ISSN-2815-5823
T.S. Nguyễn Tú Anh, Ban Kinh tế Trung ương
Thứ năm, 20h50 30/05/2024

Bài 1: Về lịch sử, khái niệm kinh tế tập thể và sự vận dụng ở nước ta

(KDPT) - Phát triển kinh tế tập thể góp phần thực hiện chủ trương của Đảng “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.”

LTS

Phát triển kinh tế tập thể là chủ trương xuyên suốt của Đảng ta kể từ khi giành được độc lập đến nay. Tuy nhiên, những thế lực thù địch luôn xuyên tạc chủ trương này, cho rằng kinh tế tập thể là tàn dư của “thời kỳ bao cấp sai lầm”,  và là “nỗi ám ảnh của người dân Việt”, hay như chuyên gia Bùi Kiến Thành nói “Hợp tác xã không phải là mô hình của một nền kinh tế tân tiến”[1]. Những luận điệu hồ đồ này đều nhằm mục đích phủ nhận con đường phát triển nhân văn của Đảng ta, phát triển thực sự vì con người, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Loạt bài viết này nhằm cung cấp những luận cứ khách quan về sự phát triển kinh tế tập thể trên thế giới để khẳng định rằng kinh tế tập thể là một thành phần không thể thiếu của kinh tế thị trường, là công cụ để giúp những người yếu thế trong nền kinh tế thị trường có thể cạnh tranh bình đẳng với các tập đoàn hùng mạnh, qua đó hạn chế bất công, bất bình đẳng trong hoạt động kinh tế theo cơ chế thị trường. Phát triển kinh tế tập thể góp phần thực hiện chủ trương của Đảng “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.” 

Kinh doanh và Phát triển gửi tới quý bạn đọc loạt bài viết "Kinh tế tập thể là thành phần không thể tách rời của kinh tế thị trường" của T.S. Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương.

T.S. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
T.S. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương

Bài 1: Về lịch sử, khái niệm kinh tế tập thể và sự vận dụng ở nước ta

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Quan điểm về thành phần kinh tế của Lê Nin và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời kỳ quá độ (TKQĐ) là một giai đoạn chuyển tiếp từ một hình thái kinh tế xã hội cũ sang một hình thái kinh tế xã hội mới. Để tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) thì các nền kinh tế đều phải trải qua thời kỳ chuyển tiếp này. Tính quy luật chung về kinh tế của mỗi quốc gia dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, là phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, quan điểm này được Lênin đưa ra trong Chính sách kinh tế mới, để thay thế cho Chính sách cộng sản thời chiến đã lạc hậu và kìm hãm sự phát triển kinh tế. Đồng thời, Lênin đưa ra các thành phần kinh tế chủ yếu trong thời kỳ quá độ lên CNXH là: Kinh tế nông dân kiểu gia trưởng; sản xuất hàng hóa nhỏ; chủ nghĩa tư bản tư nhân; chủ nghĩa tư bản nhà nước và chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình thực hiện chính sách kinh tế mới, Lênin luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của thành phần kinh tế chủ nghĩa tư bản nhà nước, sử dụng chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới hình thức tô nhượng, hợp tác xã, tư nhân đại lý, cho tư nhân thuê cơ sở sản xuất v.v… được xem là “chiếc cầu nhỏ vững chắc xuyên qua” chủ nghĩa tư bản để đi vào chủ nghĩa xã hội. Về kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, điểm xuất phát trong quá trình xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là phải đáp ứng lợi ích kinh tế cho đại đa số nông dân, mà trước hết là từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dựa vào khôi phục và phát triển kinh tế tiểu nông để khôi phục và phát triển đại công nghiệp. Ngay Đại hội X Đảng cộng sản bolshevik (bôn-sê-vích) Nga, Lênin đã yêu cầu chính quyền Xô viết phải nhanh chóng phát triển nền sản xuất tiểu nông bằng cách khuyết khích nền kinh tế nông dân cá thể với những biện pháp “quá độ”, những hình thức “trung gian” có khả năng cải tạo nông dân, đổi mới nông thôn và chuyển đổi nền kinh tế tiểu nông của những người nông dân cá thể thành nền sản xuất tập thể có tính xã hội chủ nghĩa, diễn ra một cách tuần tự, có tính kế thừa, thận trọng.

