. Năm 2020, Cục đã phát hiện một vụ rao bán trên TMĐT lá cây đu đủ, nhưng hình ảnh lại là lá cây cần sa. Sau đó, Cục đã phải có công văn gửi cho các website TMĐT yêu cầu gỡ bỏ” - ông Tú nói.

Ngoài các nguyên nhân trên, lỗi cũng nằm ở một bộ phận người tiêu dùng khi biết là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, giá rất rẻ nhưng vẫn chấp nhận mua hàng.

“Áo Adidas, Nike bán trên các website chỉ 100.000 đồng/cái, hay cái đồng hồ Rolex ở chợ Đồng Xuân bán có 50.000 đồng thì không thể là hàng thật được. Cùng với cơ quan quản lý nhà nước thì người dân cũng phải nâng cao ý thức, làm một người tiêu dùng thông thái” - ông Tú chia sẻ.

Ông Tú khuyến cáo người mua hàng nên mua trên các sàn TMĐT uy tín, được xác thực bởi Bộ Công Thương. Các sàn này đã được kiểm soát rất chặt chẽ để bảo vệ người tiêu dùng.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Tại Tọa đàm, một số sản phẩm của các doanh nghiệp kinh doanh tiêu biểu và các sản phẩm mẫu giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng phân biệt giữa hàng thật và hàng giả, hàng nhái đã được trưng bày và giới thiệu tại Tọa đàm. Đây cũng là một dịp để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi để tìm ra giải pháp cho doanh nghiệp, bảo vệ những sản phẩm chất lượng. Người tiêu dùng cũng từ đây trở nên thông thái hơn, lựa chọn sản phẩm tốt để sử dụng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh hơn, ngăn chặn những mặt hàng gian, hàng giả, hành vi gian lận thương mại nhất là trong hoạt động thương mại điện tử

Tọa đàm đã chứng minh một cách rõ nét tính cấp thiết của việc phòng, chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại trong hoạt động thương mại trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay. Các vấn đề tham luận góp phần vào sự thành công của Tọa đàm, bóc tách được các vấn đề, đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu cho vấn đề này, để từ đó các chuyên gia, các nhà quản lý cùng các doanh nghiệp và người tiêu dùng nỗ lực hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa bảo vệ thị trường hoạt động thương mại điện tử, sớm ngăn chặn mặt hàng giả và hành vi gian lận thương mại.