Chuyển đổi số y tế là yêu cầu mang tính tất yếu
Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo “Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030” tổ chức sáng 22/4/2024.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng số hóa đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ tới tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội đến chính trị, quốc phòng, an ninh và môi trường, mang lại những lợi ích không thể phủ nhận trong mọi lĩnh vực. Quá trình chuyển đổi số y tế là một yêu cầu mang tính tất yếu đồng thời cũng đóng góp cho sự phát triển của ngành Y tế trong thời kỳ mới.
Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới và thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành Y tế, đồng thời Bộ Y tế đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm phát triển các nền tảng số y tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số trong ngành Y tế. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, việc thực hiện chuyển đổi số ngành Y tế còn có một số tồn tại, khó khăn.
Để giải quyết tồn tại khó khăn, vướng mắc, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Lãnh đạo Bộ Y tế thống nhất chỉ đạo Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở để huy động tổng thể nguồn lực triển khai thành công chuyển đổi số y tế trong thời gian sớm nhất. Trong đó, Bộ Y tế sẽ đề xuất xây dựng một số hệ thống thông tin quy mô quốc gia, đáp ứng các tiêu chí:
Một là, các hệ thống thông tin không chỉ liên quan đến quản lý của Bộ Y tế mà liên quan đa ngành, đa lĩnh vực;
Hai là, các hệ thống thông tin có quy mô toàn quốc, từ Trung ương đến địa phương, độ bao phủ tác động toàn dân, tầm quan trọng chiến lược mà khi triển khai sẽ giúp Bộ Y tế chuyển đổi số thành công, hiện thực hóa mục tiêu Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số;
Ba là, các hệ thống thông tin lớn, quan trọng giúp chuyển đổi số phục vụ hoạt động điều hành, quản lý của Bộ Y tế, ngành Y tế;
Báo cáo về tiến độ dự án, đại diện Trung tâm Thông tin y tế Quốc gia nêu lên quan điểm xây dựng đề án với khái niệm về hạ tầng công nghệ thông tin là thành phần quan trọng của hạ tầng số và cũng là nền tàng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin nền tảng bao gồm: hạ tầng phần cứng, hạ tầng dữ liệu và hệ thống công nghệ thông tin nền tảng. Dữ liệu là trung tâm của các hoạt động thuộc Đề án, được thu thập, tiếp nhận, lưu giữ, xử lý, quản lý sử dụng, khai thác để tạo ra giá trị mới trong quản lý nhà nước của Bộ Y tế và hoạt động của ngành Y tế. Hệ thống thông tin quản lý nền tảng vận hành trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu quản lý và đảm bảo dữ liệu” đúng, đủ, sạch, sống”. Nền tảng số y tế quốc gia là phương thức thay đổi hành vi hoạt động của ngành Y tế và người dân trên môi trường mạng Internet, vận hành trên cơ sở kết nối, tích hợp đa dạng hệ thống thông tin phục vụ các giao dịch điện tử trực tuyến và tạo ra các dịch vụ gia tăng lợi ích về sức khỏe cho người dân. Đề án sẽ tuân thủ khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam hướng tới chính phủ số, đảm bảo an toàn thông tin an ninh mạng.
Đề án hướng tới mục tiêu chung là nâng cao năng lực hiệu quả quản lý, hoạt động chuyên môn nghiệp vụ và đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả. Công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế, của các đơn vị y tế trong ngành Y tế được chuyển đổi thực hiện trên môi trường số.
Cùng với đó là những mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ đạt 100% hệ thống thông tin y tế được đảm bảo an toàn thông tin, duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến toàn trình đối với các thủ tục hành chính đủ điều kiện xây dựng thành dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đạt 100% hoạt động chỉ đạo điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất… Đến năm 2030 thì 100% hệ thống thông tin y tế được kiểm tra định kỳ, đánh giá đạt yêu cầu an toàn thông tin, an ninh mạng trong quá trình vận hành sử dụng, khai thác. Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động. 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc hoàn thành triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy.
Bên cạnh những thuật lợi và kết quả đạt được, Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia nêu những khó khăn, thách thức liên quan đến kết nối liên thông, tích hợp giữa các hệ thống thông tin trong ngành Y tế và giữa ngành Y tế với các lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung cấp dịch vụ y tế đa tiện ích cho người dân còn nhiều thách thức; việc đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT, triển khai các ứng dụng và nền tảng số trong y tế đòi hỏi đầu tư lớn; một bộ phận người dân đặc biệt là vùng sâu vùng xa, người cao tuổi còn tâm lý e ngại khi tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế trên nền tảng số.
Đề án cũng đưa ra những nhóm giải pháp liên quan đến việc hoàn thiện thể chế, pháp lý, hạ tầng thông tin dữ liệu y tế, hạ tầng dữ liệu, hệ thông thông tin nền tảng và tổ chức quản lý vận hành, đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng.
Cơ quan soạn thảo cũng đề xuất lộ trình thực hiện cụ thể và đánh giá sơ bộ những tác động của Đề án. Trong năm 2024 sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án, năm 2025 trình Quốc hội đưa vào ngân sách 5 năm. Từ năm 2026 đến 2030 sẽ triển khai thực hiện các hạng mục thuộc Đề án.
"Đề án tổng thể phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT phục vụ chuyển đổi số y tế đến năm 2030” sẽ tác động tích cực đến phát triển ngành Y tế, chiến lược, chính sách, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân ngày một tốt hơn, góp phần khắc phục tồn tại hạn chế hiện nay; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, thu hẹp khoảng cách giữa cấp quản lý, tăng cường tính minh bạch; nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí hành chính, người dân được hưởng lợi. Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đề án một cách hiệu quả, đạt được các mục tiêu đã đề ra./.
- Kinh doanh thuốc trên nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ
- Bảo đảm công tác khám chữa bệnh, cấp cứu trong dịp lễ 30/4 và 1/5