Kế thừa và vận dụng sáng tạo quan điểm của Các Mác - Ăngghen, Lênin về những vấn đề kinh tế - chính trị trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thời kỳ quá độ là một thời kỳ lâu dài và gian khổ, là cuộc đấu tranh gay ro và kịch liệt, giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới trong cả một quá trình chuyển chế độ này biến thành một chế độ khác. Chính vì vậy Người cho rằng cần phải có những bước đi thích hợp trong TKQĐ lên CNXH “bước ngắn, bước dài, tuỳ theo hoàn cảnh” nhưng “chớ ham làm mau, ham rầm rộ… đi bước nào vững chắc bước ấy, cứ tiến dần dần.”. Do đó trên con đường quá độ đi lên CNXH cần phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Người đã chỉ ra những thành phần kinh tế trong vùng tự do trước năm 1954 ở nước ta bao gồm: Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế cá nhân của nông dân và của thủ công nghệ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản quốc gia. Khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng đi lên CNXH, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế cụ thể tương ứng. Sở hữu Nhà nước, sở hữu tập thể và sở hữu tư nhân; tương ứng với ba loại hình sử hữu đó là năm thành phần kinh tế: Kinh tế quốc doanh; các hợp tác xã; kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ; tư bản tư nhân; tư bản nhà nước. Trong các thành phần kinh tế nêu trên thì thành phần kinh tế quốc doanh là thành phần kinh tế lãnh đạo.

Tuy nhiên, trước đổi mới tháng 12 năm 1986 ở nước ta thực chất chỉ phát triển hai thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể dựa trên hai hình thức sở hữu Nhà nước và tập thể. Việc chỉ nhấn mạnh vào sở hữu nhà nước và sở hữu tập thể mà bỏ qua sở hữu tư nhân đã làm mất đi một động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nhiều nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không được giải phóng. Tuy nhiên việc quy kết cho kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước là nguyên nhân của sự trì trệ kinh tế trước những năm đổi mới cũng hoàn toàn sai lầm, mỗi thành phần kinh tế đều có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và thực tiễn phát triển kinh tế nước ta từ khi đổi mới đến nay đã chứng minh quan điểm đúng đắn này của Đảng ta.

Hợp tác xã Hồng Hà (xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có hơn 15ha sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ - Ảnh: TTXVN
Hợp tác xã Hồng Hà (xã Bằng Phúc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) có hơn 15ha sản xuất chè Shan tuyết theo hướng hữu cơ - Ảnh: TTXVN

Thực tiễn vận dụng sáng tạo quan điểm của Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh về thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta

Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tháng 12 năm 1986 Đảng ta đã có sự lựa chọn sáng suốt, đúng đắn khi quyết định chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thực tiễn hơn 35 năm Việt Nam phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng minh sự lựa chọn đúng đắn này.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, tháng 12 năm 1986 - Đại hội đổi mới - Đảng xác định 5 thành phần kinh tế chủ yếu: 

Kinh tế XHCN (Quốc doanh, tập thể, gia đình), Kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ, Kinh tế tự túc, tự cấp, Kinh tế tư bản nhà nước và kinh tế tư bản tư nhân

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) Đảng ta tiếp tục xác định 05 thành phần kinh tế: Kinh tế quốc doanh, Kinh tế tập thể, Kinh tế cá thể, Kinh tế tư nhân, và Kinh tế tư bản nhà nước. Nghị Quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII chỉ rõ: “Từ các hình thức sở hữu cơ bản sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân hình thành nhiều thành phần kinh tế với những hình thức tổ chức kinh doanh đa dạng, đan xen, hỗn hợp”

Đại hội VIII (năm 1996) có 05 thành phần kinh tế: Kinh tế nhà nước, Kinh tế hợp tác xã, Kinh tế cá thể, tiểu chủ, Kinh tế tư bản tư nhân và Kinh tế tư bản nhà nước, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX nêu ra 6 thành phần kinh tế cơ bản. 

Tại Đại hội IX (năm 2001), gồm có 6 thành phần kinh tế: Thành phần kinh tế nhà nước, Thành phần kinh tế hợp tác xã, Thành phần kinh tế cá thể tiểu chủ, Thành phần kinh tế tư bản tư nhân, Thành phần kinh tế tư bản nhà nước, và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; Kinh tế hỗn hợp (thuộc sở hữu cổ phần). 

