ISSN-2815-5823
Tâm Phạm
Thứ năm, 11h40 16/05/2024

Chuyên gia khuyến nghị: Thu hồi đất để đấu giá nhằm tạo sự công bằng khi mở rộng đường Láng

(KDPT) - Để có thể tiết kiệm chi phí làm đường và tạo sự công bằng, tránh tiêu cực thì chuyên gia khuyến nghị thu hồi đất ở hai bên đường để đấu giá khi mở rộng đường Láng.

Ghi nhận, Thông tin Sở GTVT Hà Nội đề xuất chủ trương mở rộng đường Láng gấp đôi hiện tại (từ 10,5m mỗi làn đường lên con số 53,5m chiều rộng) đang nhận được sự quan tâm lớn từ phía người dân.

Đưa ra đánh giá về việc đầu tư cải tạo đường Láng là cần thiết, tuy nhiên thì nhiều chuyên gia đã bày tỏ ái ngại với mức đầu tư dự kiến cho đoạn đường 3,8 km là 17.241 tỷ đồng, trong đó thì chi phí xây lắp 541 tỷ đồng, còn chi phí để giải phóng mặt bằng lên tới 16.700 tỷ đồng (chiếm 96,8%).

Để có thể tối ưu hóa kinh phí giải phóng mặt bằng dự án, các chuyên gia kiến nghị thành phố thu hồi đất ở hai bên đường Láng để bán đấu giá đất lấy kinh phí làm đường - đây chính là phương án từng được áp dụng thành công ở TP.HCM tuy nhiên sau đó lại không được triển khai rộng rãi. 

(Nguồn ảnh: VTC News)
(Nguồn ảnh: VTC News)

Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ Giao thông Vận tải) - ông Nguyễn Văn Thanh đánh giá, việc đầu tư nâng cấp tuyến đường Láng cả phía trên lẫn phía dưới giúp khép kín Vành đai 2, giao thông nội thành Hà Nội cũng sẽ được thuận tiện hơn. 

Mặc dù vậy thì nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ cũng cho rằng, với mức đầu tư 17.241 tỷ đồng thì Hà Nội sẽ lại có thêm một tuyến đường được mệnh danh là con đường "đắt nhất hành tinh".Ông Thanh nói rằng: “Với chiều dài là 3.800m, tổng mức đầu tư là 17.241 tỷ đồng, nếu nhẩm tính là hơn 4,5 tỷ đồng/m. Chưa kể đây chỉ là chi phí dự toán, khi mà hoàn thành con số không dừng lại ở mức đó. Như thế thì đường Láng sẽ đắt gấp đôi đường Trần Khát Chân - đây là con đường được cho là đắt đỏ nhất Thủ đô ở thời điểm khánh thành với gần 2 tỷ đồng/căn”. 

Ngoài chi phí khổng lồ thì ông Thanh cho biết, công tác giải phóng mặt bằng làm không tốt cũng sẽ gây ra những hệ lụy xấu. 

Ghi nhận trước đây, khi mà Hà Nội xây dựng mở rộng những đường đắt nhất hành tinh như là Hoàng Cầu - Voi Phục, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, Nguyễn Văn Huyên, Ô Chợ Dừa, Xã Đàn - Kim Liên... thì dư luận cũng đặt ra nhiều nghi vấn về vấn đề tiêu cực trong quá trình giải tỏa. 

Ông Thanh nói rằng: “Người mất đất phải tìm nơi ở mới, kẻ ở trong ngõ hẻm thì được ra mặt phố, chênh lệch địa tô rất lớn, gấp vài chục lần, rất bất hợp lý”. 

Cũng theo vị chuyên gia này, khi mà Nhà nước mở đường mới hoặc là mở rộng đường cũ, giá đất ở hai bên đường tăng lên rất nhiều lần so với trước đó. Những người bị thu hồi đất để làm đường thường sẽ không được hưởng lợi từ việc mở đường này. 

Trái lại, những người không bị giải phóng mặt bằng bỗng nhiên được hưởng một món lợi lớn từ việc giá đất tăng mà không phải đóng một khoản thuế, phí nào. Trong khi đó thì Nhà nước bỏ tiền ra làm đường, đầu tư hạ tầng tuy nhiên không có cơ chế để thu lại khoảng chênh lệch khổng lồ này. 

