ISSN-2815-5823

Đảm bảo tính khách quan và khoa học khi áp thuế nước giải khát có đường

(KDPT) - Ngày 4/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Nhiều Đại biểu cho rằng đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường với lộ trình phù hợp để tránh “khó chồng khó”.

Nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn khi chưa đủ cơ sở khoa học và đánh giá toàn diện

Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (Dự luật thuế TTĐB) là một trong 34 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10%” do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF và Bộ Y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường tại Việt Nam, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm. 

Quy định đưa ra nhằm hạn chế tiêu dùng do lo ngại sử dụng sản phẩm sẽ có hại cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá đầy đủ cơ sở khoa học đối với loại sản phẩm này.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh băn khoăn với nội dung đánh thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường. Đưa ví dụ về nước uống coca, theo ông Vinh, có 2 loại là có đường và một loại khác là coca không đường (Light, sử dụng chất tạo ngọt nhưng không phát sinh năng lượng) - "Giả sử đánh thuế coca có đường, còn coca Light thì không, hoặc đánh thuế cả 2 thì cần có cơ sở khoa học để giải thích".

Cùng với đó, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, đánh thuế nước giải khát có đường là vấn đề được bàn luận rất nhiều tại các phiên họp. Việc đánh thuế có thể khiến giá sản phẩm tăng lên, làm thay đổi định hướng tiêu dùng của người dân. "Ví dụ coca đắt vì bị đánh thuế thì người dân có thể chuyển hướng sang sử dụng các sản phẩm khác, như nước mía, chè đỗ đen, nước ép hoa quả tự nhiên chẳng hạn. Vậy như thế có đảm bảo rằng tỉ lệ béo phì sẽ giảm hay không".

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu

Trong khi đó, Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình rất băn khoăn trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu nhiều áp lực từ bên ngoài và còn nhiều bất ổn ở khu vực tiêu dùng và dịch vụ thì việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần phải được cân nhắc thấu đáo và dựa trên các đánh giá toàn diện. Đơn cử, đại biểu cho rằng việc tăng hay áp thuế có thể giúp tăng thu ngân sách trong ngắn hạn nhưng nếu thực hiện quá nhanh và mạnh sẽ tạo ra hiệu ứng ngược, làm giảm nguồn thu trong trung và dài hạn. Đại biểu phân tích, người tiêu dùng là đối tượng cuối cùng chịu chi phí sẽ là nhóm ảnh hưởng rõ nét nhất. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần phải có một nghiên cứu độc lập và có thể kết hợp với các hiệp hội ngành hàng để thực hiện đánh giá tác động toàn diện của chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường (tác động đến doanh nghiệp sản xuất, người tiêu dùng, người lao động và chuỗi cung ứng; ảnh hưởng đến các chỉ số kinh tế vĩ mô như GDP, thu ngân sách, lạm phát và sức mua tiêu dùng...).

Vì vậy, đại biểu kiến nghị lùi thời điểm áp dụng quy định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có hàm lượng đường 5g/100ml bắt đầu từ năm 2028 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm, đầu tư, đổi mới công nghệ và phát triển sản phẩm thay thế với lộ trình có thể từ 3-7% rồi đến 10% để giúp doanh nghiệp có thời gian thích nghi, đồng thời có thể xem xét áp dụng mức thuế khác nhau tùy hàm lượng đường trong sản phẩm nhằm khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công thức theo hướng giảm đường, hướng đến tiêu dùng lành mạnh.

Một trong những đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp ý đối với dự thảo Luật thuế TTĐB tại nhiều diễn đàn, Đại biểu Phạm Văn Hòa – ĐBQH tỉnh Đồng Tháp quan ngại việc chưa có đủ cơ sở khoa học để chứng minh nước giải khát có đường gây béo phì vì bệnh này có nhiều nguyên nhân khác nhau cũng như việc đường có ở nhiều các sản phẩm khác (ví dụ như trà sữa, các đồ uống có đường pha sẵn khác được bán tràn lan trên đường phố v.v) chứ không riêng gì nước giải khát có đường.  Đại biểu đề nghị xem xét sao cho phù hợp, đảm bảo tính công bằng với các sản phẩm có đường khác và đồng thời cân nhắc nên áp dụng 5% bắt đầu từ năm 2028 trở đi.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng: "Nếu chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học để cho rằng việc sử dụng đồ uống có đường gây tổn hại đến sức khỏe thì tôi ủng hộ việc đánh thuế. Nhưng vấn đề là ý kiến còn rất khác nhau do đây là vấn đề thuộc về khoa học chứ không phải vấn đề về quy định. Trường hợp đánh thuế làm rất rõ và giải trình rất rõ với Quốc hội cơ sở khoa học việc xác định đồ uống có đường có hại, cần có kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tiêu dùng cho nên phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, chỗ này phải lý giải".