Tại Đại hội X (năm 2006), gồm có 5  thành phần kinh tế: Thành phần kinh tế nhà nước, Thành phần kinh tế tập thể, Thành phần kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản tư bản tư nhân), Thành phần kinh tế tư bản nhà nước, và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.Như vậy Đại hội X chỉ khác Đại hội IX ở chỗ đã sát nhập hai thành phần kinh tế kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư bản tư nhân thành một thành phần đó là kinh tế tư nhân, là vì hai thành phần này có điểm chung giống nhau là đều dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Tại Đại hội XI (năm 2011), gồm có 4 thành phần kinh tế: Thành phần kinh tế nhà nước; Thành phần kinh tế tập thể; Thành phần kinh tế tư nhân (gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản  tư nhân)  và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Từ Đại hội XII (năm 2016), Đảng ta chủ yếu nhấn mạnh đến 4 thành phần kinh tế sau: Thành phần kinh tế nhà nước; Thành phần kinh tế tập thể; Thành phần kinh tế tư nhân (gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ, tư bản  tư nhân) và Thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Như vậy các thành phần kinh tế có thể thay đổi trong từng thời kỳ đổi mới nhưng kinh tế tập thể luôn được Đảng ta khẳng định là một thành phần không thể thiếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hợp tác tập thể là hình thức tổ chức phổ quát nhất được biết đến ngày nay. Trên thực tế hình thức này được tất cả các nước và mọi người vận dụng bằng những cách khác nhau.

Trong một nền kinh tế thị trường đòi hỏi mọi cá thể đều phải cạnh tranh. Tuy nhiên do điều kiện, lợi thế của mỗi con người khi sinh ra đã khác nhau. Do đó cạnh tranh ngay từ đầu đã không bình đẳng. Những người có lợi thế từ vạch xuất phát có xu hướng dễ dàng thắng cuộc trong cạnh tranh và nhờ đó họ dễ dàng củng cố lợi thế cho mình và loại bỏ đối thủ cạnh tranh (người giàu sẽ càng giàu hơn, và sẽ sử dụng sức mạnh của sự giàu có để tìm kiếm quyền lực khác trong xã hội, do đó lại càng mạnh mẽ hơn. Trong khi người yếu thế từ đầu rất dễ thua cuộc và sẽ ngày càng phải đối đầu với những bất lợi ngày càng tăng. Để khắc phục xu hướng này những người yếu thế đã biết tập hợp lại với nhau để tạo nên sức mạnh tập thể có thể cạnh tranh với những người quyền thế và giàu có. Hình thức hợp tác tập thể đầu tiên đó là cùng góp vốn để tạo nên một thực thể đủ mạnh (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, hợp danh, v.v…). Hình thức tổ chức doanh nghiệp dựa trên góp vốn của nhiều người chính là hình thức hợp tác đối vốn. Hình thức này sẽ tạo ra một thực thể độc lập cạnh tranh, tạo lợi nhuận cho chính nó và sau đó lợi nhuận được phân chia dựa trên tỷ lệ góp vốn của các thành viên.

Hình thức tổ chức doanh nghiệp có những điểm yếu của nó: (i) quá đề cao vấn đề cạnh tranh do đó có thể đánh mất các giá trị cộng đồng và xã hội; (ii) những người yếu thế không dễ dàng gia nhập thị trường do những người có lợi thế cạnh tranh luôn có xu hướng hạn chế cạnh tranh; (iii) những doanh nghiệp nhỏ, kinh tế hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể sẽ gặp bất lợi rất nhiều trong thị trường do những điểm yếu cố hữu của họ như thiếu vốn, thiếu kỹ năng quản trị, quy mô nhỏ, không đủ chi phí để thực hiện các hoạt động marketing, năng lực đàm phán thấp khi phải đàm phán với các doanh nghiệp lớn để mua đầu vào hoặc để bán sản phẩm đầu ra,…

Như vậy, với các hình  thức tổ chức doanh nghiệp theo cơ chế thị trường thuần túy đã tạo ra những “thất bại của thị trường”, đẩy những người yếu thế vào tình thế ngày càng yếu thế. Đây chính là lý do để hình thành nên các tổ chức kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bài 1: Về lịch sử, khái niệm kinh tế tập thể và sự vận dụng ở nước ta - ảnh 3

