Chuyển đổi xanh: Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp cần chủ động, linh hoạt
Bên cạnh những cơ hội và lợi ích, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức và khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là ở Việt Nam - một quốc gia đang phát triển nhanh chóng với nền kinh tế đa dạng và đa dạng văn hóa.
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt thách thức nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên và sự gia tăng của cách mạng công nghệ số thì chuyển đổi xanh và chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu. Tại Việt Nam, những nỗ lực chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững trong thời đại mới.
Ông Nguyễn Hải Hùng - Phó Giám đốc Trung Tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (SCE) tại hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi xanh và số - hướng tới phát triển bền vững” cho biết, những năm trở lại đây, mặc dù mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành ưu tiên của hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp và các chính phủ, tuy nhiên hai quá trình này hiện chủ yếu diễn ra một cách riêng lẻ, chưa có tính đồng bộ. Do vậy, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu số hóa, các doanh nghiệp cần chủ động tích hợp yếu tố bền vững trong chiến lược chuyển đổi số để tận dụng cơ hội kinh doanh mới cũng như mang lại lợi ích cho xã hội và môi trường. Đây chính là lý do xu hướng chuyển đổi kép - chuyển đổi số đồng hành cùng chuyển đổi xanh - đang ngày càng được chú trọng, đòi hỏi sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía chính phủ và các tổ chức liên quan.
Về năm trụ cột chính trong câu chuyện chuyển đổi xanh, tại hội thảo, ông Jeffrey Jian Xu - Chuyên gia giáo dục cấp cao, Ban phát triển con người và xã hội tại Ngân hàng phát triển Châu Á cho rằng: "Trước tiên về Biến đổi khí hậu thông minh sẽ bao gồm lập kế hoạch, phát triển kinh tế xã hội thông minh, cơ sở hạ tầng thông minh và các giải pháp dựa trên thiên nhiên. Thứ hai, Tài chính xanh chính là hỗ trợ các hoạt động chuyển đổi xanh thông qua các khoản đầu tư, tài trợ và các công cụ tài chính khác. Thứ ba, Quản lý và quản trị khu vực công phải đảm bảo các chính sách và quy định phù hợp để thúc đẩy chuyển đổi xanh. Thứ tư, Phát triển con người và xã hội cũng không kém phần quan trọng khi phải chú trọng tăng cường sự tham gia của cộng đồng và đảm bảo lợi ích công bằng cho tất cả mọi người trong quá trình chuyển đổi xanh. Và cuối cùng về Nông nghiệp, thực phẩm, nước và phát triển đô thị, chúng ta phải chuyển đổi sang các hệ thống sản xuất và tiêu dùng bền vững hơn".
Tại Việt Nam, những nỗ lực chuyển đổi này không chỉ mang lại lợi ích cho môi trường và xã hội mà còn giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và bền vững trong thời đại mới. Nhưng hiện nay, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các rào cản chính bao gồm hạn chế về kinh nghiệm, vốn và công nghệ, khiến nhiều doanh nghiệp bị tụt lại phía sau trong tiến trình này.
Chuyển đổi xanh đối diện với nhiều thách thức
Nói về kinh nghiệm chuyển đổi xanh - thực trạng và thách thức, ông Poovathungal Itteera ROY, Phó Chủ tịch Ban Năng lượng, cụm Việt Nam và Campuchia, Schneider Electric đã đề cập những lý do ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động đầu tư bền vững. Trong đó có tới 55% các chủ doanh nghiệp lo ngại rằng khi đầu tư các hoạt động bền vững sẽ không mang lại lợi nhuận cho họ. Không chỉ vậy, các chính sách và quy định của chính phủ có thể ảnh hưởng đáng kể đến khả năng đầu tư vào các hoạt động bền vững.
Bên cạnh đó, một trong những lí do quan trọng đang “giữ chân” doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi này chính là sự thiếu hụt về dữ liệu hiện trường. Điều này khiến họ khó khăn trong việc đánh giá rủi ro và tiềm năng của các dự án, kế hoạch “xanh hoá” của doanh nghiệp.
Chia sẻ về kinh nghiệm chuyển đổi số ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và câu chuyện tại Việt Nam - TS. Nguyễn Xuân Thơ, Cố vấn cấp cao DigiwinSoft đã đề cập tới lộ trình chuyển đổi kép song hành số và xanh. Trong đó, để đạt mục tiêu chuyển đổi số và xanh, doanh nghiệp cần chuẩn hóa quy trình vận hành thông qua hệ thống ERP (nterprise resource planning - lập kế hoạch nguồn lực, quản trị tổng thể doanh nghiệp), giúp quy hoạch và tăng tính minh bạch, nắm bắt thông số sản xuất tức thời qua công nghệ IoT (internet vạn vật).
Việc tự động hóa dây chuyền sản xuất và thông minh hóa thiết bị sẽ nâng cao hiệu suất và chất lượng, đồng thời kiểm soát, cải thiện hiệu quả sử dụng thiết bị. Quản lý sản xuất tiêu chuẩn đòi hỏi hệ thống hóa tiến độ sản xuất và xây dựng cơ chế quản lý, từ đó phân bổ và tính toán chính xác chi phí sản xuất, tăng hiệu suất báo giá và đảm bảo lợi nhuận. Ngoài ra, nắm bắt lượng phát thải, tiêu thụ năng lượng và triển khai quản lý năng lượng theo các tiêu chuẩn ISO (14064, 14067, 50001) là cần thiết để giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng trong quá trình sản xuất, đảm bảo phát triển bền vững.
Để thúc đẩy hơn quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, đầu tiên doanh nghiệp cần ý thức là đây là tiêu chuẩn chung mà doanh nghiệp và lãnh đạo phải quán triệt và đội ngũ của họ phải chuẩn bị cũng xây dựng giống như quá trình họ xây dựng kế hoạch kinh doanh. Hiện nay các doanh nghiệp đã ý thức được mình cần phải chuyển đổi như thế nào trong quá trình chuyển đổi số và còn thêm một gánh nặng nữa trong quá trình chuyển đổi xanh. Việc này giờ đây đòi hỏi họ phải thực hiện song hành, đây thực sự đôi khi gánh năng đối với họ. Đây cũng sẽ là khó khăn đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện điều đó quyết liệt hơn. Ông Thơ nói.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ về những chính sách của Nhà nước hỗ trợ chuyển đổi xanh và số đối với doanh nghiệp, cũng như các câu chuyện, kinh nghiệm quý báu. Điều này có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định thông minh và phù hợp với mục tiêu kinh doanh trong thời kỳ chuyển đổi xanh và số hiện nay.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững. Việc chuyển đổi này mang lại nhiều lợi ích quan trọng.
Các chuyên gia cũng đồng tình với quan điểm sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Hơn nữa, nó tăng cường khả năng thích ứng và chống chịu trước biến đổi khí hậu và các khủng hoảng khác, thông qua các hệ thống quản lý thông minh và công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, chuyển đổi này còn mở ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ mới, tạo ra việc làm và thúc đẩy sáng tạo./.
- Chuyển đổi số an toàn, bảo mật mở ra nhiều cơ hội tiếp cận tài chính hơn cho mọi người
- Công nghệ là bệ đỡ để chuyển đổi số quốc gia bứt phá
- Ứng dụng tự động hóa và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh