ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ bảy, 07h37 21/09/2024

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường khiến doanh nghiệp gặp khó

(KDPT) - Thuế tiêu thụ đặc biệt ban hành cần phải dựa trên đánh giá tác động kỹ lưỡng về hiệu quả và chi phí của từng giải pháp đối với kinh tế, xã hội...

Thuế tiêu thụ đặc biệt có ý nghĩa quan trọng

Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm đánh vào một số hàng hóa dịch vụ đặc biệt, thường được áp cho những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp; không có lợi cho sức khỏe, môi trường; gây lãng phí cho xã hội và tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa - xã hội.

Khi Nhà nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt vào 1 hàng hóa, dịch vụ nào đó thường dẫn đến giá của hàng hóa, dịch vụ đó tăng lên, qua đó ảnh hưởng đến cung - cầu các hàng hóa dịch vụ.

Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, như: góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng những mặt hàng không có lợi cho sức khỏe và môi trường xã hội; định hướng tiêu dùng tiết kiệm đối với nhiên liệu có nguồn gốc hóa thạch và khuyến khích sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường; đồng thời góp phần ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Qua 4 lần sửa đổi trước đây, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội nhưng cũng còn một số hạn chế.

Dự kiến, ngày 23/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 37. Tiếp theo đó, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Luật và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tám (dự kiến khai mạc vào ngày 21/10 tới đây) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Chín vào tháng 5/2025.

Quang cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Trong bối cảnh đó, Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)” do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phối hợp với Báo Đại biểu Nhân dân, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức nhằm thảo luận, đóng góp ý kiến hữu ích vào nội dung dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đặc biệt là về những nội dung còn ý kiến khác nhau; đề xuất các chính sách hợp lý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Khó khăn cho các doanh nghiệp

Đại diện cho phía doanh nghiệp chịu tác động của quy định áp thuế, ông Lương Xuân Dũng  - Chánh Văn phòng Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết: Việc áp dụng thuế TTĐB 10% với nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh như cơn bão Yagi vừa qua.

Việc áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường còn tác động đến 24 liên ngành trong nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp hàng nghìn lao động trong các doanh nghiệp. Tác động trực tiếp tới thuế gián thu và trực thu từ đó tác động tới thu ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo ông Dũng, thiệt hại nặng nề từ cơn bão Yagi đã khiến cơ sở hạ tầng của các doanh nghiệp, làm gián đoạn đáng kể khả năng sản xuất và cung ứng hàng hóa. Các hạng mục như kho bãi và thiết bị bị hư hỏng nặng, khiến hoạt động sản xuất đình trệ và nguyên vật liệu đầu vào bị tổn thất trong quá trình sản xuất. Điều này không chỉ làm giảm sản lượng mà còn kéo dài thời gian giao hàng. 

Các doanh nghiệp cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: Trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo ông Lương Xuân Dũng, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường. Hơn nữa các loại đồ uống này thường có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB.

Điều này dẫn đến mục tiêu chính sách đặt ra không đạt được trong khi đó sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống bị ảnh hưởng tiêu cực và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay. Do vậy, Hiệp hội đề nghị xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Tách riêng áp thuế giữa rượu và bia

Tại hội thảo, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, cho rằng, đối với mặt hàng đồ uống có cồn, ông Lực kiến nghị, cần tách riêng và áp các mức thuế khác nhau giữa rượu và bia (theo hướng thuế suất đối với mặt hàng bia nên để ở mức tối đa bằng 50% mức thuế suất của rượu loại trên 20%), vì đây là hai loại đồ uống có nồng độ cồn rất khác nhau và tác động đến sức khỏe, mang tính yếu tố văn hóa cũng rất khác nhau.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phát biểu. (Ảnh: Phạm Thắng)
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phát biểu. (Ảnh: Phạm Thắng)

Dẫn ước tính của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), ông Nguyễn Thanh Phúc, Giám đốc Quan hệ Đối ngoại của Công ty HEINEKEN Việt Nam, cho biết, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên 15% đối với đồ uống có cồn vào năm 2026 có thể dẫn đến việc giá sản phẩm tăng 20%. Việc tăng thuế như vậy vừa kìm hãm sản xuất vừa làm suy giảm mục tiêu tăng thu ngân sách nhà nước.

Do vậy, để tạo môi trường ổn định cho các ngành công nghiệp phục hồi, cần áp dụng lần tăng thuế đầu tiên vào năm 2027, sau đó tăng dần 2 năm một lần và mỗi lần tăng 5%, để đến năm 2031 tăng tối đa đến 80%, đại diện doanh nghiệp đề nghị.

Các chuyên gia tại hội thảo cho rằng, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm nước giải khát có đường sẽ giúp nguồn thu ngân sách tăng thêm khoảng 2.400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, trong trường hợp tiêu thụ giảm do thay đổi hành vi của người tiêu dùng sẽ kéo giảm doanh thu, đồng nghĩa giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Vì thế, Ban soạn thảo cũng cần làm rõ tác động của chính sách này với các nguồn thu thuế khác cũng như với các ngành kinh tế khác.

Vì vậy, theo các đại biểu, cần hết sức cân nhắc việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường; phải có cơ sở khoa học, đánh giá tác động đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm chính sách ban hành phù hợp, công bằng, khả thi./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 21/09/2024