Lịch sử ra đời và phát triển các hợp tác xã, kinh tế tập thể

Nước Anh là cái nôi của chủ nghĩa tư bản, là nơi luôn đề cao chủ nghĩa thị trường tự do nhưng đồng thời cũng là nơi hình thành nên những hợp tác xã đầu tiên. Những người thợ dệt và những công nhân khác trong ngành dệt tại Anh là những người đầu tiên thành lập nên các hợp tác xã để nâng cao điều kiện kinh tế và xã hội của họ. Ngày 21/12/1844 một nhóm gồm 28 công nhân (chủ yếu là thợ dệt Lannen) tại Rochdale Lancashire đã thành lập một hội gọi là “Hội Những người tiên phong bình đẳng” (Society of Equitable Pioneers). Họ đã mở một cửa hàng nhỏ tại Rochdale Lancashire với vốn góp ban đầu là 28 Bảng Anh để bán bột mỳ, lúa mạch, bơ, sữa, và nến cho những thành viên của hội. Hội đã đưa ra những nguyên tắc hoạt động khác hẳn với nguyên tắc hoạt động của các doanh nghiệp hiện thời. Mô hình của tổ chức của Hội này đã thành công và lan rộng ra khắp nước Anh và nguyên tắc tổ chức của hội này được đặt tên gắn với thị trấn Rochdale, được biết đến với tên nguyên tắc Rochdale như ngày nay.

Các nguyên tắc cơ bản của hình thức tổ chức kinh doanh của Hội này được xây dựng dựa trên thực tế hoạt động của những người tiên phong.

Mọi người đều có quyền tham gia tổ chức kinh doanh này không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quan điểm chính trị hay tổ chức mà họ làm việc.

  • Quản lý dân chủ theo nguyên tắc mỗi thành viên chỉ được một phiếu, cho dù họ có đầu tư ít hay nhiều cho tổ chức.
  • Hạn chế chia lợi nhuận theo vốn góp và mức chia không được vượt quá một ngưỡng giới hạn được định trước.
  • Tiết kiệm kiếm được từ hoạt động kinh doanh sẽ định kỳ được phân chia cho các thành viên theo mức độ cống hiến của thành viên cho tổ chức (thường xét theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của tổ chức).
  • Tổ chức giữ quan điểm trung lập đối với các vấn đề liên quan đến chính trị, tôn giáo.
  • Kinh doanh chủ yếu thực hiện bằng tiền mặt
  • Sản phẩm và dịch vụ được mua bán với giá thị trường hiện hành.
  • Thúc đẩy đào tạo trong tổ chức cho sự phát triển liên tục của tổ chức.

Nguyên tắc tổ chức hợp tác xã (với một số sửa đổi tại các nước khác nhau) đã nhanh chóng lan truyền khắp Châu Âu. Gần như đồng thời tại Đức đã hình thành “Ngân hàng nhân dân” một hợp tác xã tín dụng cho các thành viên. Rồi từ đó các Hợp tác xã tín dụng lại lan nhanh ra các nước khác tại Châu Âu và các nước châu Á như Parkistan, Bangladesh, Ấn Độ với các nguyên tắc và hình thức có thể khác nhau đôi chút.

Tại Argentina, Đan Mạch, Nauy các hợp tác xã chuyên về marketing các sản phẩm nông sản cho các thành viên đã rất phát triển và hỗ trợ rất tốt cho người nông dân đưa sản phẩm ra thị trường.

Tại Mỹ hợp tác xã tiêu dùng đầu tiên được hình thành vào năm 1845 (một năm sau Rochdale). Một người thợ may tại Boston tên là John Kaubach đã thành lập một hợp tác xã để mua và phân phối các đầu vào cho các hộ gia đình là thành viên. Ngày nay các nhóm hợp tác xã quan trọng nhất tại Mỹ là các HTX marketing của những người nông dân, HTX chung mua nguyên liệu đầu vào và các HTX tín dụng.

Trong thế chiến thứ hai, hầu hết các HTX ở Châu Âu bị tổn thất nặng nề về con người và vật chất. Tuy nhiên sau khi chiến tranh kết thúc thì các HTX lại phát triển mạnh mẽ. Theo khảo sát năm 1959 của Liên Minh HTX quốc tế thì 153,3 triệu thành viên trong hơn 500 nghìn các tổ chức kinh tế tập thể tại 49 nước (không kể các nước thuộc phe XHCN).

