Cộng đồng doanh nghiệp Việt, khối đoàn kết vững mạnh trong đại dịch
Nói một cách khác, đại dịch Covid-19 là thời điểm doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng thông qua những hoạt động thiện nguyện, những nỗ lực chung tay, đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cùng cả nước chống giặc dịch.
Từ những khoản đóng góp nghìn tỷ…
Đại dịch Covid-19 đang phủ bóng đen u ám lên các nền kinh tế, đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của doanh nghiệp khi quá trình sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ. Thế nhưng điều này không làm mất đi những giá trị đích thực của cộng đồng doanh nghiệp, ngược lại đây là dịp để các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm xã hội của mình khi luôn kề vai sát cánh cùng Đảng, Chính phủ và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ phát động toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức vào ngày 17/03/2020, hàng ngàn tỷ đồng đã được các tập đoàn kinh tế, các tổ chức, cá nhân… đóng góp ủng hộ.
Như Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, tính đến hiện tại, số tiền ủng hộ của tập đoàn này cho công tác phòng chống dịch Covid -19 đã lên đến hơn 400 tỷ đồng. Vingroup cũng chính là đơn vị cam kết sản xuất và cung cấp cho Bộ Y tế những chiếc máy thở xâm nhập và không xâm nhập giúp đội ngũ bác sỹ hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid – 19.
Ngân hàng HDBank của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã ủng hộ 10 tỷ đồng thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Ngoài ra, HDBank cũng dành 5.000 tỷ đồng tài trợ ưu đãi, lãi suất ưu đãi chỉ 6,5%/năm; dành 3.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dược, thiết bị-vật tư y tế nhằm đáp ứng nhu cầu và bình ổn thị trường sản phẩm (miễn giảm phí thanh toán quốc tế, phí giao dịch tài khoản thanh toán nội địa, phí phát hành các loại bảo lãnh từ 50%-100%; cho vay bổ sung vốn lưu động, bảo lãnh, phát hành L/C bảo lãnh; Ưu đãi lãi suất…).
Và hàng loạt các tập đoàn, doanh nghiệp đã chung tay ủng hộ như: Tập đoàn Hòa Phát; Samsung Việt Nam; Tập đoàn T&T Group và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội SHB của doanh nhân Đỗ Quang Hiển; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)… Ngoài ra còn phải kể đến rất nhiều các công ty, các tập đoàn, các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước… đã tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp tiền mặt, hiện vật, trang thiết bị vật tư y tế… với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng để thể hiện tình đoàn kết sát cánh chung tay cùng Chính phủ và nhân dân cả nước góp phần đẩy lui dịch bệnh.
Theo thông tin từ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt nam, tính đến nay tổng số tiền đóng góp của cộng động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân… đã đạt trên 1.600 tỷ đồng thông qua các văn phòng thường trực của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Khoản kinh phí này đã và đang được sử dụng một cách hiệu quả nhất hỗ trợ cho ngành y tế phòng và điều trì hiệu quả dịch Covid-19.
…đến những chuyến bay nghĩa tình và cây ATM gạo miễn phí
Trong suốt thời gian dịch Covid-19 hoành hành, với chức năng và trách nhiệm của mình, Hãng hàng không Quốc gia Việt nam (VNA) đã thực hiện hàng chục chuyến bay đưa đón đồng bào Việt kiều, du học sinh, người lao động từ khắp nơi trên thế giới trở về Tổ quốc để tránh dịch bệnh lây lan tại các quốc gia nơi họ đang sinh sống và học tập. Đồng thời VNA còn thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả khi vận chuyển những chuyến hàng cứu trợ mang theo hàng trăm tấn vật tư, thiết bị y tế giúp cho các quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Điều này không chỉ được nhân dân cả nước đánh giá cao mà dư luận quốc tế cũng nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm, có tinh thần tương ái cao cả. Nó không chỉ thể hiện tình tương thân tương ái mà hơn hết – nói như Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – đó còn là “nghĩa đồng bào” giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn khó khăn, đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam.
