ISSN-2815-5823
Linh Giang
Thứ tư, 06h00 15/05/2024

Cơ hội để Việt Nam bước vào ngành công nghiệp bán dẫn cả tỷ USD

(KDPT) - Hiện nay, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có nhiều cơ hội để bước vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Cơ hội bước vào mỏ vàng 1.000 tỷ USD của Việt Nam

Đối với ngành công nghiệp điện tử, công nghệ bán dẫn đang trở thành hạt nhân quan trọng, cốt lõi để tạo đà phát triển cho những ngành công nghiệp khác như: Năng lượng tái tạo, điện tử tiêu dùng, thiết bị y tế, quốc phòng, an ninh…

Trong suốt 20 năm qua, ngành công nghiệp bán dẫn đã có những bước phát triển mạnh mẽ và tăng trưởng nhanh tại nhiều quốc gia, tác động đến những nền kinh tế lớn nhất trên thế giới.

Hiện nay, nhiều quốc gia và nền kinh tế lớn trên thế giới đều mong muốn tham gia và có cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để tạo điều kiện phát triển cho ngành công nghiệp đặc biệt này. Ngay cả những quốc gia đứng đầu thế giới cũng sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ đô để hỗ trợ doanh nghiệp bán dẫn tại quốc gia của họ.

Các chuyên gia cho rằng việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cho rằng việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Giữa bối cảnh nguồn cung ứng ngày càng đa dạng hóa nhưng những diễn biến phức tạp về chính trị trên thế giới đã khiến cho các quốc gia, các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới hướng đến chọn những nước trong khu vực Châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Trong đó, Việt Nam sở hữu hàng loạt những ưu điểm, lợi thế để đón đầu ngành công nghiệp bán dẫn trên thế giới.

Trước tiên là những chính sách, quyết tâm chính trị cao từ trung ương đến địa phương đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được phát triển một cách công bằng, dễ dàng.

Thứ hai, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực điện tử với những cơ hội hiếm có.

Thứ ba, lực lượng lao động của Việt Nam khá dồi dào, chất lượng mà chi phí lại hợp lý. Đồng thời, họ cũng là những người có tay nghề nên dễ dàng học hỏi, chuyển đổi sang lĩnh vực có liên quan. 

Thứ tư, Việt Nam đang là một trong những đối tác chiến lược với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Trong tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện đã nêu rõ hai vấn đề hợp tác nổi bật nhất là sáng tạo và công nghệ cao trong đó có cả ngành công nghiệp bán dẫn.

Ưu tiên đào tạo nhân lực

Các chuyên gia cho rằng, việc đào tạo nguồn lực chất lượng cao sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ước tính thế giới sẽ cần đến hơn 1 triệu nhân sự trong ngành vào năm 2030 ở mọi khâu từ thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử chip. Hiện nay, Việt Nam đang cung cấp nguồn nhân lực dồi dào và nhân lực trẻ đã trở thành một lợi thế lớn nổi bật so với các quốc gia và nền kinh tế khác trên toàn thế giới.

Ông Choi Joo Ho - Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đánh giá Việt Nam ngày càng chứng minh được vị thế quan trọng của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này thể hiện rõ ở việc các doanh nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới đang có cuộc đua tranh khốc liệt để tìm cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Chính điều này đã khiến cho nhu cầu tìm kiếm nhân tài công nghệ cao cũng gia tăng đột biến.

Do đó, các doanh nghiệp, nhà máy cần phải tập trung cho việc đầu tư, đào tạo năng lực, kỹ năng cho lực lượng để có thể sớm tham gia vào thị trường lao động của ngành bán dẫn một cách bài bản. Đứng trước những cơ hội này, Chính phủ đang gấp rút triển khai nhiều động thái nhằm thúc đẩy nhân lực phát triển mạnh mẽ. Trước hết là xây dựng Đề án "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045".