Ngày nay hình thức kinh tế tập thể phát triển trên khắp thế giới. Hầu như tất cả các nước trên thế giới đều có kinh tế tập thể với mức độ ảnh hưởng đáng kể. Theo báo cáo của Liên Minh HTX quốc tế thì hiện nay có khoảng 12% dân số trên thế giới là thành viên của một trong hơn 300 triệu tổ chức kinh tế tập thể nào đó. Các tổ chức kinh tế tập thể cung cấp khoảng 10% việc làm cho người lao động toàn cầu. Trong 300 HTX lớn nhất thế giới đã tạo ra doanh thu 2171 tỷ USD năm 2020 trong khi cung cấp các dịch vụ và hạ tầng thiết yếu cho xã hội phát triển.[2] Trong 300 HTX này thì chủ yếu là các HTX tại các nước phát triển theo kinh tế thị trường: Mỹ 71 HTX, các nước Tây Âu 168 HTX, Nhật Bản 22 HTX. Các HTX tại các nước đang phát triển là khá nhỏ.

Phân bố 300 HTX có doanh thu lớn nhất thế giới năm 2020. Nguồn: Báo cáo World Cooperative Monitor
Phân bố 300 HTX có doanh thu lớn nhất thế giới năm 2020. Nguồn: Báo cáo World Cooperative Monitor

Hình thức kinh tế tập thể được hình thành để đảm bảo tiếp cận tín dụng giá rẻ, đảm bảo việc mua các thiết bị và đầu mà các hộ gia đình và các trang trại cần với giá cạnh tranh, cùng thực hiện marketing sản phẩm, thậm chí để cùng nhau đảm bảo các nguồn cung ứng khác như điện, thủy lợi, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm. Hình thức hợp tác tập thể có thể vận dụng bằng rất nhiều cách khác nhau để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của người dân.

Trong 10 HTX lớn nhất năm 2020 thì có 03 HTX hoạt động trong lĩnh vực tài chính, 03 HTX hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, 02 HTX nông nghiệp và 02 HTX bảo hiểm. HTX lớn nhất năm 2020 là Liên hiệp HTX Groupe Credit Agricole ở Pháp, hoạt động trong lĩnh vực tài chính - tín dụng, doanh thu năm 2020 là 88,97 tỷ USD (đây là năm bị ảnh hưởng bởi Covid-19, năm 2017 thì doanh thu của LH HTX này là 96,25 tỷ USD) và tổng số nhân viên khoảng 142.159 người. Đứng thứ hai là Liên hiệp HTX REWE Group của Đức, hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với doanh thu năm 2020 là 77,93 tỷ USD và số lượng nhân viên hoạt động vào thời điểm đó là 256.162 người. Đứng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp là Liên hiệp HTX Zen-Noh ở Nhật Bản, với doanh thu là 57,69 tỷ USD và 27.594 nhân viên và Liên hiệp HTX này cũng đứng thứ tư trong 300 HTX lớn nhất. Đứng thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp và là thứ 9 trong 300 HTX lớn nhất là Liên hiệp HTX Nonghyup (NACF) ở Hàn Quốc, với doanh thu năm 2020 là 44,81 tỷ USD và số nhân viên là 27774 người.   

Như vậy có thể thấy, HTX không phải chỉ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp mà có thể hoạt động đa dạng trong các lĩnh vực khác nhau. Đồng thời HTX không nhất thiết phải có quy mô nhỏ mà trên thực tế các HTX có thể liên kết với nhau thành các Liên hiệp HTX quy mô rất lớn có ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế trên cả khía cạnh việc làm và thu nhập.

Khái niệm về kinh tế tập thể

Sự phát triển về khái niệm kinh tế tập thể ở nước ta từ đổi mới đến nay

Quan điểm về các thành phần kinh tế trong một nền kinh tế nhiều thành phần ở nước ta từ đổi mới đến nay có những thay đổi qua các kỳ đại hội.

Trong đó khái niệm kinh tế tập thể đã được đề cập đến tại đại hội VI và đai hội XII với nhấn mạnh phát triển kinh tế tập thể trên nguyên tắc tự nguyện. Cách phân chia thành phần kinh tế trong thời kỳ này dựa trên chế độ sở hữu và trong từng chế độ sở hữu lại chia theo chủ thể nắm quyền sở hữu. Tại Đại hội VI Kinh tế xã hội chủ nghĩa bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể đều dựa trên sở hữu của nhà nước về tư liệu sản xuất (các hợp tác xã cũng dựa trên tư liệu sản xuất do sở hữu nhà nước giao). Các thành phần kinh tế khác dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất lại được chia thành kinh tế tiểu sản xuất hàng hoá; kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế tự nhiên, tự cấp, tự túc.

