ISSN-2815-5823

Đã thu hồi được 50.527 tỷ đồng tiền nợ thuế

(KDPT) - Trong 7 tháng đầu năm, toàn ngành thuế đã thu hồi được 50.527 tỷ đồng tiền nợ thuế, tăng 26% so với cùng kỳ.

Liên quan đến kết quả thực hiện chính sách và công tác quản lý thuế, Tổng cục Thuế cho biết, đến 15/7/2024, cơ quan thuế đã thực hiện được 28.072 cuộc thanh tra, kiểm tra, đạt 42,13% kế hoạch năm 2024 và bằng 94,53% so cùng kỳ; kiểm tra được 341.998 hồ sơ bằng 111,4% so cùng kỳ.

Đã thu hồi được 50.527 tỷ đồng tiền nợ thuế. (Ảnh minh họa)
Đã thu hồi được 50.527 tỷ đồng tiền nợ thuế. (Ảnh minh họa)

Lũy kế trong tháng 7, cơ quan thuế đã ban hành 1.747 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 13.052 tỷ đồng so với số hoàn cùng kỳ tháng 7/2023 bằng 130%.

Lũy kế đến cuối tháng 7, toàn ngành thuế đã thu hồi được 50.527 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Đặc biệt, trong tháng 7/2024, ước toàn ngành thuế thu được 5.059 tỷ đồng. Lũy kế tính đến cuối tháng 7/2024, ước toàn ngành thu được 50.527 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ.

Trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ được 47.547 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ được 2.980 tỷ đồng.

Thông tin về việc thực hiện giải pháp thông báo tạm hoãn xuất cảnh để thu hồi nợ thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, 7 tháng năm 2024, ngành Thuế thực hiện thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với 17.952 trường hợp với số tiền thuế nợ là 30.388 tỷ đồng, trong đó có 10.829 người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh với số tiền thuế nợ là 6.894 tỷ đồng.

Theo đó, cơ quan thuế đã thu được 1.341 tỷ đồng của 2.116 người nộp thuế đang bị tạm hoãn xuất cảnh, trong đó có 650 người nộp thuế với số tiền là 46,7 tỷ đồng của người nộp thuế đang bỏ địa chỉ kinh doanh.

Đại diện Tổng cục Thuế đánh giá, kết quả thu nợ khá tích cực, song công tác quản lý nợ thuế còn đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân tăng nợ chủ yếu do các khoản nợ liên quan đến đất tăng, do khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường vốn ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình hoạt động doanh nghiệp kinh doanh bất động sản dẫn đến nợ các khoản thu từ đất tăng cao.

Ngoài ra, các khoản tiền thuế được gia hạn đã hết thời gian gia hạn nhưng người nộp thuế chưa kịp thời nộp vào ngân sách nhà nước dẫn đến tiền thuế nợ tăng… Một số khó khăn khác là số lượng cán bộ làm công tác quản lý nợ còn mỏng so với đối tượng nợ thuế đã ảnh hưởng lớn đến công tác phân tích, đánh giá nợ để có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế phù hợp, hiệu quả.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế , với phương châm “giảm một đồng nợ thuế là tăng thu một đồng cho ngân sách nhà nước để phục hồi, phát triển kinh tế”, cơ quan thuế các cấp tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế, thông báo tạm hoãn xuất cảnh… để thu hồi nợ thuế.

Cơ quan thuế các cấp giao chỉ tiêu thu nợ và chỉ tiêu nợ thuế và lập kế hoạch thu nợ theo tháng, quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ, đồng thời gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.

Bên cạnh đó đó, cơ quan thuế chủ động rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, lập danh sách các doanh nghiệp, cá nhân nợ thuế theo từng nhóm nợ, chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung rà soát, phân loại những người nộp thuế để xác định rõ nguyên nhân nợ thuế, chỉ đạo các cục thuế áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ vào ngân sách nhà nước.

Để thu hồi kịp thời các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách, Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác địa phương tập trung rà soát dữ liệu tiền thuế nợ; tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành liên quan nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế; ứng dụng công nghệ thông tin lập trình trợ lý ảo trong quản lý nợ thuế; tổ chức hướng dẫn, giải đáp và xử lý các vướng mắc về nghiệp vụ theo quy định.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine