ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 11h13 11/05/2024

Ứng dụng tự động hóa và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

(KDPT) - Tự động hoá đang đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần chuyển dịch hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Cần đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong điều khiển, tự động hóa. Chú trọng phát triển sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp là việc cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ngành tự động hóa cần được quan tâm, chú trọng

Tại Hội nghị khoa học về Điều khiển Tự động hóa lần thứ 7 (VCCA 2024) diễn ra ngày 10/5, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn quan tâm đến khoa học và công nghệ, coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó tự động hóa đã được xác định là một trong những công nghệ cao, hướng công nghệ ưu tiên trong Luật Công nghệ cao và Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2021-2030.

Khoa học và Công nghệ thay đổi hàng ngày, đặc biệt lĩnh vực tự động hóa, do vậy, danh mục công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao luôn luôn được cập nhật trong các chính sách của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.

Tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ để đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia.

Với sự tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay, các nhà khoa học và doanh nghiệp đã từng bước làm chủ việc nghiên cứu công nghệ, thiết bị, sản xuất trên quy mô công nghiệp như: Động cơ diesel V145-2 có tỉ lệ nội địa hóa 96%, cạnh tranh được với Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản,…và đã được xuất khẩu đi một số nước ASEAN, Trung Đông,…

Ngoài ra đã thiết kế, sản xuất các dây chuyền chế tạo nhà thép nhẹ tiền chế đối với cả nhà dân dụng và nhà công nghiệp, trong đó, nhiều cấu hình dây chuyền sản xuất với tính năng linh hoạt khác nhau đã được chuyển giao thành công cho các đối tác trong và ngoài nước như: Úc, Bờ Biển Ngà;

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hệ thống hội chẩn từ xa (hệ thống hội chẩn video nhằm phục vụ việc hội chẩn trực tuyến các trường hợp siêu âm, X-quang, CT, MRI, DSA), có tỷ lệ nội địa hóa lên đến 85%, giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm nhập ngoại…

Nỗ lực hoàn thành những mục tiêu trong thời gian tới

Thông qua hội nghi, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã “đặt hàng” 3 nội dung đối với Hội Tự động hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, với vai trò là đầu mối tập hợp và đoàn kết trí thức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị Hội Tự động hóa Việt Nam tăng cường hơn nữa việc kết nối, chuyển giao công nghệ từ các nhà cung cấp công nghệ tiên tiến trên thế giới nhằm đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa.

Trong đó, chú trọng phát triển sản xuất thông minh, tích hợp công nghệ quản lý trong doanh nghiệp; ứng dụng “tự động hóa và chuyển đổi số thúc đẩy phát triển kinh tế xanh” trên nền tảng số, kết hợp xử lý dữ liệu lớn bằng AI, Cloud, Blockchain, Robot, UAV;

Cùng với đó huy động các nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tập trung giải quyết các bài toán mang tính đột phá gắn với chuyển đổi số giúp cải thiện và nâng cao mức độ tự động hóa đối với sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp, trang thiết bị y tế, thành phố thông minh và dịch vụ của Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, phối hợp cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực tự động hóa thực hiện nghiên cứu, ứng dụng, cải tiến công nghệ và chuyển đổi số theo hướng xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua các Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia.

Thứ ba, Bộ Khoa học và Công nghệ mong nhận được các ý kiến góp ý từ Hội Tự động hóa Việt Nam đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật về Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, “Tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu”.

Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Quân - Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Chính phủ đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030. Theo báo cáo, năm vừa qua, kinh tế số của chúng ta đã đạt được xấp xỉ 16% GDP. Đây là mục tiêu đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, có thuận lợi là cộng đồng các nhà khoa học luôn quan tâm đồng hành cùng Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay hầu hết dịch vụ công đã được thực hiện trên môi trường số, xã hội số bước đầu cùng có những tiến bộ. 

"Tự động hóa là công nghệ quan trọng, tranh thủ tận dụng được các tiến bộ của các ngành khác như AI, bán dẫn,IoT, Bigdata, công nghệ số để tận dụng được các tiến bộ công nghệ phát triển tự động hóa. Kỳ vọng rằng trong tương lai những công nghệ sẽ đồng hành được với giới doanh nghiệp và các nhà khoa học để tham gia cùng chương trình chuyển đổi số quốc gia" - ông Nguyễn Quân nhấn mạnh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/07/2024