(Nguồn ảnh: VTC News)
(Nguồn ảnh: VTC News)

Để có thể giải quyết được sự bất cập này, ông Thanh có đề xuất thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để tiến hành bán đấu giá. Ông Thanh đưa ra kiến nghị: “Đáng lẽ mở rộng đường thêm 10m thì anh phải giải tỏa đất lên 20m, 10m2 đất mặt tiền dùng để đấu giá. Và số tiền đấu giá sẽ được bù đắp vào khoản chi phí mở rộng đường mà không cần tiêu tốn ngân sách của Nhà nước. Những hộ gia đình trong ngõ vẫn ở trong ngõ chứ không ngang nhiên thành nhà mặt phố”. 

Ông Thanh cũng dẫn ví dụ công tác quy hoạch ở Trung Quốc, bất kể đó là mở đường mới ở đất trống hay là mở rộng đường sẵn có trong khu dân cư đông đúc thì chủ trương của họ là không có bất kỳ một hộ gia đình, cá nhân nào được lợi trên con đường mới. 

Chuyên gia cho biết, để có thể thực hiện hóa chủ trương này thì Trung Quốc quy định khi mở một con đường mới, sau khi giải tỏa lộ giới thì sẽ tiếp tục giải tỏa hai bên đường 50-100m và sau đó là phân thành từng lô lớn vài nghìn mét vuông để bán đấu giá. Những lô đất lớn này quy hoạch xây những khối nhà lớn và hiện đại. Đó cũng chính là cách để bổ sung nguồn vốn để mở rộng đường mà không tốn quá nhiều ngân sách của Nhà nước. 

Cũng theo ông Thanh, phương án này không hề mới ở Việt Nam bởi vì từ năm 2012 thì Bộ Tài Chính đã dự thảo Đề án khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển cho kinh tế - xã hội năm 2011-2020, trong đó có đề xuất việc bán đấu giá các lô đất giải tỏa ở hai bên đường mới mở. 

Cũng theo dự thảo, nếu như áp dụng đúng phương thức này thì ngân sách Nhà nước sẽ thu thêm được hàng trăm hàng nghìn tỷ đồng thay vì mất trắng cho những người có nhà tự nhiên được ra mặt tiền thụ hưởng. Tuy nhiên thì dự thảo này vẫn chỉ đang nằm trên giấy. 

Ông Thanh thông tin rằng, trước khi có dự thảo này thì đã có địa phương thực hiện thu hồi đất để đấu giá. Vào năm 1999, TP.HCM đã áp dụng thành công mô hình thu hồi thêm đất ở hai bên công trình hạ tầng để tiến hành tái định cư cũng như bán đấu giá khi mở tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ. 

Chi tiết, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã quyết định thu hồi mỗi bên thêm 15m làm quỹ đất dự trữ. Khi có đất sạch thì thành phố sẽ đem đấu giá phần đất này cho công ty địa ốc Phú Long, Tài Nguyên và thu về 436 tỷ đồng. Đối với phần đất còn lại, 20 ha thành phố đem đổi cho Công ty GS làm đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài còn 15 ha dành để tái định cư tại chỗ cho người dân.

Vị chuyên gia này nêu rõ: “Số tiền bỏ ra làm dự án là 429 tỷ đồng, sau khi đấu giá đất thì thu về được 426 tỷ đồng, TP.HCM còn có đất để đổi lấy tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài và đất để tiến hành tái định cư chỗ cho người dân”. 

(Nguồn ảnh: VTC News)
(Nguồn ảnh: VTC News)

Còn ở Hà Nội, theo nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ thì thời điểm làm đường Trần Khát Chân cũng đã manh nha ý định thu hồi thêm đất ở hai bên đường để tiến hành đấu giá tuy nhiên sau cùng vẫn áp dụng theo cách cũ. 

