ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ hai, 11h18 20/05/2024

Công nghệ là bệ đỡ để chuyển đổi số quốc gia bứt phá

(KDPT) - Công nghệ phải tăng tốc, nắm bắt cơ hội từ làn sóng AI để tạo đột phá trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, bứt phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững.

Công nghệ là nền tảng phát triển đa lĩnh vực

Ở Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ tiêu cơ bản cụ thể.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI) và nhóm 40 nước dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng (GCI)…

Đặt ra mục tiêu chuyển đổi thành một quốc gia số, Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua việc phát triển trí tuệ nhân tạo.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo do Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) thực hiện, 92% ứng dụng của chuyển đổi số có liên quan tới trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu. “Trí tuệ nhân tạo chính là cốt lõi để chuyển đổi số, hay nói cách khác muốn chuyển đổi số phải phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo” - ông Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel Cyberspace cho hay.

Ông Quý dẫn ví dụ khi xây dựng thành phố thông minh - chuyển đổi số, chúng ta cần lắp hệ thống gồm hàng trăm chiếc camera giao thông. Nếu không có trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ cần bao nhiêu người ngồi nhìn hàng trăm cái camera đó? Trong khi trí tuệ nhân tạo hoàn toàn có thể tự xem và hiểu các hành vi vi phạm giao thông và đưa ra các cảnh báo.

Những năm qua, chuyển đổi số quốc gia đã và đang lan tỏa ngày càng sâu trong mọi “ngóc ngách” của đời sống xã hội Việt Nam. Đồng hành cùng quá trình đó, công nghệ AI trở thành một bộ phận thiết yếu và được ứng dụng mạnh mẽ, tích cực trong các lĩnh vực như đô thị thông minh, y tế, bảo hiểm, giao thông, nông nghiệp thông minh, công nghệ môi trường….

Nắm bắt xu hướng phát triển của trí tuệ nhân tạo, một số doanh nghiệp lớn đã xây dựng và phát triển các trung tâm nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam, thu hút nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này đến làm việc. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo áp dụng công nghệ AI trong các sản phẩm, dịch vụ mới. Những sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo chính là điều kiện tiên quyết góp thúc đẩy nền công nghiệp trí tuệ nhân tạo phát triển mạnh mẽ, là đòn bẩy để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam.

Cơ hội nào cho Việt Nam trong việc phát triển công nghệ số ?

Công nghiệp công nghệ số đang và sẽ được tích hợp vào tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế khác ngoài việc tự thân nó là một ngành có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí là nền tảng, là hạ tầng thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển và sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Việt Nam có tiềm năng bùng nổ thị trường ứng dụng công nghệ số nội địa: Với gần 100 triệu dân, trong đó dân số trẻ và số người dùng di động thông minh chiếm tỷ lệ cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia tiếp tục được xây dựng hiện đại và rộng khắp. Chính phủ đã đổi mới mạnh mẽ phương thức làm việc gắn với ứng dụng công nghệ số trong xây dựng chính phủ điện tử (CPĐT), CĐS quốc gia lấy người dân là trung tâm, tạo nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, hình thành Chính phủ số, xã hội số. Nguồn nhân lực công nghệ của Việt Nam có kiến thức tốt về công nghệ. Ở Việt Nam, hàng năm có gần 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành  công nghệ thông tin (CNTT) hoặc liên quan đến lĩnh vực CNTT.

Việt Nam cũng có nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao với thị trường nội địa đủ lớn và đa dạng, có số lượng người tiêu dùng am hiểu công nghệ, kỹ thuật số và quan tâm đến việc thử nghiệm các sản phẩm mới, có tiềm năng thu hút đầu tư vào ứng dụng và phát triển sản phẩm công nghệ số. Việt Nam được đánh giá là môi trường an toàn để các đầu doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào công nghệ bởi đây là quốc gia được đánh giá có chế độ chính trị và chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, điều này đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút vốn đầu tư để phát triển DN công nghệ số Việt Nam.

Việt Nam có một lực lượng mạnh về công nghệ thông tin và có nền tảng tốt về toán học. Bằng chứng là nhiều công ty phát triển AI của Nhật Bản hay Singapore đều đặt trụ sở tại Việt Nam để tận dụng nguồn nhân lực trong nước. Cùng với yếu tố con người, nếu được đầu tư thêm vào hai trụ cột còn lại, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của Đông Nam Á.

Chính phủ Việt Nam đã và đang đầu tư mạnh vào AI và các công nghệ kỹ thuật số khác, chẳng hạn như học máy, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và điện toán đám mây, cùng với đó là phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sự thể hiện niềm tin này đang đặt nền tảng chiến lược vững chắc để Việt Nam trở thành quốc gia đổi mới mạnh mẽ về AI trong những năm tới.

Giải bài toán nhân lực giúp hiện thực hóa tiến trình chuyển đổi số quốc gia

Nhân lực chất lượng cao là bài toán sống còn cho doanh nghiệp. Theo xu hướng về chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang là một trong những điểm đến vô cùng hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp và các tập đoàn trên thế giới.

Để đáp ứng được điều này, doanh nghiệp phải có được một nguồn lực nhất định để tiếp nhận khoa học - kỹ thuật, tiếp nhận và chuyển giao những công nghệ mà các tập đoàn chuyển dịch sang Việt Nam. Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những giá trị cốt lõi có thể quyết định sự thành công, nắm bắt được những cơ hội.

Hệ thống các tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư của nhà đầu tư không chỉ có mạng lưới hạ tầng giao thông mà còn có nguồn lao động.Trong những năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến một dòng chảy vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đồng nghĩa với nhu cầu lao động ở mọi trình độ tăng lên nhanh chóng.

Điều này đang tạo áp lực cho những nhà đầu tư mới, những người đang cạnh tranh tìm kiếm lao động công nghệ cao trong cùng một thị trường. Việc quan trọng nhất là những nhà lãnh đạo cần xây dựng một cơ chế giúp nhà đầu tư tương lai tiếp cận được với nguồn lao động chất lượng này.

Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), hiện có chưa đến 2.000 người Việt Nam đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến AI và chưa đến 300 người được coi là chuyên gia về AI.

Các chuyên gia đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đào tạo AI, song khoảng cách giữa phát triển AI ở Việt Nam và đào tạo AI vẫn còn khá lớn, việc đào tạo nhân tài trong lĩnh vực AI còn chưa bắt kịp. Đây là rào cản mà Việt Nam cần phải tháo gỡ để tránh bỏ lỡ “chuyến tàu AI” đang tăng tốc trên thế giới hiện nay./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 06/12/2024