ISSN-2815-5823

Công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận những thị trường mới

(KDPT) – Nhằm tập trung định hướng xây dựng thương hiệu và đưa ra các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng lâu dài, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Diễn đàn xây dựng thương hiệu quốc gia cho công nghệ tài chính ngân hàng Việt Nam” tại Hà Nội.

Diễn đàn do TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh chủ trì, ngoài ra diễn đàn có sự tham gia của TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng; Ths. Phạm Xuân Hòe – Nguyên Viện phó Viện chiến lược Ngân hàng – Ngân hàng nhà nước Việt Nam; TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; ông Nguyễn Văn Khánh – Trưởng phòng trải nghiệm người dùng và phát triển sản phẩm, Tổng công ty Dịch vụ số Viettel.

Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao, thương mại với hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương có quy mô lớn, dẫn đến nhu cầu gây dựng thương hiệu quốc gia của các tổ chức tài chính để vươn ra lãnh thổ, mở rộng phạm vi hoạt động và tạo dựng thương hiệu quốc tế ngày càng cao. Đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng tại Việt Nam gấp rút thực hiện triển khai toàn diện áp dụng các tiêu chuẩn hiệp ước Basel II tại Việt Nam hướng tới hài hòa các dịch vụ ngân hàng với thế giới.

Công nghệ tài chính giúp doanh nghiệp tăng cơ hội tiếp cận những thị trường mới, đồng thời mở ra những cơ hội tương đương cho các đối thủ, vì vậy doanh nghiệp phải đổi mới sản phẩm và kỹ năng phục vụ liên tục để có thể cạnh tranh được. Do đó, áp lực của doanh nghiệp Fintech trong nước sẽ ngày càng lớn vì các doanh nghiệp nước ngoài có tốc độ thâm nhập và chiếm lĩnh thị trường rất nhanh. Hệ sinh thái khởi nghiệp Fintech Việt Nam hiện có khoảng 166 công ty đang hoạt động được chia thành các phân khúc chính như: Thanh toán điện tử, ngân hàng số, blockchain, gọi vốn cộng đồng, đánh giá tín dụng, POS và Insurtech…

Tổng quan những lĩnh vực mà Fintech hoạt động. Nguồn: Fullbirght.

TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Không thể phủ nhận hoạt động cho vay ngang hàng là một hoạt động tài chính mới mẻ, bổ sung cho hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế toàn cầu đang bị tác động bởi dịch bệnh. Nhưng hiện nay pháp luật chưa có qui định cụ thể về loại hình hoạt động này. Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng một chương trình thử nghiệm được gọi là Regulatory Sandbox và có thể sẽ mời một số công ty Fintech trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (tiếng anh gọi là Peer to Peer Lending, hay còn gọi tắt là P2P Lending). P2P Lending tham dự chương trình thử nghiệm này trước khi ban hành một nghị định về P2P Lending. Trong khi chờ có một qui định pháp luật cho P2P Lending, các công ty P2P Lending tại Việt Nam đang phát triển mạnh vì nhu cầu vay tín chấp của những doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ kinh doanh ngày càng cao”.

Diễn đàn tập trung định hướng xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech cũng như các ngân hàng trong và ngoài nước, chia sẻ từ các chuyên gia đi đầu trong lĩnh vực ngân hàng, từ đó đem lại bước phát triển mạnh mẽ cho ngành công nghệ tài chính ngân hàng để bắt nhịp với mức độ phát triển của thế giới.

NGUYỄN NGÂN



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024