ISSN-2815-5823
THÚY KHANG
Thứ sáu, 07h05 18/10/2024

Tác động kinh tế của dự thảo thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

(KDPT) - Sáng 17/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”.

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”. Đồng thời, Dự thảo đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Tuy nhiên, trong Thuyết minh, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Có ý kiến chuyên gia và một số phân tích khoa học cho thấy việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát (NGK) có đường.

Ngành đồ uống (trong đó có nhóm nước giải khát) là ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, có truyền thống, văn hóa, lịch sử lâu đời, đã đi vào đời sống của người dân Việt Nam. Ngành đồ uống đã cung cấp sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho xã hội và bình ổn thị trường. Với hàng trăm nhà máy sản xuất, kinh doanh trong ngành được phân bố hầu khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước (trên 51 tỉnh, thành phố), tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong các cơ sở nhà máy sản xuất và trong chuỗi cung ứng, dịch vụ từ các đơn vị cung cấp nguyên liệu, đóng gói, kho vận, phân phối, các ngành dịch vụ, du lịch, nhà hàng, logictics... đảm bảo lưu thông trong chuỗi giá trị sản phẩm. Các công ty trong ngành luôn nằm trong danh sách những doanh nghiệp đóng góp ngân sách nhiều nhất, giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái sản xuất - thương mại - dịch vụ của địa phương.

Theo yêu cầu của Chính phủ (tại Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 28/7/2023), “Đối với chính sách, giải pháp liên quan đến bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, bổ sung thêm cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để tăng tính thuyết phục và thống nhất với các luật liên quan”. Đồng thời, Chính phủ nêu rõ “Trong giai đoạn xây dựng dự án Luật, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung đề xuất, bổ sung các đánh giá có tính khoa học, thực tiễn, nhất là về đề xuất bổ sung đối tượng chịu thuế; lấy ý kiến rộng rãi, nhất là đối tượng chịu tác động của chính sách;…”.

Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, từ đó cung cấp thêm các thông tin về những tác động đa chiều và toàn diện hơn của đề xuất nói trên và đề xuất, kiến nghị.

Báo cáo của CIEM nhận diện các tác động kinh tế dựa trên cấu trúc nền kinh tế Việt Nam thông qua bảng IO cập nhật năm 2022 và các dữ liệu chính thống liên quan sẵn có. Kết quả tính toán cho thấy khi áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường thì các tác động cụ thể tới ngành NGK như sau: Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; Giá trị tăng thêm (VA) và giá trị sản xuất (GO) của nhóm ngành NGK đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành NGK mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế như sau: Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%, tương đương 55.077 tỷ đồng, điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng; Khấu hao tài sản cố định giảm ở mức -0,654% (tương đương giảm 7.767 tỷ đồng), lợi nhuận giảm với mức -0,561% (tương đương giảm 8.773 tỷ đồng). Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng; Kết quả tính toán tác động tới thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương giảm 34.534 tỷ đồng. Tuy nhiên, với phương án áp thuế này, kết quả phân tích bảng IO cho thấy năm đầu tiên áp thuế (năm 2026) ước tính nguồn thu từ thuế gián thu tăng 0,853%. Nhưng đến chu kỳ tiếp theo (chu kỳ sau 1 năm), nguồn thu từ thuế gián thu bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Và các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm.

Báo cáo của CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.
Báo cáo của CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.

Có thể thấy, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Cũng như thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống, ngành NGK là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách. Vì thế, quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp ngành NGK càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, Báo cáo này đề xuất Chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường bởi những lý do sau:

Thứ nhất, thời gian qua, doanh nghiệp ngành NGK liên tiếp chịu tác động bởi những cú sốc về dịch bệnh và những biến động khó lường, khiến cho sức chống chịu của doanh nghiệp ngành NGK suy giảm, năng lực cạnh tranh bị bào mòn. Do đó, giai đoạn này Chính phủ cần hướng tới các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi; sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thay vì ban hành các quy định mà có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, cùng với việc sửa đổi Luật thuế TTĐB, dự thảo Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) (sửa đổi) đang đề xuất chuyển nhóm mặt hàng "đường; phụ phẩm trong sản xuất đường, bao gồm gỉ đường, bã mía, bã bùn" từ nhóm đang áp dụng mức thuế suất GTGT 5% sang nhóm áp dụng thuế suất GTGT 10%. Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) (sửa đổi) cũng đang đề xuất loại bỏ các ưu đãi thuế đối với nhóm mặt hàng chịu thuế TTĐB. Nếu các luật này được thông qua theo lộ trình như Bộ Tài chính đề xuất, thì các doanh nghiệp NGK sẽ cùng lúc chịu thêm nhiều sức ép lớn từ việc tăng chi phí nguyên liệu sản xuất do giá đường tăng; tăng giá bán do tăng chi phí, do áp thuế TTĐB. Đồng thời, doanh nghiệp ngành NGK cũng sẽ không được hưởng các ưu đãi thuế khi mặt hàng NGK có đường thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Thứ ba, kết quả phân tích dựa trên cấu trúc bảng IO cho thấy nếu áp thuế TTĐB 10% đối với mặt hàng NGK có đường sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế trên nhiều khía cạnh như quy mô sản xuất, sản lượng, giá trị gia tăng, lợi nhuận, thu nhập, lao động và cả nguồn thu NSNN.

Bên cạnh đó, Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng đề xuất một số kiến nghị đối với cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp ngành NGK.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, CIEM đề xuất: Thứ nhất, cơ quan soạn thảo cần tổ chức tham vấn rộng rãi đối với các đối tượng chịu tác động bởi chính sách, giải trình rõ ràng, minh bạch, công khai đối với các ý kiến góp ý. Đồng thời, việc ban hành mới hay sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách cần thực hiện đánh giá tác động toàn diện, thực chất, dựa trên cơ sở khoa học và minh chứng thuyết phục. Thứ hai, để điều tiết hành vi tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước có thể áp dụng đồng thời nhiều công cụ quản lý khác nhau. Trong đó, một trong những công cụ quan trọng là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Thứ ba, cần sớm hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN), tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) đối với mặt hàng thực phẩm và đồ uống để đảm bảo chất lượng thực phẩm, đồ uống khi tiêu thụ trên thị trường.

Đề xuất với Hiệp hội doanh nghiệp: CIEM đề xuất: Hiệp hội ngành hàng (cụ thể là Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam VBA) cần chủ động cập nhật, phối hợp cung cấp thông tin, cơ sở khoa học tới cơ quan soạn thảo và các bên liên quan trong quá trình lấy ý kiến cho dự thảo Luật và Các hiệp hội cũng cần hợp tác trao đổi, chia sẻ các mối quan tâm, kịp thời thể hiện quan điểm chính sách, phản ánh các vấn đề, vướng mắc, khó khăn; đề xuất các kiến nghị liên quan đến chính sách và thực thi chính sách để đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo thuận lợi, an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội tham dự Hội thảo.
Bà Trần Thị Nhị Hà - Phó Trưởng ban dân nguyện của Quốc hội tham dự Hội thảo.

Đối với doanh nghiệp ngành NGK, CIEM kiến nghị: Đầu tư, nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới có lợi cho sức khoẻ; Cấu trúc lại hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để tiết giảm chi phí.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp còn khó khăn hiện nay, để góp phần dự thảo luật được ban hành hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp, cũng như góp phần đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp ngành NGK dựa trên các cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế và Báo cáo đánh giá tác động toàn diện của đề xuất áp thuế đối với mặt hàng, kiến nghị, các nhà hoạch định chính sách, cơ quan soạn thảo cân nhắc chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/11/2024