Tại Đại hội VII cùng với sự phát triển các hình thức sở hữu hỗn hợp: nhà nước góp vốn cùng tư bản tư nhân trong nước và nước ngoài, tư nhân cùng tự nguyện tham gia hợp tác xã theo tinh thần tự nguyện góp tài sản của mình vào HTX nên thành phần kinh tế XHCN đã tách thành kinh tế quốc doanh (bao gồm các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn), kinh tế tập thể (thực chất là các hợp tác xã được nhà nước giao lại cho các xã viên tự quản lý), và kinh tế tư bản nhà nước (dựa trên sở hữu hỗn hợp giữa nhà nước với tư bản tư nhân trong và ngoài nước). Các thành phần kinh tế dựa trên sở hữu tư nhân được chia thành kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư nhân.

Sang Đại hội VIII khái niệm kinh tế tập thể không còn được sử dụng mà thay vào đó là khái niệm kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã. Kinh tế quốc doanh được định nghĩa lại là kinh tế nhà nước. Kinh tế hợp tác và khái niệm hợp tác xã thời kỳ này có sự chồng chéo với khái niệm doanh nghiệp khi cho phép “các xã viên góp vốn cổ phần và sức lao động vào HTX và phân phối theo kết quả lao động và theo cổ phần”. Quan niệm về HTX thời kỳ này đã tách rời nguyên tắc đối nhân của HTX và trong nghĩa đó thì HTX chỉ là một dạng doanh nghiệp.

Từ Đại hội IX năm 2001 khái niệm kinh tế hợp tác được bãi bỏ và khái niệm kinh tế tập thể được sử dụng lại. Tuy nhiên nội hàm kinh tế tập thể là gì cho đến nay vẫn chưa được minh định cụ thể, mà chỉ nêu chung về hợp tác xã. Nghị quyết 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa XI năm 2002 đã nêu “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn (trừ một số lĩnh vực có quy định riêng); phân phối theo lao động, theo vốn góp và mức độ tham gia dịch vụ; hoạt động theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, cả người ít vốn và nhiều vốn, cùng góp vốn và góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng cùng có lợi và quản lý dân chủ”. Như vậy quan niệm về kinh tế tập thể vẫn chưa được cụ thể và vẫn có sự chồng lấn với hình thức kinh tế cá thể hoặc doanh nghiệp, khi vẫn giữ nguyên tắc phân phối theo vốn góp là nguyên tắc cơ bản của tư bản tư nhân.

Khái niệm HTX kiểu mới dựa trên quan hệ đối nhân như quan niệm ban đầu về kinh tế tập thể trên thế giới lần đầu tiên được nêu ra tại đại hội XI năm 2011 và là căn cứ để xây dựng Luật HTX 2013 sửa đổi Luật HTX 2003. Mặc dù cho đến nay khái niệm Kinh tế tập thể vẫn chưa được định nghĩa chính thức mà chủ yếu xoay quanh khái niệm hợp tác xã, nhưng Luật HTX 2013 đã lần đầu pháp điển hóa khái niệm hợp tác xã theo đúng nghĩa nguyên thủy của hợp tác xã. “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã[3]. “…Thu nhập của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được phân phối chủ yếu theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc theo công sức lao động đóng góp của thành viên đối với hợp tác xã tạo việc làm[4]. Như vậy việc phân phối thu nhập theo vốn góp đã được loại bỏ để trả về đúng ý nghĩa hợp tác đối nhân của hợp tác xã.

Nghị quyết 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII khái niệm kinh tế tập thể lần đầu tiên được mô tả chi tiết các đặc trưng. “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã...) trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các liên hiệp hợp tác xã, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn. Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn.

- Kinh tế tập thể phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức kinh tế tập thể.”

Có thể thấy, khái niệm kinh tế tập thể trong Nghị quyết 20-NQ/TW đã được đặc trưng hóa khá cụ thể. Tuy nhiên khái niệm về kinh tế tập thể vẫn chưa được minh định rõ ràng khi Nghị quyết 20-NQ/TW vừa khẳng định nguyên tắc tổ chức hoạt động của kinh tế tập thể là không phụ thuộc vào vốn góp, vừa chấp nhận phân phối lợi ích theo vốn góp.

Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị. Ảnh minh họa
Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025 ưu tiên xây dựng các mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị. Ảnh minh họa

Sự khác biệt giữa kinh tế tập thể và các loại hình kinh doanh khác

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tập thể tại các nền kinh tế thị trường tự do như Anh, Hà Lan, Đức, Mỹ cho thấy kinh tế tập thể là mảnh ghép không thể thiếu của kinh tế thị trường. Để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế thị trường thì các hình thức phổ biến là đó là: (i) thành lập công ty theo các loại hình khác nhau (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn (một thành viên, 2 thành viên trở lên), công ty tư nhân (chịu trách nhiệm bằng tài sản cá nhân), công ty hợp danh; (ii) hộ kinh doanh cá thể; (iii) tự doanh không đăng ký. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, những người tự doanh rất bất lợi trong việc đàm phán mua các yếu tố đầu vào và bán các sản phẩm đầu ra. Từ đây xuất hiện nhu cầu những người yếu thế này tập hợp lại với nhau để tạo nên sức mạnh tập thể để nâng cao năng lực đàm phán, cùng giúp nhau phát triển trong môi trường cạnh tranh khốc liệt. Lựa chọn thứ nhất, họ có thể sáp nhập lại với nhau để tạo nên một thực thể lớn hơn về quy mô, mạnh hơn về nguồn lực. Tuy nhiên đây là một lựa chọn phức tạp vì nó đòi hỏi phải đạt được sự đồng thuận giữa các bên về cơ chế đóng góp, cơ chế phân phối lợi ích, cơ chế phân cấp phân quyền của các bên. Ví dụ 10 hộ gia đình trồng bưởi họ đang làm chủ vườn bưởi của họ và họ đang bị bất lợi trong việc mua phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, bất lợi trong việc bán hàng cho các siêu thị, các nhà phân phối lớn. Do đó họ có thể sáp nhập lại với nhau để thành lập một doanh nghiệp nhỏ sản xuất và kinh doanh bưởi để nâng cao năng lực đàm phán với các nhà cung ứng phân bón, thuốc trừ sâu, dịch vụ và các siêu thị. Tuy nhiên ai sẽ làm giám đốc của doanh nghiệp này, cơ chế quản trị doanh nghiệp này như thế nào, cơ chế phân phối lợi nhuận ra sao, v.v…là những vấn đề phức tạp vượt quá khả năng xử lý của các hộ gia đình này. Đồng thời rất nhiều người vẫn muốn giữ sự độc lập nhất định hoạt động kinh doanh bưởi của họ.

Hình thức kinh tế tập thể có thể giải quyết các nhu cầu và mâu thuẫn này. Theo đó những người yếu thế có thể cùng nhau thành lập nên một HTX trong đó mọi người đều bình đẳng với nhau, mỗi người có một phiếu bầu không phân biệt mức độ đóng góp vốn của họ. Mục đích của HTX không phải là để mang lại lợi nhuận để rồi phân chia cho từng người (nếu là mục đích lợi nhuận và để phân chia thì đây chính là hình thức tổ chức doanh nghiệp và sẽ không ai chấp nhận góp vốn nhiều lại được hưởng như người góp vốn ít cả) mục đích của HTX đó chính là tạo ra sức mạnh tập thể để đàm phán với những đối tác khác trên thị trường, qua đó tạo lợi thế cho từng thành viên trong hoạt động, sản xuất và tiêu dùng. Ví dụ, những người tiêu dùng ở một thị trấn có thể thấy họ phải mua hàng của các cửa hàng, siêu thị trong thị trấn với giá đắt mà chất lượng không được bảo đảm, họ có thể cùng nhau lập nên một HTX mua bán. HTX này sẽ hoạt động như một siêu thị nhưng chủ yếu để cung ứng hàng hóa cho các xã viên với giá cạnh tranh và đảm bảo chất lượng. Như vậy từng người tiêu dùng riêng lẻ đã không thể đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho họ với giá rẻ và có chất lượng nhưng cùng nhau tạo nên HTX họ đã có thể tạo nên một thực thể có thể đàm phán mua bán đầu vào giá rẻ, có nguồn gốc, có chất lượng để về phân phối cho từng xã viên. Như vậy doanh thu của HTX chủ yếu là do các xã viên mua dịch vụ tạo ra vì vậy lợi nhuận cần phải phân chia theo mức độ sử dụng dịch vụ của từng xã viên. Tương tự, 10 hộ gia đình trồng bưởi ở trên có thể cùng nhau lập nên một HTX để HTX thay mặt họ đi mua phân bón, thuốc trừ sâu, các dịch vụ chăm sóc cây để về phân phối lại cho từng xã viên theo giá cạnh tranh với chất lượng đảm bảo. HTX này cũng có thể thực hiện các chức năng Marketing, đảm bảo chất lượng đầu ra, bán hàng của các xã viên cho các siêu thị, người mua sỉ v.v…

Như vậy qua HTX các xã viên vẫn giữ được sự độc lập của cơ sở sản xuất của mình nhưng lại có được sức mạnh đàm phán tập thể của HTX trong việc mua đầu vào và bán đầu ra sản phẩm và dịch vụ của mình.