Ông nói thêm rằng: “Tôi mong rằng Hà Nội nên đề xuất thí điểm mở rộng đường Láng nhằm tạo ra công bằng trong việc thu hồi, đấu giá đất và định giá tài sản... tránh tình trạng thất thoát tài sản công, tránh được tiêu cực cũng như lợi ích nhóm”. 

Bàn luận về vấn đề này, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - TS. Khương Kim Tạo cho biết, nếu như việc mở rộng đường Láng đúng theo quy hoạch phát triển của Thủ đô thì nên tiến hành triển khai càng sớm càng tốt để có thể tiết kiệm được tối đa chi phí”. 

Ông Tạo nói rằng: “Lập ra đề án tuy nhiên không triển khai, càng để lâu khi mà người dân xây dựng thêm các công trình mới thì việc giải tỏa mặt bằng sẽ rất vất vả, tốn kém. Hà Nội cũng nên triển khai quy hoạch sớm, những khu vực nằm trong diện giải tỏa thì phải đưa ra quy định không được xây dựng công trình nữa”. 

Để cập đến phương án thu hồi đất hai bên đường để tiến hành đấu giá khi mở rộng đường được nhiều nước áp dụng, ông Tạo cho biết, việc này giúp cho hạ tầng đô thị khang trang hơn, đồng thời cũng tránh được tình trạng sốt đất ảo khi quy hoạch đi trước, hạ tầng theo sau và giá đất cũng được rõ ràng hơn. 

Cần hài hòa lợi ích cho các bên

Bàn luận dưới góc độ pháp lý, TS.LS Đặng Văn Cường - là Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, phương án thu hồi diện tích đất liền kề công trình hạ tầng để bán đấu giá cũng phần nào xoa dịu được tâm lý của những nhà mặt phố khi bị thu hồi, họ được quyền ưu tiên tham gia vào đấu giá để có thể tiếp tục có nơi kinh doanh và mưu sinh. 

Song song với đó, các gia đình phía trong cũng không có chuyện ăn may thành mặt đường dẫn đến xung đột lợi ích khi triển khai dự án. 

Ông Cường cho biết, Nhà nước có thể nghiên cứu cũng như ban hành các quy định để thực hiện thí điểm giải pháp này (mở rộng đường kết hợp chỉnh trang đô thị và đấu giá quyền sử dụng đất tạo ra mặt đường đồng bộ khang trang) nhằm giải quyết vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo ở mặt đường. Đây cũng là cơ hội để tăng thu ngân sách cũng như đảm bảo được hài hòa lợi ích của người sử dụng đất và Nhà nước. 

Tuy nhiên thì vị luật sư này cũng lưu ý rằng, điều này cũng cần phải được Quốc hội, Hội đồng Nhân dân thông qua và phải trở thành chính sách cũng như có căn cứ pháp lý để tổ chức thực hiện. Song song với đó, ông Cường cũng cho rằng cần phải thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo được đúng quy trình thủ tục thì mới được tổ chức thực hiện. 

(Nguồn ảnh: VTC News)
(Nguồn ảnh: VTC News)

Ông Cường cho hay: “Dự án mở rộng đường Láng - Vành đai 2 được quy hoạch từ lâu, đã có chỉ giới mở rộng đường cho nên nếu như thay đổi chỉ giới này cần phải thay đổi từ chính sách, thay đổi quy hoạch, cần phải tuyên truyền vận động thì mới có thể tổ chức thực hiện”. 

Ngoài ra, theo luật sư Đặng Văn Cường thì vấn đề về thu hồi đất để mở rộng đường giao thông liên quan đến rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm Luật Quy hoạch kiến trúc, Luật Thủ đô, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng...

Ông Cường nêu rõ: “Với pháp luật hiện hành thì cần phải triển khai đồng thời 2 dự án đó là dự án mở rộng đường giao thông, dự án chỉnh trang đô thị sau khi mở đường”. 

Chính vì thế, chuyện gia luật cũng kiến nghị rằng, nếu như quyết tâm thực hiện thì cần phải triển khai một cách bài bản, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để quy định khi mở rộng đường phải kết hợp với chỉnh trang đô thị tạo ra mặt tiền đường mới đồng bộ thống nhất./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2024