Để hỗ trợ cho các cơ sở y tế có điều kiện chăm sóc điều trị cho các bệnh nhân tốt hơn, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Trường Đại học Văn Lang đã cam kết tài trợ 2.000 máy thở để sử dụng trong việc điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Những chiếc máy thở này đều do Công ty Metran (Nhật Bản) sản xuất. Không chỉ riêng Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Vingroup cũng đã công bố kế hoạch của họ về việc tập trung toàn bộ nhân lực và công nghệ sẵn có của mình để nghiên cứu, chế tạo và tặng cho Bộ Y tế 5000 chiếc máy thở loại xâm nhập và không xâm nhập giúp các cơ sở y tế có thêm nhiều cơ hội điều trị cho bệnh nhâm lây nhiễm Covid – 19.
Dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng về sức khỏe cho người dân mà nó còn tạo nên một hiệu ứng xấu cho đời sống cộng đồng – đặc biệt là đối với những hộ nghèo, những người lao động thời vụ, những người có thu nhập thấp. Họ phải đối diện trực tiếp với những nỗi lo thường trực về cơm, áo, gạo, tiền trong bối cảnh các cơ sở sản xuất kinh doanh ngừng trệ, các hoạt động thương mại bị gián đoạn do cách ly xã hội. Để hỗ trợ cho các đối tượng này, lần đầu tiên trên thế giới, tại Việt Nam, những cây “ATM” gạo đã được phát minh ra với mục đích phân phát gạo miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Ban đầu xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh, sau đó là đến Hà Nội và hiện nay các cây ATM gạo này đang lan rộng ra các tỉnh thành trên cả nước mang theo ý nghĩa cao cả về tình tương thân tương ái, ghi nhận trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đối với các hoạt động thiện nguyện. Với sự hỗ trợ quyên góp, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cho đến nay hàng nghìn tấn gạo nghĩa tình đã được phát miễn phí đến tận tay các hộ nghèo, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn và vững tin hơn trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.
Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhìn từ dịch bệnh
Vẫn biết rằng đối với các doanh nghiệp, sự tăng trưởng và phát triển trong sản xuất kinh doanh luôn là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên các doanh nghiệp luôn hiểu và xác định sự phát triển của doanh nghiệp mình luôn gắn với trách nhiệm xã hội. Chúng ta đã từng thấy trách nhiệm xã hội của họ thông qua các hoạt động thiện nguyện thường niên, những đợt quyên góp ủng hộ cho đồng bào bị thiên tai bão lụt, những chuyến hàng nghĩa tình hỗ trợ đồng bào vùng cao trong những dịp Tết đến xuân về… Điều này đã trở thành truyền thống, là nét đẹp mang tính nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam.
Dịch bệnh Covid-19 này một lần nữa là thời điểm doanh nghiệp khẳng định lại trách nhiệm xã hội của mình đối với cộng đồng. Đối với các doanh nghiệp, đây là thời điểm khó khăn nhưng cũng chính là thời điểm thuận lợi để giúp họ tạo lập nên những giá trị cho các thương hiệu bền vững.
Tính tương thân tương ái, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn luôn là đạo lý, là truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam. Các doanh nghiệp đã đưa điều đó gắn vào với trách nhiệm xã hội của mình theo nguyên tắc “một miếng khi đói bằng một gói khi no”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.
Không phân biệt vùng miền, không so bì cao thấp, hơn lúc nào hết, trong đại dịch mang tính toàn cầu này, cộng đồng xã hội đã chứng kiến và ghi nhận trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, các tập đoàn, các tổ chức, cá nhân thông qua các hoạt động mang tính nhân văn cao cả này. Người có nhiều góp nhiều, người có ít góp it, người không có của cải vật chất thì đóng góp bằng sức mạnh tinh thần. Chính điều đó đã tạo nên sức mạnh tin thần vô cùng to lớn của dân tộc để mọi người đoàn kết cùng nhau vượt qua mọi khó khăn gian khổ và tin tưởng sẽ đến được bến bờ thắng lợi.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, những tên tuổi lớn đã bắt đầu vươn xa đến các thị trường ngoài nước có thể kể đến như Vietnam Airline, Vingroup, Viettel, Vietjet….Những thương hiệu Việt này đã và sẽ luôn định vị được giá trị của mình cũng như trách nhiệm xã hội mà họ đã đóng góp cho cộng đồng không chỉ hiện tại mà còn cả đối với những hoạt động công ích xã hội khác trong tương lai.
TRƯỜNG MINH