ISSN-2815-5823
Yến Thanh
Thứ hai, 15h06 25/03/2024

Cột mốc mới trên hành trình sản xuất thép HRC của Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

(KDPT) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) thông báo, vào ngày 20/3, công ty chính thức cán mốc 9 triệu tấn thép cuộn cán nóng (HRC) sau gần 4 năm kể từ khi cuộn HRC đầu tiên tháng 5/2020 ra đời. Đây là thành quả sau khi hoàn thành Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 1 năm 2019.

Với công suất hiện tại 3 triệu tấn/năm, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng. Sản phẩm đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn khắt khe của Việt Nam và thế giới như: JIS, MS, BS EN...

HRC của Hòa Phát là sản phẩm nền tảng, nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất công nghệ cao khác như sản xuất ô tô, đóng tàu, công nghiệp cơ khí chế tạo, đồ gia dụng, kết cấu thép, tôn mạ, ống thép, vỏ container…

Cột mốc mới trên hành trình sản xuất thép HRC của Tập đoàn Hòa Phát (HPG)
Cột mốc mới trên hành trình sản xuất thép HRC của Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu thị trường, Hòa Phát đang tích cực triển khai xây dựng dự án Dung Quất 2. Tính đến ngày 31/12/2023, dự án này đã hoàn thành 45% tiến độ và dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2025.

Dự án Dung Quất 2 có công suất thiết kế 5,6 triệu tấn HRC/năm, giúp nâng công suất HRC của HPG lên 8,6 triệu tấn/năm và tổng công suất sản xuất thép lên 14 triệu tấn/năm. Qua đó, giúp doanh nghiệp lọt Top 30 hãng sản xuất thép lớn nhất thế giới từ năm 2025, đồng thời củng cố lợi thế về quy mô, tiến tới giảm được giá thành sản xuất hơn nữa.

Nhiều tổ chức tài chính đánh giá, với dự án Dung Quất 2, chi phí sản xuất HRC của Hoà Phát sẽ ở mức cạnh tranh hàng đầu khu vực ASEAN và có thể trên toàn Châu Á. Đáng chú ý, điều này cũng sẽ giúp các sản phẩm hạ nguồn như ống thép và vỏ container của HPG cạnh tranh hơn về giá cả.

Các sản phẩm HRC của Hòa Phát hiện nay gồm: Mác cacbon thấp (SAE1006, SAE1008, S235JR, SPHC, SPHD, BJPC, SPHT1), mác thép cacbon trung bình (SS400, S275, S355, SAE1017, SS36, ASTM A36), mác SPAH. Cung cấp những sản phẩm độ dày từ 1,2 mm đến 12 mm, khổ rộng 900 mm đến 1.500 mm theo nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Năm 2023, Hòa Phát cũng sản xuất một số mác HRC mới như S235JR, S275JR, S355JR xuất khẩu Châu Âu và thép kháng thời tiết SPA-H làm container.

Năm nay, Hoà Phát lên kế hoạch tăng trưởng mạnh so với mức thực hiện năm 2023. Theo đó, doanh thu mục tiêu năm 2024 đạt 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.000 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 18% và 47%.

Mức lợi nhuận kế hoạch này của tập đoàn đều cao hơn nhiều so với mức thực hiện của 2 năm liền trước đó, chỉ thấp hơn lợi nhuận của giai đoạn hoàng kim 2020-2021.

Ngành thép được dự báo sẽ bước vào một chu kỳ phục hồi mới từ năm 2024. Trong báo cáo mới đây, SSI Research kỳ vọng nhu cầu ngành thép sẽ phục hồi trong năm 2024 với mức tăng trưởng hơn 6% so với cùng kỳ, trong đó, mức tiêu thụ của thị trường trong nước có thể tăng 7%.

Theo chuyên gia của SSI Research, mức tiêu thụ thép trong năm 2024 sẽ được hỗ trợ từ sự phục hồi của nền kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản, tương tự như năm 2013. Mặt khác, theo Hiệp hội thép Thế giới, nhu cầu thép thế giới dự kiến tăng 1,9% trong năm 2024 so với mức 1,8% trong năm 2023.

Đối với thị trường xuất khẩu, xuất khẩu thép Trung Quốc dự kiến giảm trong năm 2024 so với mức nền cao trong năm 2023 (mức cao nhất kể từ năm 2016), từ đó hỗ trợ giá thép xuất khẩu của Việt Nam, cũng như hoạt động của các doanh nghiệp thép Việt Nam, trong đó có Hòa Phát.

Với những yếu tố trên, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 của Hòa Phát có thể đạt 11.200 tỷ đồng, tương ứng tăng 64,5% so với năm 2023, nhờ sự phục hồi cả về sản lượng tiêu thụ và giá thép./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 10/05/2024