Chuyên gia Dragon Capital chỉ ra 3 yếu tố giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng
Với nhiều động lực mới xuất hiện kể từ cuối năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận mức tăng ấn tượng đến 13,6% trong quý I/2024. Tuy nhiên, diễn biến về tình hình vĩ mô thế giới, Việt Nam cũng như xu hướng chuyển động của dòng tiền trên thị trường đang khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn.
Trong chia sẻ mới đây, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Khối đầu tư Dragon Capital đã đưa ra góc nhìn trên bình diện thế giới và cả trong nước.
Về bối cảnh thế giới, các số liệu đều cho thấy sức khỏe kinh tế Mỹ vẫn đang tốt và khó có một cuộc khủng hoảng ở nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, các quốc gia khu vực Châu Âu đang có những vấn đề riêng và kinh tế không tăng trưởng như kỳ vọng.
Điều này khiến sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ giữa các nước dần tăng lên. Các thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng tỏ ra thận trọng hơn trong khả năng cũng như số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Nhiều dự đoán cho rằng có thể Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất tối đa 2 lần trong năm 2024. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ đã tiên phong trong việc cắt giảm lãi suất, Ngân hàng trung ương Châu Âu, Anh và Canada có thể cũng cắt lãi suất sớm và mạnh hơn Fed.
Chuyên gia cho biết, trong giai đoạn cuối của chu kỳ tăng lãi suất, đồng USD thường mạnh lên và ảnh hưởng đến đồng tiền của các thị trường mới nổi. Ông Tuấn cho rằng, xung đột địa chính trị tại Trung Đông có thể không lan rộng nhưng sẽ tạo nên biến động mới của giá dầu. Và việc giá dầu có thể neo cao và lâu hơn so với kỳ vọng sẽ tác động trực tiếp đến lạm phát.
Về bối cảnh trong nước, nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình hồi phục với nhiều tín hiệu rõ nét ở nhiều lĩnh vực, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt từ 6-6,5%. Cùng với đó, định hướng rõ ràng từ Chính phủ là tiếp tục nới lỏng, hỗ trợ kinh tế phục hồi là một điểm sáng.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những bất ổn trên thế giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam. Sự chênh lệch lãi suất âm, hay biến động của thị trường vàng và tiền điện tử có thể sẽ gây áp lực lên tỷ giá. Vị chuyên gia Dragon Capital cho rằng, áp lực tỷ giá có thể khiến lãi suất tạo đáy trong tháng 3, sau khi đã giảm 70-90 điểm kể từ đầu năm 2024.
Về trụ cột của nền kinh tế và thị trường chứng khoán, ông Lê Anh Tuấn nhận định đến từ 3 yếu tố bao gồm: Ổn định vĩ mô, chính sách tiền tệ và tăng trưởng lợi nhuận.
Thứ nhất, ổn định vĩ mô được thể hiện qua các chỉ số kinh tế như dịch vụ năng lực cảng hàng không, tiêu dùng thiết yếu và không thiết yếu đã phục hồi kể từ quý 3 năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ giá gây áp lực chủ yếu do chênh lệch lãi suất VND-USD ở mức âm, bất ổn ở thị trường vàng và tiền số. Mặc dù đồng VND không mất giá quá nhiều so với khu vực, nhưng ngưỡng mất giá 3-4% cũng cần được quan sát.
Thứ hai, chính sách tiền tệ. Có thể thấy, áp lực tỷ giá khiến Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu trở lại, dẫn tới lãi suất thị trường OMO tăng từ 1-4%. Dragon Capital cho rằng mức lãi suất này vẫn sẽ duy trì trong thời gian khá dài, có thể 1-2 tháng chờ lạm phát Mỹ có tín hiệu bình ổn trở lại. Để tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá với lãi suất, lãi suất tiền gửi trong nước có thể tăng 50-150 điểm trong vòng 3-6 tháng tới. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh chính sách tiền tệ vẫn sẽ duy trì nới lỏng, lãi suất chỉ thay đổi từ mức “cực kỳ thấp” về duy trì mức “thấp”.
Thứ ba, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp. Chuyên gia Dragon Capital nhận định, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục cho thấy những tín hiệu phục hồi rõ nét với nền tảng cả chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng. Lợi nhuận doanh nghiệp đã phản ánh sự phục hồi kinh tế. Dự phóng lợi nhuận sau thuế của top 80 doanh nghiệp ở mức tăng trưởng khoảng 15-18% trong năm 2024. Theo kết quả sơ bộ quý 1 của 40 công ty trong top 80 đều ghi nhận lợi nhuận quý 1 tăng 21% so với cùng kỳ.
Ông Lê Anh Tuấn cho rằng, 3 yếu tố trên cộng lại sẽ có đợt tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn 2020-2021. Năm 2023 hội tụ đầy đủ yếu tố ổn định vĩ mô và chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng tăng trưởng lợi nhuận yếu nên chỉ số VN-Index chỉ tăng 13%. Tuy nhiên, kể từ tháng 10/2023 đến nay, mặc dù tăng trưởng lợi nhuận cải thiện, nhưng tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng lại là các yếu tố gây bất lợi khiến thị trường chứng khoán không đi đường thẳng.
Thống kê của Dragon Capital cho thấy, định giá của 80 doanh nghiệp hàng đầu đang ở mức 11 lần, trong khi tăng trưởng EPS lên tới 18,5%. Theo đó, định giá đang tương đối hấp dẫn nếu xét về trung hạn. Do đó, giai đoạn điều chỉnh không lúc nhà đầu tư rời bỏ thị trường mà nên tận dụng cơ hội giải ngân cho tầm nhìn trung và dài hạn.
"Với mức định giá hấp dẫn, xác suất thị trường chứng khoán giảm thêm 10-15-20% là rất khó, 10% thì có thể nhưng nếu giảm trên 15% thì nhà đầu tư nên có hành động quyết liệt trong vấn đề đầu tư", Giám đốc Dragon Capital cho hay.
Nói về cú rơi 60 điểm của thị trường vừa qua, ông Võ Nguyễn Khoa Tuấn, Giám đốc Nghiệp vụ Cấp cao Lĩnh vực chứng khoán Dragon Capital đánh giá diễn biến này không gây ảnh hưởng đến xu hướng tăng trung hạn của thị trường.
Các chuyên gia Dragon Capital đưa ra chiến lược đầu tư để có thể đạt hiệu quả từ 15-17% mỗi năm là khi thị trường có nhịp giảm 10%, nhà đầu tư có thể tăng tỷ lệ tiền mặt lên. Chiến lược này giúp hiệu suất đầu tư tăng lên vì nhà đầu tư vào những nhịp thị trường giảm nhiều hơn và giảm bớt tỷ trọng khi thị trường có nhịp tăng tốt hơn sẽ mang hiệu quả rất tốt./.
- Thị trường chứng khoán chứng kiến “cú rơi mạnh”, nhà đầu tư nên hành rộng ra sao?
- Định giá cổ phiếu chứng khoán đang ở mức cao
- Chuyên gia dự báo thị trường chứng khoán vẫn đang trong xu hướng đi lên, kỳ vọng vào 2 nhóm cổ phiếu