Đề án này đã xác định đến năm 2030 các kỹ sư Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào quy trình thiết kế, công đoạn đóng gói và kiểm thử, chủ động làm chủ một phần công nghệ để hướng đến việc nắm bắt toàn bộ các giai đoạn sản xuất.

Mục tiêu đào tạo được 50.000 kỹ sư để phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 15.000 kỹ sư thiết kế làm trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và 35.000 kỹ sư làm việc trong các lĩnh vực khác của ngành bán dẫn, 5.000 kỹ sư có chuyên môn cao về trí tuệ nhân tạo. Đào tạo được khoảng 1.300 giảng viên với trình độ quốc tế.

Theo dự tính trong Đề án, dự kiến tổng mức chi phí để thực hiện mục tiêu đề ra đến năm 2030 rơi vào khoảng 26.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 17.000 tỷ đồng và nguồn xã hội hóa khoảng 9.000 tỷ đồng.

Đây là mức kinh phí được tính toán dựa trên mức chi phí thực tế, các trang thiết bị, nhân lực theo định mức và thông lệ trên thế giới đã thực hiện, đồng thời, phân chi cụ thể từng nhóm nhiệm vụ với các giải pháp và tổ chức thực hiện hiệu quả.

Trong thời gian dài hạn, nếu như muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia nhận định Việt Nam cần phải đào tạo đúng và trúng. (Ảnh minh họa)
Trong thời gian dài hạn, nếu như muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia nhận định Việt Nam cần phải đào tạo đúng và trúng. (Ảnh minh họa)

Phát triển nhân lực chất lượng cao

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 40 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực bán dẫn, chủ yếu là mảng thiết kế vi mạch. Đồng thời, tổng số nhân sự làm việc trong ngành cũng dao động trong khoảng  5.000 người.

Theo những chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực này, nguồn nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam đã tiệm cận với thế giới nhưng số lượng vẫn còn khá hạn chế. Số lượng sinh viên đào tạo trong các trường sau khi ra trường cũng không nhiều.

Ví dụ tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đang đào tạo khoảng 80-100 sinh viên công nghệ vi điện tử, 50 sinh viên ngành thiết kế vi mạch mỗi năm. Tuy nhiên, các sinh viên hoạt động trong ngành điện tử viễn thông thuộc Đại học Bách Khoa và Đại học Bách Khoa TP.HCM vẫn có thể tham gia thêm vào khâu thiết kế đối với những doanh nghiệp trên thế giới. Đồng thời, thu nhập của các kỹ sư ngành này cũng không hề kém với ngành công nghệ thông tin.

Trong thời gian dài hạn, nếu như muốn phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia nhận định Việt Nam cần phải đào tạo đúng và trúng. Đúng ở đây là kiến thức, kỹ năng và trúng vào nhu cầu doanh nghiệp, không nên để lý thuyết và thực hành xa rời, không liên quan, các kiến thức học được cần phải có tính ứng dụng cao.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Yên - Tổng giám đốc Công ty CoAsia SEMI Việt Nam cho biết, việc liên tục mở rộng nhân sự trong ngành bán dẫn sẽ là yếu tố thuận lợi để phát triển và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam.

Ông Yên ví đội ngũ kỹ sư giống chiếc mỏ neo để giữ các công ty và nâng tầm vị thế. Nếu muốn chiếc mỏ neo chắc chắn thì sẽ phải có sự tham gia, hợp tác của nhiều bên liên quan. Chuyên gia này cũng đề xuất cần có những ưu đãi, hỗ trợ để thu hút nguồn nhân lực cả trong và ngoài nước khi đến làm việc tại Việt Nam.

Đồng thời, ngành bán dẫn sẽ phát triển trong dài hạn nên thời gian đầu tư và đào tạo cũng khá dài, cần chia ra thành từng giai đoạn khác nhau cho phù hợp. Không nên đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm sẽ khiến cho các mục tiêu không đạt được như kỳ vọng./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/10/2024