Nỗ lực hoàn thiện chính sách, đưa ngành công nghiệp bán dẫn là trụ cột phát triển mới
Xác định rõ tầm nhìn và quyết tâm trong phát triển lĩnh vực bán dẫn
Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn, gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói. Đồng thời, tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.
Để phát triển các lĩnh vực trên, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, gồm hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.
Việt Nam xác định rõ tầm nhìn và quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án Đào tạo 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.
Gấp rút nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế và chính sách
Bộ Thông tin và Truyền thông được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết hiện đang gửi lấy ý kiến lần 2 các Bộ ngành và gấp rút nghiên cứu, phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước, tập đoàn tư vấn Quốc tế để góp ý hoàn thiện nội dung cho Dự thảo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; trong đó có mục tiêu, kế hoạch thực hiện để tổng hợp, hoàn thiện Hồ sơ xây dựng Chiến lược trình Chính phủ phê duyệt.
Cụ thể, về định hướng đến năm 2045, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu 2 nội dung định hướng lớn. Thứ nhất, Việt Nam trở thành quốc gia có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn phát triển, là một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Thứ hai, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam cơ bản có đầy đủ, đồng bộ các hạ tầng về nhân lực, công nghệ, nghiên cứu phát triển, về sản xuất và thị trường ứng dụng, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam, tạo nền tảng thực hiện thành công chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xây dựng chính phủ số…
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghiệp bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, và không chỉ vậy, nó còn là ngành công nghiệp trọng yếu quốc gia trong 30-50 năm tới. Một khi loài người còn phát triển dựa trên thông tin, dựa trên dữ liệu như một yếu tố đầu vào của sản xuất, thì việc xử lý dữ liệu, tức là chip bán dẫn, sẽ tiếp tục là trọng yếu.
Phát triển công nghiệp bán dẫn thì nên nhìn trong một ngữ cảnh lớn hơn, một bức tranh lớn hơn. Nếu nói về thị trường thiết kế chip bán dẫn chỉ có 60 tỷ USD mỗi năm, nếu nói cả ngành công nghiệp bán dẫn là 600 tỷ USD, nhưng ngành công nghiệp điện tử thì trên 3.000 tỷ USD, còn ngành công nghiệp chuyển đổi số trên 20.000 tỷ USD, tức là lớn hơn 30 lần ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát triển công nghiệp bán dẫn cũng là cơ hội để Việt Nam dựng lại ngành công nghiệp điện tử nước nhà (như thiết bị điện tử - viễn thông, thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị điện tử y tế, thiết bị điện tử công nghiệp...), nhất là khi ngành này đang bước vào giai đoạn chuyển đổi sang thiết bị điện tử trí tuệ nhân tạo (AI), thiết bị Internet vạn vật (IoT).
Công nghiệp bán dẫn cũng là cốt lõi của công nghiệp chuyển đổi số. Công nghiệp chuyển đổi số là thị trường lớn nhất của chip bán dẫn. Việt Nam, với 100 triệu dân, là một thị trường lớn, lại đang ở giai đoạn phát triển nhanh, công nghiệp hóa nhanh, chuyển đổi số nhanh, tiêu dùng điện tử nhiều. Đây là bối cảnh thuận lợi cho công nghiệp bán dẫn.
Sẵn sàng cung cấp nhân lực bán dẫn
Mỗi năm nước ta có tới gần 500.000 người nhập học các trường đại học. Các trường đại học Việt Nam có thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin, AI và chất lượng đào tạo tốt. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này đang làm việc tại các nước, các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Hiện số lượng kỹ sư Việt Nam tham gia vào các khâu, công đoạn có liên quan tới thiết kế và sản xuất đóng gói chip khoảng 5.000, còn rất ít so với một số nước dẫn đầu như Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ... Vì vậy, để đáp ứng kỳ vọng phát triển, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao ngành bán dẫn. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số một của giáo dục đại học năm 2024 và nhiều năm tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, về lĩnh vực vi mạch bán dẫn, các trường đại học đang khẩn trương xây dựng chương trình, bồi dưỡng giảng viên, mời chuyên gia quốc tế để tổ chức đào tạo. Ngay năm 2024, nhiều trường sẽ tuyển sinh khoảng 1.000 sinh viên và số lượng này sẽ tăng nhanh chóng trong các năm kế tiếp.
Chính phủ Việt Nam ưu tiên đầu tư cho các trường đại học và nhóm trường công nghệ - kỹ thuật đang liên kết trong một đề án lớn để thúc đẩy ngành bán dẫn.
Như vậy có thể thấy mục tiêu đào tạo được số lượng lớn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn là việc lớn, khó, nhiều thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn cho các trường đại học phát triển, đặc biệt là các trường khối công nghệ, kỹ thuật.
Theo đó, một số cơ sở như Bách khoa Hà Nội, trường đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP HCM, trường đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP HCM... đã đào tạo, nghiên cứu chip bán dẫn, coi đây là một hướng chuyên môn trong ngành học điện - điện tử, điện tử - viễn thông và một số ngành khác.
"Đây là ngành mới, chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm, thói quen, cách làm cũ mà phải có cách làm, tầm nhìn mới kèm theo giải pháp đột phá. Bộ sẽ tính toán ban hành các văn bản với cơ chế đặc biệt nhằm thu hút chuyên gia, mở rộng liên kết đào tạo, sử dụng chương trình của nhau và chương trình nước ngoài. Tôi mong các đại học tham gia đào tạo, nghiên cứu xác định đây là trách nhiệm vinh quang để quyết tâm, có giải pháp đúng, từ đó bứt phá". Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Việc hợp tác quốc tế, sự vào cuộc và hỗ trợ của các doanh nghiệp sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng phát triển đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn cũng như nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn khác. Chúng ta sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào Việt Nam./.
- Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ: Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất
- Triển vọng của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam
- Yếu tố nào quyết định việc phát triển lĩnh vực bán dẫn năm 2024?