Chưa đủ cơ sở khoa học chứng minh nước giải khát có đường gây béo phì

Theo thống kê của Bộ Y tế, riêng năm 2020, tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.; Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020. Mặc dù Việt Nam có tốc độ tăng nhanh về số người béo phì trong thời gian gần đây nhưng xét về tỷ lệ dân số thì số người TCBP ở Việt Nam vẫn thấp nhất so với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Theo số liệu từ Liên đoàn béo phì thế giới năm 2022, tỷ lệ thừa cân béo phì người trưởng thành tại Việt Nam đứng thứ 200 và Trẻ em đứng thứ 137. Tại khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ thừa cân béo phì ở người trưởng thành tại Việt Nam, đứng thứ 11 Trẻ em đứng thứ 8. Số liệu này cho thấy, tỷ lệ thừa cân béo phì tại Việt Nam còn thấp, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn cao.

Theo các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế tại Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 đã chỉ ra rằng thừa cân béo phì (TCBP) do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm (i) chế độ dinh dưỡng không hợp lý, không chỉ đến từ việc tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng bao gồm các thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, đường, muối và không đủ chất xơ; (ii) thiếu hoạt động thể chất, lười vận động; iii) các nguyên nhân di truyền, nội tiết. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối tương quan giữa TCBP với thời gian tĩnh tại, tuổi tác, trình độ học vấn, môi trường sinh sống làm việc, thời gian ngủ...

Các khảo sát thực tiễn đối với lứa tuổi học đường tại Việt Nam cho thấy không có mối tương quan giữa việc tăng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt với tăng tỷ lệ TCBP. Cụ thể, Báo cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần ăn, tần suất và thói quen sử dụng thực phẩm của học sinh tiến hành năm 2018 cho thấy tỷ lệ TCBP ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%) nhưng tỷ lệ tiêu thụ nước ngọt ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính. Các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung cũng chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (22%).

Đảm bảo tính khách quan và khoa học khi áp thuế nước giải khát có đường - ảnh 3

Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calorie duy nhất và cao nhất trong chế độ ăn uống của người Việt nên nếu ngoài các sản phẩm này thì người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường và calorie với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác. Nếu so sánh về mức calories cung cấp giữa các loại thực phẩm thì lượng calo cung cấp từ nước giải khát có đường chỉ khoảng 44 kcal/100g) là thấp nhất trong các loại thực phẩm chứa đường.

Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Tài chính, mức tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt Nam năm 2018 là 50,7 lít/người/năm. Theo số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tức là tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020. Như vậy, theo số liệu của hai cơ quan trên thì mức độ tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam từ năm 2018 đến năm 2020 có chiều hướng giảm. So với nhiều quốc gia và khu vực, mức độ tiêu thụ này là khá thấp.

PGS. TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ngành đồ uống trong đó có các doanh nghiệp nước giải khát hiện đóng góp khoảng trên 60 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách Nhà nước, chiếm gần 3% tổng thu ngân sách, chưa kể tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Đây là nguồn lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước và ổn định an sinh xã hội. Ngoài ra, ngành nước giải khát thu hút nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các Tập đoàn lớn trên thế giới như Coca-cola, Suntory PepsiCo... và cả vốn đầu tư từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, là động lực cần hỗ trợ để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian tới. Vì vậy, để bảo đảm tăng trưởng kinh tế, PSG. TS. Nguyễn Văn Việt lưu ý cần quan tâm tới “sức khỏe” doanh nghiệp, “nuôi dưỡng nguồn thu” và sức cầu tiêu dùng nội địa. Khi doanh nghiệp suy yếu, việc làm giảm, thu nhập lao động bị ảnh hưởng, sức mua suy giảm, đà phục hồi kinh tế sẽ chậm lại.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cũng khẳng định đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, mở rộng đối tượng đánh thuế sẽ gây nhiều khó khăn cho ngành sản xuất đồ uống. Đây là trong giai đoạn chúng ta cần bứt tốc về tăng trưởng, việc áp thuế có thể gây tác dụng ngược vì có thể có sự chuyển dịch từ phân được sản xuất, đảm bảo chính thống, sang những mặt hàng không chính thống và rất khó kiểm soát về chất lượng. Điều này sẽ dẫn đến rủi ro mục đích mà thuế tiêu thụ đặc biệt là giảm tiêu dùng để bảo vệ sức khỏe thì có khi không đạt được. Nhấn mạnh trước khi đề xuất thuế, cần nghiên cứu thật sâu sắc hơn trên các yêu tố về tính cân bằng, tác động ngân sách, tiêu dùng, lao động... Cần cân nhắc thêm về hiệu quả và công bằng của sắc thuế kiến nghị của các chuyên gia, doanh nghiệp, hiệp hội là chưa nên áp thuế NGK có đường là hợp lý./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 13/06/2025