Bộ Y tế tiếp tục cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành 1.151 loại thuốcBộ Y tế yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc giải quyết vụ thai nhi tử vong theo đúng quy định của pháp luậtBộ Y tế yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm về sản xuất, kinh doanh chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Đây là nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Phiên họp thứ 32, chiều 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.

Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, chú trọng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Dược Việt Nam và đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cùng với định hướng cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong hoạt động dược.

Đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 vừa qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành một số Nghị quyết với các biện pháp chưa được Luật quy định hoặc khác với quy định của Luật hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh.

Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương rà soát, tổng kết các quy định có liên quan đến công tác phòng, chống dịch, công tác khám bệnh, chữa bệnh và các quy định khác có liên quan để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung (Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021).

Về cơ sở thực tiễn, Luật Dược được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6/4/2016, thay thế cho Luật Dược năm 2005, đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về dược tại Việt Nam, cơ bản phù hợp với sự phát triển của ngành dược trong xu thế hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật, ngành dược đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, các quy định của pháp luật về dược đã tạo cơ sở pháp lý cho sự phát triển theo hướng công khai, minh bạch, thể hiện tính tiên tiến, hội nhập với các nước trong khu vực và thế giới trong việc quy định các nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trong hoạt động về dược, từ sản xuất, xuất, nhập khẩu, kiểm nghiệm, bán buôn, bán lẻ... bảo đảm chất lượng thuốc đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tiễn, hệ thống pháp luật về dược đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số quy định liên quan về đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc chưa phù hợp chủ trương cải cách hành chính. Một số chính sách phát triển công nghiệp dược chưa tạo được bước đột phá cho công nghiệp dược Việt Nam trong tình hình mới. Một số quy định về quản lý giá thuốc chưa phù hợp thực tiễn cũng như pháp luật về giá mới được ban hành. Một số quy định về kinh doanh, loại hình kinh doanh dược cần điều chỉnh để đáp ứng sự phát triển và xu thế hội nhập…

Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, việc xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết. Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhằm bảo đảm người dân được tiếp cận thuốc chất lượng, kịp thời, giá cả hợp lý; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật trong hoạt động quản lý thuốc, trong đó có việc bảo đảm thuốc cho phòng, chống dịch bệnh và các trường hợp cấp bách phát sinh trong thực tiễn; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động về dược, bảo đảm tăng khả năng tiếp cận thuốc của người dân, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng, việc sửa đổi chính sách để tạo cơ chế ưu đãi tốt hơn, thu hút đầu tư và có những phát triển đột phá trong công nghiệp dược của đất nước là rất cần thiết. Hiện nay, quy mô dân số Việt Nam trên dưới 100 triệu và nhu cầu về thuốc chữa bệnh rất cần thiết, nhưng thực tế ngành công nghiệp dược vẫn còn một khoảng cách với mong muốn phát triển để đáp ứng nhu cầu thuốc của người dân. Với hiện trạng chưa làm chủ được hoàn toàn công nghiệp dược, nên những chính sách đột phá để thúc đẩy sự phát triển công nghiệp dược là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, nội dung dự kiến sửa đổi trong dự thảo luật lần này vẫn dừng ở nguyên tắc, chưa đi vào cụ thể. Khoản 3 Điều 7 quy định "Ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất, nguyên liệu...". Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, dự thảo luật nên bổ sung những chính sách, ưu đãi cụ thể, thu hút đầu tư như thế nào để có thể dễ dàng triển khai, đưa luật vào cuộc sống.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dự thảo luật này không quy định cụ thể thì nghị định của Chính phủ sẽ rất khó quy định khác với những quy định của Luật Đầu tư, cho nên vẫn không tạo được sức thu hút có tính chất đột phá để phát triển công nghiệp dược. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nghiên cứu thêm để có những quy định cụ thể, ưu đãi vượt trội, đủ mạnh để khuyến khích phát triển công nghiệp dược như mục tiêu đã đặt ra.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thuốc là một loại hàng hóa rất đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, an toàn con người, do đó cần tìm điểm cân bằng giữa việc bảo đảm thuận lợi cho người sản xuất với bảo vệ sức khỏe của người dân.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thuốc là một loại hàng hóa rất đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, an toàn con người, do đó cần tìm điểm cân bằng giữa việc bảo đảm thuận lợi cho người sản xuất với bảo vệ sức khỏe của người dân.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc phát triển ngành dược vừa là vấn đề kinh tế, vừa là vấn đề liên quan đến chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân, cần phải được hết sức quan tâm và có chính sách để thúc đẩy phát triển ngành này. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế và Ủy ban Xã hội rà soát lại Quyết định 376 của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/3/2021 về chương trình phát triển công nghiệp dược và dược liệu đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, từ đó luật hóa một số chính sách để khuyến khích ngành này phát triển mạnh hơn nữa.

Đối với nội dung về kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, thuốc là một loại hàng hóa rất đặc biệt, liên quan đến sức khỏe, an toàn con người, do đó cần tìm điểm cân bằng giữa việc bảo đảm thuận lợi cho người sản xuất với bảo vệ sức khỏe của người dân. Việc kinh doanh thuốc trên nền tảng thương mại điện tử cần được kiểm soát chặt chẽ, đánh giá tác động cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Xã hội phối hợp để đưa ra những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này, cân nhắc kỹ dựa trên cơ sở đánh giá lợi ích và rủi ro, hậu quả đối với người bệnh khi mua thuốc trực tuyến, đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới về vấn đề này.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra và sự tham gia thẩm tra, góp ý có trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Về cơ bản, hồ sơ dự án luật được chuẩn bị đảm bảo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo thẩm tra sơ bộ đã nêu cơ bản đầy đủ các vấn đề đặt ra.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt có tác động trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đồng thời đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện, bảo đảm chất lượng của dự án luật khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội theo dõi, đôn đốc việc hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm tra dự án luật tại phiên họp toàn thể Ủy ban, đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng hồ sơ trình Quốc hội./.