Ý nghĩa của kinh tế tập thể đó là những cá nhân không có quyền lực, bị cô lập có thể tập hợp cùng nhau để dành lấy những lợi thế mà người giàu và người có quyền lực đang có, nhờ đó họ có thể cùng phát triển cả về vật chất và tinh thần.  

  • Một tổ chức kinh doanh thông thường là một liên kết tư bản (vốn) còn kinh tế tập thể là một liên kết giữa những con người.
  • Mục đích chính của một tổ chức kinh doanh thông thường là tối đa hóa lợi nhuận nhưng HTX và các tổ chức kinh tế tập thể khác thì mục đích chính là cung cấp dịch vụ cho các thành viên với giá thành rẻ (không vì mục đích lợi nhuận cho bản thân HTX)
  • Đối với các tổ chức kinh doanh thông thường thì hầu hết đều có xu hướng hạn chế số lượng người chủ sở hữu (hoặc quyền quyết định tại tổ chức), trong khi các HTX và các tổ chức kinh tế tập thể khác đều áp dụng chính sách thành viên mở một cách nhất quán (không hạn chế số lượng thành viên tham gia).
  • Đối với doanh nghiệp thì quyền kiểm soát đối với doanh nghiệp dựa trên số cổ phần mà một người nắm (một cổ phần một phiếu, người hoặc nhóm người nắm giữ số lượng cổ phần chi phối có thể kiểm soát toàn bộ doanh nghiệp). Trong khi tại các HTX và hình thức kinh tế tập thể khác thì mỗi thành viên chỉ có một phiếu không phụ thuộc vào số vốn mà thành viên đó góp vào HTX.
  • Cổ tức của mỗi cố phiếu phụ thuộc vào lợi nhuận mà doanh nghiệp kiếm được và chính sách chia cổ tức của ban quản trị doanh nghiệp. Tại HTX và các hình thức kinh tế tập thể khác lãi của vốn góp là một tỷ lệ cổ tức khiêm tốn và cố định.
  • Trong doanh nghiệp giá trị thặng dư thuộc về doanh nghiệp, trong kinh tế tập thể giá trị thặng dư thuộc về các thành viên.
  • Trong doanh nghiệp phân chia lợi nhuận theo mức độ vốn góp trong kinh tế tập thể phân chia lợi nhuận (nếu có) theo mức độ sử dụng dịch vụ của các thành viên.
  • Các cổ phiếu trong doanh nghiệp có thể được mua bán trên thị trường chứng khoán để đầu cơ; phần góp trong HTX thì được giữ theo tên của các thành viên và không được mua bán theo mục tiêu đầu cơ.

Như vậy có thể hiểu kinh tế tập thể là “một tổ chức xã hội được thành lập để bảo vệ những người yếu thế trong cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường tạo sự công bằng trong cạnh tranh. Tổ chức được thành lập dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động; không hạn chế số lượng thành viên tối đa tham gia. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ”.

Tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển như Hà Lan có tới hơn 2500 HTX và đóng góp đến 18% GDP? Tại Mỹ có khoảng 29000 HTX đang hoạt động trên tất cả các lĩnh vực và tạo ra hơn 2 triệu việc làm mỗi năm. Đây là bằng chứng rất mạnh mẽ cho thấy KTTT không hề mâu thuẫn với kinh tế thị trường, mà ngược lại còn bổ sung rất tốt cho kinh tế thị trường và hoạt động rất tốt trong môi trường kinh tế thị trường.

(Trong bài viết tiếp theo, Kinh doanh và Phát triển sẽ giới thiệu tới độc giả các vấn đề xoay quanh vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường; thực trạng và một số giải pháp nhằm phát triển kinh tế tập thể tại Việt Nam).

Chú thích
[1] Đảng lại kiên định với “Kinh tế tập thể, Hợp tác xã” ! — Tiếng Việt (rfa.org), báo của Việt Tân,…

[2] WCM_2022.pdf (monitor.coop)

[3] Khoản 1, điều 3 Luật Hợp tác xã 2013

[4] Khoản 5 điều 7 Luật Hợp tác xã 2013

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024